Là thành viên của NATO nhưng Thổ Nhĩ Kỳ có chiến lược đặc biệt có thể giúp nước này trở thành trung gian hòa giải cho Nga và Ukraine trong cuộc chiến hao người tốn của kéo dài suốt 6 tháng qua.
Khi chiến sự Nga - Ukraine kéo dài gần nửa năm qua, ngoài cuộc đối đầu ngày càng gay gắt giữa Nga và phương Tây, giới quan sát còn đặc biệt chú ý tới một xu hướng nổi bật của thế giới ngày nay: Chiến lược trung lập.
Trong một thế giới toàn cầu hóa, với cả Nga và Mỹ đều là người chơi lớn, có ảnh hưởng rộng khắp trên nhiều lĩnh vực, việc chọn đứng về một phía và đối đầu với phía còn lại dường như không phải là phương án tốt nhất cho nhiều quốc gia.
Nhiều nước đã lên tiếng muốn trở thành trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine, với mong muốn sớm chấm dứt cuộc chiến đang làm rung chuyển thế giới.
Tuy nhiên, một trong những người chơi nổi lên như một trung gian hòa giải tiềm năng là Thổ Nhĩ Kỳ - một quốc gia thành viên NATO, ứng viên của Liên minh châu Âu (EU).
Thổ Nhĩ Kỳ không trừng phạt Nga vì cuộc chiến ở Ukraine, nhưng lại là bên trước đó cung cấp máy bay không người lái (UAV) "sát thủ" TB2 cho Ukraine. Ankara là đồng minh của Mỹ tại NATO, nhưng vẫn bắt tay làm ăn và hợp tác với Nga, dù họ đã đóng 2 eo biển ngăn không cho tàu chiến Nga di chuyển từ Địa Trung Hải vào Biển Đen và ngược lại.
Politico dẫn lời cựu quan chức ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Sinan Ülgen, mô tả chiến lược trung lập của quốc gia này là: "Ankara ủng hộ Ukraine nhưng không chống lại Nga".
TRUNG LẬP KIỂU THỔ NHĨ KỲ
Trong tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gặp gỡ người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ở Lviv.
Sau cuộc gặp, ông Erdogan cho biết, các bên đã thảo luận về việc tái khởi động các cuộc đàm phán hòa bình với Nga dựa trên bầu không khí tích cực gần đây sau thỏa thuận cho phép Ukraine nối lại xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen mà Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc làm trung gian.
Theo Politico, thỏa thuận ngũ cốc là một trong những bước tiến giữa Nga và Ukraine sau nhiều tháng 2 bên không đạt được thêm bất cứ tiến triển nào trong nỗ lực đàm phán chấm dứt chiến sự. Thổ Nhĩ Kỳ là một bên đóng góp công lớn trong thỏa thuận ngũ cốc.
Với Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ là bên đã cung cấp cho họ UAV TB2, một trong những vũ khí quan trọng mà Kiev đã sử dụng trong giai đoạn 1 của chiến sự để làm chậm đà tiến của quân đội Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ hôm 28/2 đã tuyên bố ban hành lệnh cấm tàu chiến đi qua 2 eo biển Bosphorus và Dardanelles - tuyến đường độc đạo từ Địa Trung Hải vào Biển Đen. Cụ thể, Ankara đã kích hoạt Công ước Montreux, văn bản ký năm 1936 cho phép Thổ Nhĩ Kỳ có quyền cấm các tàu chiến sử dụng 2 eo biển trên trong thời chiến, hoặc khi Ankara bị đe dọa.
Động thái của Thổ Nhĩ Kỳ đã có những tác động tới Hạm đội Biển Đen của Nga trong chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine.
Theo Politico, Ukraine giờ đây vẫn coi Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một quốc gia thân thiện với họ bất chấp thực tế là Ankara vẫn đang bắt tay với Nga và không có lập trường kiên quyết với Moscow như những nước thành viên NATO khác.
Mặt khác, hồi đầu tháng, ông Erdogan đã tới Sochi để gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hai nhà lãnh đạo đã cam kết sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại và năng lượng. Theo Politico, phương Tây đã chứng kiến sự gia tăng trong hoạt động hợp tác thương mại giữa Thổ Nhĩ Kỳ - Nga và việc các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ tích hợp cả hệ thống thanh toán của Nga kể từ khi chiến sự bùng nổ.
Gần đây nhất, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo nói với Thứ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Yunus Elitas rằng các thực thể và cá nhân Nga có thể đang cố gắng thông qua Ankara để vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây áp lên Moscow.
Diễn biến này cho thấy phương Tây dường như đang không thoải mái với quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Politico dẫn lời một nhà ngoại giao EU ẩn danh cho biết, phương Tây khó có thể chấp nhận thế trung lập đặc biệt của Ankara hiện tại: "Thổ Nhĩ Kỳ không thể ở cả 2 bên của cuộc chiến như vậy. Họ là thành viên của NATO".
