Mới đây, thông tin “ông Phạm Nhật Vượng bị cấm xuất cảnh” xuất hiện lan tràn trên mạng xã hội.
Mọi chuyện chỉ lắng xuống khi chiều 11/7, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an đã nêu đích danh “nhân vật” tung tin giả là ông Tô Vĩ Hoàng (38 tuổi, trú Phường Cầu Diễn, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Cùng ngày, Sở Thông tin – Truyền thông Hà Nội cũng đã xử phạt hành chính ông Hoàng 7,5 triệu đồng và yêu cầu gỡ bỏ toàn bộ các thông tin sai sự thật. Ngoài ra, còn có thêm 9 cá nhân ở 7 địa phương khác tham gia vào việc tung tin thất thiệt trên cũng được xử lý.
Tuy nhiên, có rất nhiều tổn thất, khó phục hồi sau hành vi đăng tải, lan tỏa thông tin sai sự thật nói trên. Vào ngày 11/7, giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận các mã cổ phiếu chủ chốt thuộc tập đoàn Vingroup sụt giảm từ gần 2,5% đến hơn 5%. Mặc dù, cơ quan chức năng đã bác thông tin sai sự thật nhưng phản ứng trên thị trường chứng khoán vẫn khá tiêu cực, VN-Index cũng bốc hơi không ít điểm.Nghiêm trọng hơn, khi tài sản của doanh nghiệp sụt giảm nhanh chóng sẽ tạo ra tâm lý hoang mang rất lớn cho các nhà đầu tư đã và sẽ đầu tư vào doanh nghiệp ở tất cả các lĩnh vực. Điều này vô hình trung cũng ảnh hưởng đến kinh tế đất nước, nhất là trong giai đoạn Việt Nam đang rất cần thu hút vốn đầu tư nước ngoài cho quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch. Chưa kể, sự việc có thể tạo ra lỗ hổng để một số thế lực trục lợi.
Tin giả, xuyên tạc tràn lan trên MXH đang trở thành vấn nạn không còn xa lạ gì với người dân nhiều năm qua. Nhưng đặc biệt trong 2 năm trở lại đây, khi dịch bệnh hoành hành, thời gian người dân ở nhà nhiều hơn, khiến MXH trở thành kênh thông tin phổ cập đến từng gia đình, mức độ ảnh hưởng tích cực cũng như tiêu cực đối với mỗi cá nhân và ở quy mô cộng đồng cũng vì thế tăng lên. Chưa nói đến mưu đồ chống phá của một số thành phần lợi dụng MXH để phát tán thông tin xuyên tạc tình hình Việt Nam. Chỉ riêng với chứng háo danh, thích câu like, câu view, “đam mê” làm “anh hùng bàn phím”… của một bộ phận cư dân mạng thôi thì tình hình trị an xã hội cũng đã bị thử thách khá nhiều lần.
Nên chăng, đối với kẻ tung tin giả, tin thất thiệt trong tất cả các lĩnh vực chứ không riêng gì lĩnh vực kinh tế, các cơ quan chức năng cần nâng mức sàn phạt hành chính lên gấp 3- 5 lần hiện nay và tính mức trần dựa trên việc nhân mức sàn với các hệ số, tùy theo quy mô và mức độ tác động đối với xã hội. Thậm chí, cần suy nghĩ đến việc xem các vụ đưa tin giả là án điểm, đưa ra xét xử công khai, phạt tù để nâng mức độ răn đe với xã hội.
Trong khi chờ đợi biện pháp mạnh mẽ từ các đơn vị có thẩm quyền, thiết nghĩ, mỗi người dân Việt Nam cần tỉnh táo, phát huy ý thức công dân, chọn lọc thông tin và sống thượng tôn pháp luật. Không thể lấy lý do nghe “anh A, chị B… là người ở cơ quan X, tổ chức Y” nói vậy, rồi an tâm hùa theo không kiểm chứng, dẫn đến các phát ngôn vô trách nhiệm, các suy diễn vô căn cứ, nhưng nhanh chóng gieo rắc hoài nghi lan tràn khắp nơi.
Hai năm qua, dịch Covid-19 đã gây quá nhiều tổn thất trên mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt là kinh tế. Việc chung sức cùng nhau đi qua khó khăn là yêu cầu quan trọng của thời cuộc lúc này. Đã đến lúc, tung tin giả, phát tán tin giả gây bất ổn xã hội cần được xem là hành vi phá hoại có chủ ý.
Phạm Khoa
ConversionConversion EmoticonEmoticon