Nếu ai có đi ngang qua dòng sông Nhật Lệ ở Quảng Bình sẽ bắt gặp ngay tượng đài của mẹ Suốt. Đây được coi là biểu tượng tự hào của người dân và cũng là địa danh nổi tiếng của địa phương mà nếu ai đến cũng được giới thiệu tham quan. Chỉ là gạch đá xi măng với hình tượng người mẹ chèo đò nhưng tượng đài mẹ Suốt vẫn đứng đó trong sự yêu quý và kính mến của biết bao thế hệ.
Nhìn từ sự trường tồn của hình ảnh tượng đài mẹ Suốt sau ngần ấy năm lịch sử vẫn mãi được yêu quý. Soi chiếu vào câu chuyện tượng đài “Công an nhân dân vì dân phục vụ” vừa mới được khánh thành tại Hà Nội, từ phương diện bố cục có phần khiến người xem cảm thấy rối rắm. Nếu hình ảnh chiến sĩ cảnh sát giao thông và lính cứu hỏa sắp xếp hợp lý, tinh tế hơn thì có lẽ bố cục nhìn vào sẽ được hài hòa hơn.
Trong khi thực tế có những điều, những việc tưởng đơn giản nhưng cũng đủ nhắc nhở sự trân trọng trong lòng người dân. Đơn cử, trong những ngày qua là hình ảnh người lính cứu hỏa bất chấp hiểm nguy lao vào lửa để cứu 4 người dân ở Hà Nội được chia sẻ và nhận được sự ủng hộ, trân trọng rất lớn từ dư luận. Trước đó bàn tay bỏng tuột da của một chiến sĩ chữa cháy tại một chung cư ở TP.HCM hay sự ra đi của một chiến sĩ bỏ lại đứa con thơ chưa kịp chào đời trong khi làm nhiệm vụ đã lấy đi nước mắt của hàng triệu người dân. Nói vậy để thấy rằng, những thứ xuất phát từ thực tế mới gây cảm xúc mạnh mẽ và ấn tượng rất lớn trong lòng người dân. Và tượng đài là đấy chứ đâu.
Việt Nam được xem là một trong những đất nước an toàn nhất thế giới. Điều đó có sự góp phần không nhỏ từ lực lượng công an. Thế nên tri ân bằng tượng đài cũng không quá gì là quá mức. Nhưng để nó thực sự có ý nghĩa, gần gũi hơn và trở thành địa điểm tham quan thì cần phải cần nhiều hơn sự tinh tế của không chỉ bản thân người họa sĩ tạc khắc những khoảnh khắc về những hy sinh lặng thầm của các chiến sĩ mà cả của các cơ quan chức năng đảm trách công trình này.
Công Luân (theo canhco.net)
ConversionConversion EmoticonEmoticon