Mặc dù Washington đã cảnh báo rằng họ sẽ trừng phạt các quốc gia giúp Nga lách lệnh cấm vận bằng "các biện pháp trừng phạt thứ cấp", nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ hoặc EU sẽ thực hiện bước đi này chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo giới chuyên gia, các diễn biến này cho thấy vai trò địa chính trị quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ với NATO và phương Tây trong nhiều lĩnh vực.
Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ đã không ít lần theo đuổi các chính sách phù hợp với lợi ích quốc gia dù đi ngược lại với các đồng minh quân sự. Họ từng kiên quyết mua lá chắn phòng không S-400 của Nga bất chấp Mỹ cảnh báo và ngăn cản. Ankara cũng thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào nhóm người Kurd ở biên giới Syria, Iraq mà họ coi là khủng bố, dù Mỹ coi nhóm này là đối tác để chống lại chủ nghĩa khủng bố ở Trung Đông.
Giờ đây, phương Tây được cho khó có thể trừng phạt Ankara vì lo ngại họ có thể tiến lại gần Nga hơn nữa. Thổ Nhĩ Kỳ có quân đội hùng mạnh trong NATO, một nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến, vị trí địa lý quan trọng. Trong hàng chục năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ giúp NATO kiểm soát vị trí chiến lược tại điểm giao giữa châu Âu và châu Á, nối giữa Biển Đen với Trung Đông.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang nắm trong tay lá bài phủ quyết Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Nếu Ankara kiên quyết phản đối Helsinki và Stockholm tham gia liên minh quân sự, đó có thể xem là tình huống có lợi với Nga.
Vị thế độc đáo và tầm quan trọng địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ với cả Nga và NATO khiến Ankara có thể thực hiện chính sách trung lập "độc nhất vô nhị" khi căng thẳng Moscow - Kiev bùng phát.
Thổ Nhĩ Kỳ giờ đây nắm giữ một vị thế đặc biệt khi là thành viên NATO duy nhất không trừng phạt Nga, đồng thời vẫn duy trì hợp tác với Ukraine trong nhiều lĩnh vực.
CÚ XOAY TRỤC SAU BƯỚC NGOẶT ĐẢO CHÍNH
Theo New York Times, Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Tổng thống Erdogan đã trở thành một thành viên thường hay đi ngược lại số đông của khối NATO.
Chính quyền của ông Erdogan hiện đã không còn chủ trương xoay trục nhiều về châu Âu mà duy trì một nền chính trị theo hơi hướng dân túy, đặc biệt sau cuộc đảo chính bất thành nhắm vào ông năm 2016. Cách tiếp cận dân túy khiến chính phủ ông Erdogan tập trung vào các quyết sách mang lại lợi ích cho Thổ Nhĩ Kỳ, cho dù đôi khi các động thái của Ankara có thể đi ngược lại với toàn bộ các thành viên khác của NATO.
Vị thế quan trọng trong NATO giúp Thổ Nhĩ Kỳ có được "đòn bẩy" để thực hiện chương trình nghị sự của họ, bất chấp việc phương Tây đang bày tỏ lo ngại về việc Ankara đang có xu hướng xích lại gần Nga.
Hoạt động thương mại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ngày càng gia tăng trong thời gian qua. Xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga đã tăng từ 417,3 triệu USD vào tháng 7/2021 lên 730 triệu USD vào tháng 7/2022. Nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ từ Nga đã tăng từ 2,5 tỷ USD vào tháng 7/2021 lên 4,4 tỷ USD vào tháng 7/2022. Nga chiếm 17% thị phần nhập khẩu vào Thổ Nhĩ Kỳ từ tháng 4 đến tháng 6/2022, so với con số 10% vào 1 năm trước đó.
Nhiều ý kiến từ phương Tây lo ngại rằng, Thổ Nhĩ Kỳ có thể giúp Nga lách qua các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng từng cho biết các nhà tài phiệt Nga được chào đón ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh họ đang bị phương Tây đưa vào tầm ngắm.
Theo Newsweek, việc hợp tác kinh tế với Nga đang mang lại lợi ích cho ông Erdogan, người sắp bước vào cuộc bầu cử vào năm tới trong bối cảnh lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng vọt. Politico cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ không thể cắt đứt quan hệ với Nga vì những lợi ích chiến lược mà Moscow mang lại.
"Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc vào Nga trong một số lĩnh vực", Yevgeniya Gaber, chuyên gia Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định. Theo ông Gaber, Nga đóng vai trò quan trọng trong ngành du lịch của Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2021, Moscow cung cấp cho Ankara khoảng 1/4 lượng dầu nhập khẩu và gần một nửa nhu cầu khí đốt tự nhiên của Thổ Nhĩ Kỳ. Nga cũng kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Akkuyu của Ankara.
Phương Tây trong thời gian qua được xem đã gây áp lực để Thổ Nhĩ Kỳ không trở thành kênh để Nga lách lệnh trừng phạt. Thổ Nhĩ Kỳ từng tuyên bố họ sẽ không để viễn cảnh mà phương Tây lo ngại xảy ra.
Có thể nói, theo Politico, Thổ Nhĩ Kỳ đang bước những bước thận trọng trong việc duy trì thế cân bằng chiến lược trong quan hệ giữa Ankara và Nga cũng như với NATO. Mục tiêu cao nhất của động thái này chính là mang lại lợi ích chiến lược cho Thổ Nhĩ Kỳ.
