Thời gian qua, công tác đấu tranh, xử lý đối với tội phạm tham nhũng được đẩy mạnh quyết liệt, những kết quả tích cực đã góp phần củng cố lòng tin trong nhân dân. Tuy nhiên, một số đối tượng, tổ chức chống phá điển hình như “Việt Tân” liên tục công kích, phá hoại, rêu rao những thông tin thật giả lẫn lộn hòng huyễn hoặc dư luận. Một mặt, những kẻ này vu khống Việt Nam không có tự do báo chí, tự do ngôn luận để giám sát quyền lực. Mặt khác, chúng cổ suý, tung hô chế độ đa nguyên, đa đảng là ưu việt, đòi biểu tình một cách tự do vô tổ chức, vô pháp luật và coi đây là giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Đâu là sự thật?
Đồng ý với quan điểm cho rằng, cái hay của một đất nước là đừng để tham nhũng xảy ra, vì khi tham nhũng đã diễn ra, dù có xử lý hình sự cũng sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực đến xã hội. Tuy nhiên, những quan điểm, những “đề xuất”, những “giải pháp” của Việt Tân lại hoàn toàn phi lý và vô giá trị.
Trước hết, bàn về việc chế độ đa nguyên, đa đảng có phải là tối ưu để ngăn chặn tham nhũng hay không. Câu trả lời thẳng thắn là không. Báo cáo của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International – TI) về Chỉ số Cảm nhận tham nhũng (Corruption Perceptions Index – CPI) năm 2020 cho thấy có đến 2/3 trong tổng số 180 quốc gia trên thế giới đạt dưới 50 điểm trên thang điểm 100. Hai quốc gia đứng đầu thế giới về độ minh bạch là Đan Mạch và New Zealand cũng chỉ đạt 88 điểm. Nói cách khác, tham nhũng đang là một vấn nạn chung của toàn thế giới. Không phải nước nào đa nguyên, đa đảng cũng dẹp bỏ được tham nhũng.Vậy khi nào tham nhũng không thể xảy ra? Để trả lời cho câu hỏi này, cần xác định rõ nguồn gốc, bản chất của tham nhũng. Nguồn gốc của tham nhũng là sự phân hoá quyền lực trong xã hội. Bản chất của tham nhũng là sự tha hoá quyền lực, biểu hiện ở việc một người khi được giao quyền lực nhà nước trong tay đã sử dụng để phục vụ những mưu đồ, toan tính, lợi ích riêng của cá nhân hoặc một nhóm cá nhân. Vì vậy, các quốc gia phải không ngừng hoàn thiện cơ chế, chính sách để kiểm soát quyền lực Nhà nước, ngăn chặn việc quyền lực bị sử dụng tuỳ tiện. Cùng với đó là việc xử lý nghiêm minh, bảo đảm sự răn đe một cách nghiêm khắc đối với những người có hành vi tham nhũng.
Hiện nay, “Việt Tân” cùng một số đối tượng xấu đang cố đổ lỗi cho rằng tham nhũng ở Việt Nam là do thể chế chính trị một đảng gây ra. Cùng với đó là những kiểu lập luận “dây cà ra dây muống” để vu khống Việt Nam không có tự do, dân chủ, nhân quyền. Tất cả những điều này là hết sức phi lý. Tại Việt Nam, quyền tự do luôn được tôn trọng theo đúng quy định của pháp luật. Thậm chí, nước ta còn có nguyên một giải thưởng báo chí về phòng, chống tham nhũng mang tên Búa liềm vàng để tôn vinh các nhà báo, cơ quan báo chí có đóng góp trong phòng, chống tham nhũng. Như vậy, hà cớ gì các “nhà dân chủ” cho rằng Việt Nam nảy sinh tham nhũng là do không có tự do báo chí?
Liên quan đến việc đòi tự do biểu tình, đây tiếp tục là một cú “dắt mũi dư luận” của “Việt Tân”. Ở Việt Nam người dân còn có quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh đến các cơ quan có thẩm quyền, thông qua báo chí để phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng. Thực chất, cái “tự do biểu tình” mà “Việt Tân” hướng đến là thứ tự do vô tổ chức, tự do vô pháp luật, tự do để tạo điều kiện cho đám “dân chủ cuội” tụ tập gây rối, phá đám, làm mất an ninh trật tự của đất nước.
Nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta không phủ nhận tham nhũng vẫn có điều kiện, cơ hội để nảy sinh tại Việt Nam. Vì vậy, mỗi người dân phải phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội cũng như tích cực phát huy trí tuệ, đóng góp ý kiến vào việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để phòng ngừa tham nhũng. Đi liền với đó là việc đấu tranh với những kẻ phá đám, tát nước theo mưa, xuyên tạc bản chất vấn đề tham nhũng để phá hoại đất nước.
Bảo An (Theo canhco.net)
ConversionConversion EmoticonEmoticon