Người đang sử dụng diện tích đất đó cần xử lý tùy thuộc vào thái độ hợp tác và thiện chí người đứng tên phần diện tích đất đó, bao gồm thỏa thuận; thương lượng hòa giải; khởi kiện tại tòa án nhân dân.
Việc hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất, thậm chí sử dụng ổn định lâu dài nhưng một ngày nào đó phát hiện đất đứng tên người khác không phải chuyện hiếm. Trong trường hợp này, người dân cần xử lý như thế nào khi phát hiện đất đứng tên người khác?
Thực tế ngày nay, việc gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất, thậm chí là đã sử dụng diện tích đất đó lâu dài ổn định nhưng bỗng một ngày phát hiện một phần hay toàn bộ diện tích đứng tên người khác không phải là chuyện hiếm.Tình trạng này diễn ra với nhiều trường hợp khác nhau, nhưng phổ biến nhất đó là đất cấp chồng lấn (thường là đất thuộc quyền sử dụng của mình nhưng người sử dụng đất liền kề được cấp sổ đối với toàn bộ hoặc một phần diện tích đất đó. Nguyên do của tình trạng này xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó việc nhầm lẫn (nhầm lẫn thông tin trong hồ sơ địa chính, trong quá trình cấp sổ) là phổ biến nhất.
Đối với những trường hợp này người đang sử dụng diện tích đất đó cần xử lý tùy thuộc vào thái độ hợp tác và thiện chí người đứng tên phần diện tích đất đó, bao gồm thỏa thuận; thương lượng hòa giải; khởi kiện tại tòa án nhân dân.
1. Thỏa thuận
Thỏa thuận là phương thức giải quyết đơn giản, nhanh chóng và ít chi phí nhất. Tuy nhiên việc thỏa thuận thành công hay không lại phụ thuộc nhiều vào mức độ thiện chí của người đứng tên phần diện tích đất mình đang sử dụng.
Theo phương thức này, người sử dụng đất tiến hành thỏa thuận với người đứng tên quyền sử dụng đất, mức độ hiệu quả phụ thuộc vào thái độ hợp tác của người đứng tên quyền sử dụng đất và các tài liệu, minh chứng mà người sử dụng đất cung cấp. Hai bên có thể thỏa thuận việc chuyển giao quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở trên đất. Việc chuyển giao có thể tiến hành thông qua hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, Hợp đồng chuyển nhượng được công chứng và sẽ là cơ sở để người sử dụng đất thực hiện đăng ký biến động đất đai.
Bản chất của phương thức này là việc chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo đúng trình tự, thủ tục luật định.
2. Thượng lượng hòa giải
Phương thức giải quyết này sẽ thông qua một bên thứ ba, bên này có thể là người am hiểu pháp luật, người có uy tín hoặc hòa giải viên,… Về cơ bản, cách thức này tương tự như thỏa thuận. Việc có một bên thứ ba am hiểu pháp luật làm trung gian sẽ tạo dựng sự tin tưởng cho người đứng tên quyền sử dụng đất, phần nào giúp việc chuyển quyền sử dụng đất diễn ra thuận lợi, tránh được tranh chấp giữa các bên. Người hòa giải sẽ nêu ra các quy định pháp luật, phân tích tình huống và định hướng các cách giải quyết cho các bên.
Ngoài ra, các bên có thể thực hiện thủ tục hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất để yêu cầu hòa giải. Một trong các bên nộp đơn yêu cầu lên UBND cấp xã, khi nhận được đơn yêu cầu, UBND cấp xã nơi có đất phải thành lập hội đồng hòa giải. Hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Trường hợp một trong hai bên vắng mặt đến lần thứ 2 thì được coi việc hòa giải là không thành. Sau khi UBND xã tổ chức hòa giải thì phải có biên bản hòa giải ghi nhận ý kiến của các bên, xác định việc hòa giải thành hay không thành.
3. Khởi kiện tại tòa án nhân dân
Trường hợp người đang sử dụng diện tích đất đó đã tiến hành các biện pháp thỏa thuận, thương lượng hòa giải nhưng không thành, lúc này, người sử dụng đất chỉ còn cách khởi kiện tại tòa án nhân dân (tòa án nhân dân cấp huyện nơi có bất động sản).
Việc khởi kiện khi đất đứng tên người khác được chia thành hai trường hợp: Khởi kiện hủy sổ đỏ theo thủ tục tố tụng hành chính; Khởi kiện tranh chấp đất đai nếu có tranh chấp với người được cấp sổ theo thủ tục tố tụng dân sự.
Người sử dụng đất khi khởi kiện tại tòa án cần cung cấp các giấy tờ, tài liệu và minh chứng nhằm bảo vệ lợi ích của mình.
Minh Triết
ConversionConversion EmoticonEmoticon