TIỀM NĂNG TRỞ THÀNH TRUNG GIAN HÒA GIẢI
Vị thế và chiến lược đặc biệt đã khiến nhiều chuyên gia đánh giá cao vai trò tiềm năng của Thổ Nhĩ Kỳ trong nỗ lực làm trung gian hòa giải cho xung đột giữa Nga và Ukraine.
Theo Newsweek, trong bối cảnh Nga và Mỹ, EU đang trong trạng thái đối đầu căng thẳng lẫn nhau và khó tìm được tiếng nói chung, Thổ Nhĩ Kỳ nổi lên là một trong những phương án khả thi nhất có thể trở thành trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine, giúp 2 bên hướng tới một lệnh ngừng bắn.
Chuyên gia David Brennan cho rằng, mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là tìm cách giúp ổn định trở lại khu vực, tìm giải pháp cho nền kinh tế đang khó khăn và góp phần làm tăng cường tầm ảnh hưởng quốc tế.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian thành công cho thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen được xem là một thành tựu đáng kể trong bối cảnh đàm phán giữa Nga và Ukraine không đạt được bước tiến nào từ cuối tháng 3 tới nay - thời điểm mà phái đoàn Moscow và Kiev gặp nhau ở Istanbul.
Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine đã thiết lập quan hệ đối tác cấp độ "chiến lược" kể từ năm 2011, mức độ cao hơn cả quan hệ Ankara - Moscow. Sự can thiệp gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm mở một tuyến đường vận chuyển lương thực trên Biển Đen có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Ukraine, quốc gia có nền kinh tế bị bóp nghẹt bởi chiến sự trong nhiều tháng qua.
"Thổ Nhĩ Kỳ chính thức được coi là đối tác chiến lược của chúng tôi. Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến hoạt động hỗ trợ quân sự cho Ukraine, ví dụ UAV TB2. Về nguyên tắc, ông Erdogan được tin cậy với vai trò hòa giải giữa Ukraine và Nga. Chúng tôi tin là Thổ Nhĩ Kỳ có quan điểm ủng hộ Ukraine, dù họ vẫn duy trì quan hệ kinh tế với Nga", Oleksandr Merezhko, nghị sĩ và Chủ tịch ủy ban đối ngoại của quốc hội Ukraine giải thích.
Trong khi đó, Oleg Ignatov, chuyên gia của tổ chức Crisis Group, nhận định rằng, trước đây, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trước đó bất đồng quan điểm về một số vấn đề, ví dụ như việc Moscow và Ankara hậu thuẫn cho 2 phe khác nhau tại Syria và Libya.
Sau khi cuộc chiến nổ ra ở Ukraine, Nga cũng coi trọng việc hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ dù Ankara là thành viên NATO. Trong cuộc gặp với ông Erdogan ở Sochi hồi đầu tháng, ông Putin cam kết, Nga sẽ cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ khí đốt, dầu mỏ và than mà "không có sự gián đoạn". Hai nhà lãnh đạo cũng đồng thuận rằng Ankara sẽ trả một phần lưu lượng khí đốt nhập của Nga bằng đồng rúp.
Thổ Nhĩ Kỳ giờ đây cũng trở thành quốc gia trung chuyển quan trọng khí đốt Nga sang châu Âu, trong bối cảnh đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 vận hành chỉ đạt 20% lưu lượng tối đa và Ukraine đã khóa van một tuyến trung chuyển đưa khí đốt Nga sang Tây Âu.
Ông Putin từng nhận định, các nước châu Âu nên "biết ơn" Thổ Nhĩ Kỳ vì đã không làm gián đoạn dòng chảy khí đốt từ Nga. Theo Tổng thống Nga, đường ống TurkStream là một trong những đường ống quan trọng nhất vận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu và nó vẫn đang hoạt động rất trơn tru.
Theo ông Ignatov, trong tình hình hiện tại, Nga cần vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn "bức màn sắt" của phương Tây vây quanh họ.
Theo Newsweek, vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ với cả Nga và Ukraine đang mang lại cho họ những yếu tố thuận lợi để làm trung gian hòa giải cho Moscow và Kiev.
Ông Fatih Ceylan, đại diện thường trực của Thổ Nhĩ Kỳ tại NATO từ 2013 đến 2018, phỏng đoán rằng, ông Erdogan có thể lắng nghe quan điểm từ cả ông Putin và ông Zelensky và cố gắng tìm ra một điểm chung trong phạm vi có thể nhằm giúp 2 bên tháo gỡ thế bế tắc trong thương lượng.
Tuy nhiên, chuyên gia Ignatov cảnh báo, khoảng cách giữa 2 ông Putin và Zelensky dường như đang khá lớn và việc kéo 2 lãnh đạo vào gần nhau lúc này có thể là nhiệm vụ khá thách thức với Ankara.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar nhận định, thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen đã "đặt nền móng" cho viễn cảnh hòa bình được lập lại.
Đức Hoàng
Theo Politico, Newsweek, New York Times
ConversionConversion EmoticonEmoticon