Sau cú sập bẫy "việc nhẹ, lương cao", 7 thanh niên làng Kloong ở Gia Lai đã tu chí làm ăn. Họ trở thành những tuyên truyền viên khuyến cáo bà con không nghe lời kẻ xấu, vượt biên trái phép.
Những ngày đầu xuân, chúng tôi ghé về thăm nhà 7 thanh niên làng Kloong (xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai) từng bị lừa sang Campuchia làm "việc nhẹ, lương cao" và được giải cứu về nước vào năm 2022.
Trở về từ "động quỷ", 7 thanh niên đều nhận ra, chỉ có bỏ ra sức lao động chân chính mới gặt hái được quả ngọt. Giờ đây, các thanh niên đều tìm cho mình những công việc phù hợp hoặc tích cực đi học nghề.
Puih Đại, một trong 7 nạn nhân làng Kloong bị lừa sang Campuchia, trải lòng: "Tết này là khoảng thời gian vui nhất của em khi được bà con trong làng động viên, thăm hỏi.
Qua sự việc, em đã thấy được giá trị của gia đình, làng xóm, khi mọi người đều chung tay, hỗ trợ để giải cứu, đưa chúng em về nước. Em hiểu ra rằng, chẳng có thứ "việc nhẹ, lương cao" nào cả. Đầu năm, em đã tập trung làm mảnh vườn để chuẩn bị cho vụ mì sắp tới".
"Tết này, em cũng đã nhận được niềm vui khi đã lên chức cha. Dẫu biết giờ khó khăn và thách thức sẽ nhân lên gấp đôi nhưng em sẽ cố gắng tìm việc làm chân chính trên quê hương để nuôi gia đình nhỏ của mình", Đại bộc bạch.
Tương tự, Puih Phú (18 tuổi) là người nhỏ tuổi nhất trong nhóm thanh niên làng Kloong bị lừa sang Campuchia làm "việc nhẹ, lương cao".
Phú sinh ra trong một gia đình có 6 anh chị em. Là con giữa, phía sau của Puih Phú còn 4 em nhỏ. Vì muốn tìm việc kiếm tiền phụ giúp bố mẹ chăm lo cho các em nên Phú đã rơi vào bẫy của kẻ xấu, bị dụ dỗ đi làm "việc nhẹ, lương cao" ở Campuchia.
Khoảng thời gian sống trong "động quỷ" đã làm chàng trai trẻ nhận ra giá trị của sự tự do và sức lao động, việc làm chân chính. Trở về với quê hương, Phú đã chủ động nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ, hướng dẫn học nghề.
Phú chia sẻ: "Từ bé đến lớn, em chưa đi đâu ra khỏi làng Kloong này. Chuyến đi Campuchia cũng là chuyến đi xa nhất, đã để lại bài học nhớ đời cho em.
Trở về với buôn làng, em đã đăng ký đi học nghề sửa chữa xe máy, máy móc nông nghiệp để về làm trên chính mảnh đất này. Em cảm ơn dân làng đã cùng với chính quyền giúp đỡ, đón chúng em trở về quê hương".
Sau cú vấp đầu đời, 7 thanh niên làng Kloong đã chững chạc hơn, có trách nhiệm hơn với cuộc sống hiện tại và tương lai. Đi đâu các em cũng chia sẻ về những ngày sống khốn khổ nơi "động quỷ".
Từ đó, các em cũng khuyên mọi người không nên nghe lời dụ dỗ mà vượt biên trái phép. Muốn có cuộc sống, thu nhập tốt, ổn định phải do chính bàn tay mình làm ra. Khi có nhu cầu đi học, làm việc cần tìm đến sự tư vấn, xác thực của chính quyền địa phương, sự tán thành của gia đình.
Già làng Rơ Chăm Choak cho biết: "Những thanh niên vừa trở về đã nhận ra lỗi lầm, hiện đã quyết chí làm ăn. Bà con cũng giúp đỡ, hỗ trợ công ăn việc làm. Làng Kloong nay đã chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất".
Già làng Rơ Chăm Choak nói thêm, trong những buổi họp, làng cũng thường khuyên con cháu cảnh giác, không nghe theo lời của những kẻ lừa đảo. Thời gian tới, làng sẽ phối hợp với các ban ngành để giáo dục thế hệ trẻ đi đúng hướng, tập trung làm ăn chân chính để phát triển kinh tế.
Ông Siu Nghiệp - Chủ tịch UBND xã Ia O cho hay: Trước bài học của các thanh niên, xã cũng đã tuyên truyền để bà con không nghe lời kