Dạo gần đây có ý kiến băn khoăn việc một số lãnh đạo chủ chốt bị xử lý khiến cấp dưới khó tránh khỏi “tâm tư”, co thân thủ thế. Song thử hỏi, nếu tiêu cực vẫn tồn tại, nếu những ai đó có sai phạm không bị xử lý và những người đứng đầu không ai chịu trách nhiệm, liệu rằng đơn vị đó, ngành đó có tốt lên, có thể tiếp tục vận hành một cách lành mạnh?
“Ai làm sai pháp luật phải xử lý. Còn ai không làm sai, vì người dân, thì cứ yên tâm làm việc”, lời này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc như trúng gan ruột không chỉ đội ngũ cán bộ mà còn của cả người dân. Và những gì đã và đang diễn ra là tất yếu, có vi phạm thì phải xử lý, sai đến đâu xử lý đến đó, cá nhân nào làm sai người đó phải chịu trách nhiệm. Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, phải đại phẫu chặn đứng trước khi di căn và chỉ có như vậy mới chấm dứt được những đau đớn kéo dài. Đâu có căn bệnh nào muốn chữa trị dứt bệnh mà không chịu đau đớn tạm thời. Khi bị tai nạn hay bệnh tật gì đó, ban đầu ai cũng sẽ e ngại nhiều thứ nhưng dần dà sẽ vui vẻ và khỏe mạnh hơn sau khi chữa chạy đúng cách, đúng bệnh. Còn các cơ quan, cá nhân vô tư, trong sáng, minh bạch, làm đúng thì cứ yên tâm làm việc, cống hiến, người dân luôn công tâm với tất cả.
Tin rằng, những diễn biến vừa qua không làm những công bộc chân chính chùng xuống hay tâm tư, chỉ có những ai đã và đang có ý định làm sai thì mới e ngại, sợ, không dám làm. Người ta có thể coi việc trừng trị này là cái cớ để họ “phản công ngầm” nhưng với dân chúng và tất thảy những người công bộc chân chính thì tin rằng đó lại là niềm vui. Như với đội ngũ cán bộ y tế, họ vui vì không bị đánh đồng với những kẻ mượn danh chống dịch để đục khoét ngân khố quốc gia. Còn với người dân thì ít nhất sắp tới khi mà ai đó bàn tính mưu mô để trục lợi họ cũng phải nhìn đó mà chùn tay và cư xử cho tử tế hơn cho phải đạo làm quan.
Như trong Truyện Kiều có câu nói rất đáng lưu tâm về bậc làm quan: “Nghĩ mình phương diện quốc gia / Quan trên trông xuống, người ta trông vào”. Phàm đã làm quan thời xưa, hay cán bộ thời này, mà lại là cán bộ cao cấp thì phải là rường cột xã tắc, gương mặt quốc gia. Nếu không chịu tu thân, không nghĩ đến lợi ích quốc gia và Nhân dân thì căn bệnh chủ nghĩa cá nhân sẽ trỗi dậy và thắng thế thì sớm muộn cũng sẽ mắc sai lầm, thậm chí phạm trọng tội.
Người dân hoan hỉ trước việc tham quan bị hạch tội, cách hết chức tước, phải thi hành án tù. Điều đó chứng tỏ công cuộc diệt trừ tham nhũng, tiêu cực là rất hợp lòng dân. Liên tiếp những vụ đại án, và không ít những cán bộ, thậm chí cán bộ cấp cao bị khởi tố, có người đang phải ở tù, đều bởi do bản thân họ không chịu tu dưỡng, sửa mình, nên sa vào tệ nạn tham nhũng, hối lộ, bị tiền bạc, vật chất lung lạc chỉ nghĩ cho lợi ích bản thân mà quên đi lợi ích của quốc gia và Nhân dân. Đỉnh cao quyền lực và vực sâu tội lỗi trong những trường hợp như thế chỉ cách nhau trong gang tấc. Sự thoái hóa, biến chất như cách nói phổ biến ngày nay chỉ còn là vấn đề thời gian và cơ hội cho “căn bệnh” tham nhũng, hối lộ, móc ngoặc phát tác. Vì vậy, đừng lấy việc xử lý sai phạm ra để “mặc cả” với luật pháp nước nhà.
Văn Dân
Theo Canhco.net
ConversionConversion EmoticonEmoticon