Trong báo cáo của Thủ tướng trước Quốc hội, bên cạnh nhiều kết quả tích cực mà nước ta đã đạt được trong quá trình phục hồi kinh tế sau giai đoạn đại dịch Covid – 19, thì cũng có những điểm hạn chế được nêu lên mà đáng chú ý là vấn đề tiền lương của công chức, viên chức.
Nhìn chung, tiền lương của công chức, viên chức hiện nay là thấp. Đã có không ít ý kiến được nêu ra về lý do đưa đến tình trạng như vậy. Nhưng về cơ bản, chúng ta có thể thấy hai nguyên nhân đã tồn tại lâu nay đó là sự cồng kềnh của các đơn vị hành chính sự nghiệp – đây là nguyên nhân quan trọng hơn cả và tính cứng nhắc trong cơ chế lương hiện hành của cán bộ, công chức, viên chức.
Thực tế hiện nay, dù nỗ lực thực hiện tinh giản biên chế trong những năm qua, nhưng tổng số lượng công chức, viên chức hưởng lương vẫn còn rất lớn. Với mỗi bước tiến của đời sống kinh tế – xã hội, thì tổng khối lượng công việc trong hệ thống hành chính, các đơn vị sự nghiệp cũng được xác định. Do đó số lượng công chức, viên chức cần thiết để thực hiện những công việc ấy cũng như tổng số tiền lương mà ngân sách được phép chi trả cũng đã được xác định rồi. Như vậy, nếu tổng số công chức, viên chức thực tế lớn hơn quá nhiều số cần thiết được quy định bởi nền kinh tế, thì lẽ tất nhiên sẽ dẫn tới tình trạng nhiều người có quá ít việc để làm hay nói cách khác là sáng cắp ô đi, tối cắp ô về trong khi mặt bằng chung của tiền lương bị hạ thấp.Đã vậy, cơ chế tiền lương cho công chức, viên chức cho đến hiện tại lại còn khiến tình trạng thêm trầm trọng. Hiện nay, Việt Nam vẫn sử dụng cách tính lương dựa trên hệ số cho khu vực công; hệ thống thang, bảng lương chia ra nhiều bậc lương tương đối phức tạp. Bản thân việc xác định hệ số lương cũng lại dựa theo bằng cấp và thâm niên là chủ yếu, không có tác dụng khuyến khích tăng năng suất lao động. Với mức lương cơ sở nhất định, lương của người lao động rất khó có sự thay đổi thường xuyên hoặc có thay đổi thì cũng không nhiều, và do đó không thể nào theo kịp mức tăng trong khu vực tư nhân. Muốn tăng lương hơn nữa cho phù hợp tình hình phát triển của nền kinh tế thì chỉ còn cách tăng lương cơ sở, tức là tăng lương đồng loạt cho cả bộ máy, mà điều này rõ ràng lại luôn tạo ra gánh nặng rất lớn cho ngân sách.
Thêm vào đó, về mặt khách quan, hai năm vừa qua, do trải qua đại dịch Covid-19, chúng ta phải thực hiện rất nhiều gói an sinh xã hội, nhà nước phải bỏ ra rất nhiều tiền. Ngân sách do vậy không đủ cho đầu tư phát triển, dẫn đến chỗ chưa có nguồn lực để cải cách tiền lương, còn các kế hoạch tăng lương cơ sở thì bị hoãn lại.
Mức lương thấp đối với cán bộ, công chức, viên chức đã thực sự kéo theo nhiều hệ lụy. Không đủ sống nên nhiều người đã chuyển từ khu vực công sang khu vực tư và làn sóng này đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Theo số liệu thống kê của Bộ Nội vụ, từ năm 2020 đến 6/2022 có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc chuyển ra khu vực tư nhân, chiếm khoảng gần 2% tổng số cán bộ, công chức, viên chức. Cùng với đó là việc có không ít cán bộ, công chức tìm cách kiếm tiền ngoài lương mà nguy hại hơn cả là bằng những hành động tham nhũng, quan liêu.
Trong kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã đồng ý tăng lương cơ sở 20,8% lên mức 1,8 triệu đồng từ đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế mà thôi.Về lâu dài, chúng ta vẫn cần hướng tới việc tiến hành cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27 của Trung ương khóa XII. Theo đó, cải cách tiền lương là phải tinh giảm bộ máy một cách tối đa, tổ chức sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, để đảm bảo làm sao công chức, viên chức được làm việc đúng theo năng lực và hưởng lương theo đúng đóng góp, cống hiến của họ, tiền lương phải thể hiện được giá trị sức lao động của họ.
Mạnh Hải (Theo Canhco.net)
ConversionConversion EmoticonEmoticon