Tôi là người dân tộc Kinh, nhưng lấy vợ là người dân tộc Tày, vậy con tôi khi sinh sẽ theo dân tộc của cha hay mẹ khi khai sinh?
Trả lời:
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 14 Luật Hộ tịch năm 2014, nội dung đăng ký khai sinh bao gồm các thông tin về họ, tên và chữ đệm, giới tính, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, quê quán, dân tộc, quốc tịch… việc xác định dân tộc cho con khi khai sinh, khoản 2 Điều 14 Luật Hộ tịch nêu rõ:
2. Việc xác định quốc tịch, dân tộc, họ của người được khai sinh được thực hiện theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam và pháp luật dân sự.
Theo đó, tùy từng trường hợp khác nhau, việc xác định dân tộc cho trẻ sẽ thực hiện khác nhau theo khoản 2 Điều 29 Bộ luật Dân sự:
- Cha mẹ đẻ cùng dân tộc: Con sinh ra sẽ theo dân tộc của cha và mẹ đẻ. Đồng nghĩa, nếu cha mẹ đẻ có cùng dân tộc thì con sẽ theo dân tộc này.
- Cha mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau: Dân tộc của con sẽ được xác định như sau:
+ Theo sự thỏa thuận của cha mẹ đẻ: Theo cha đẻ hoặc theo mẹ đẻ.
+ Không thỏa thuận được: Dân tộc của con xác định theo tập quán. Nếu tập quán khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo tập quán của dân tộc ít người hơn.
Như vậy, khi đi làm khai sinh, dân tộc của con sẽ được lấy theo dân tộc của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận hoặc lấy theo tập quán. Tuy nhiên, thực tế, hầu hết trẻ được khai sinh theo dân tộc của người cha. Chỉ trường hợp trẻ chưa xác định được cha thì sẽ lấy theo dân tộc của mẹ và các trường hợp còn lại nêu trên.
Có được thay đổi dân tộc không? Thủ tục thế nào?
Việc thay đổi dân tộc hay còn được Luật Hộ tịch quy định là xác định lại dân tộc. Xác định lại dân tộc được định nghĩa tại khoản 11 Điều 4 Luật Hộ tịch như sau:
Xác định lại dân tộc là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký xác định lại dân tộc của cá nhân theo quy định của Bộ luật dân sự.
Theo đó, trường hợp xác định lại dân tộc được nêu tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật Dân sự gồm:
- Theo cha đẻ hoặc mẹ đẻ nếu cha, mẹ thuộc hai dân tộc khác nhau.
- Theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ nếu con nuôi đã xác định được cha mẹ đẻ của mình.
Ngoài ra, khi muốn xác định lại dân tộc cho con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi thì phải được sự đồng ý của người đó và không được lợi dụng việc này để trực lợi hoặc gây chia rẽ, phương hại đến sự đoàn kết của các dân tộc Việt Nam.
Như vậy, cha và mẹ sau khi đã khai sinh cho con theo dân tộc của một người thì nếu có thỏa thuận lại vẫn có thể yêu cầu xác định lại dân tộc của con theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ.
Minh Triết
ConversionConversion EmoticonEmoticon