Hiện nay, có nhiều người xuất hiện tâm lý lơ là, chần chừ, phân vân giữa tiêm và không tiêm mũi 4 ngừa Covid-19.
Theo các chuyên gia dịch tễ, tiêm chủng cho biết, hiệu quả bảo vệ của mũi tiêm cơ bản vaccine phòng Covid-19 giảm dần theo thời gian trong vòng 6 tháng sau khi tiêm và trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới. Đối với biến chủng Omicron, hiệu quả bảo vệ giảm rất nhanh do nồng độ kháng thể cần thiết để trung hòa virus ở mức cao hơn so với các biến chủng virus SARS-COV-2 trước đây. Những người đã tiêm mũi cơ bản nếu không tiêm mũi nhắc vẫn có nguy cơ mắc bệnh.
Nhìn lại hoàn cảnh thực tế thì dịch Covid-19 vẫn đang còn, thậm chí biến thể phụ của Omicron là BA.5 đã xâm nhập vào Việt Nam. Nguy hiểm hơn, nó có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, khiến dịch có nguy cơ bùng phát mạnh rên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế. Vì thế, tâm lý chủ quan, lơ là, chậm tiêm vaccine ở thời điểm này là điều không nên có.Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã chia sẻ “Hiện nay chưa có bất cứ bằng chứng khoa học nào khẳng định vaccine phòng Covid-19 ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe người dân. Trong khi hiệu lực của vaccine giảm tương đối nhanh, vì vậy, để duy trì hiệu quả bảo vệ, cần tiêm mũi 3, mũi 4 theo hướng dẫn của Bộ Y tế”. Huống hồ, Việt Nam luôn áp dụng quy trình kiểm định vaccine Covid-19 kỹ lưỡng, đối với vaccine hết hạn chắc chắn sẽ bị tiêu hủy, không được tiêm cho người dân. Nếu có vaccine dư, chưa hết hạn thì cớ gì phải tiêu hủy? Các nước như Namibia, Mỹ, Nam Phi, Thụy Sĩ,… tiêu hủy vaccine vì hết hạn, không đảm chất lượng chứ không ai mang vaccine dư, còn hạn đi tiêu hủy cả.
Huống hồ, PGS. TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định: “Số lượng cung ứng vaccine chỉ đáp ứng đủ tiêm nhắc lại cho người dân đủ và không có hiện tượng dư thừa. Bộ Y tế cũng đã có kế hoạch phân bổ cho các tỉnh theo đúng số đối tượng tiêm nhắc lại”.
Nhanh chóng sử dụng vaccine còn hạn để tiêm mũi 4 đúng lịch, đúng liều lượng là điều cần làm ở các địa phương. Đó là giải pháp hữu hiệu, tăng cường lá chắn bảo vệ người dân trước biến chủng mới nhanh nhất. Đồng thời tránh được sự lãng phí ngân sách đã bỏ ra mua vaccine, cũng như trân quý những liều vaccine có được từ nỗ lực ngoại giao của Chính phủ trong suốt thời gian qua.
Một số địa phương yêu cầu người dân ký bản cam kết nếu không tiêm vaccine, ngay sau đó có ý kiến cho rằng “Nhà nước ép người dân tiêm”. Quan điểm này không đúng bởi lẽ chính quyền địa phương vẫn để người dân có quyền lựa chọn. Tiêm thì được Nhà nước bảo vệ khi chẳng may mắc bệnh, còn không tiêm thì phải chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh. Sự lựa chọn đi kèm quyền lợi và trách nhiệm, đó gọi là công bằng.
Trong bối cảnh, Trung Quốc vẫn còn lao đao vì dịch bệnh, còn Việt Nam đã ổn định, đang trong quá trình phục hồi kinh tế đầy triển vọng nhờ chiến lược tiêm vaccine hiệu quả và biện pháp chống dịch nghiêm ngặt. Thậm chí, trang Le Petit Journal của Pháp còn nhận định Việt Nam thực sự sẽ trở thành “con hổ mới” của Châu Á. Vì thế đừng để những kết quả đã có lẫn những hy vọng về tương lai của Việt Nam tan thành bọt biển.
Đặng Trường (Theo Canhco.net)
ConversionConversion EmoticonEmoticon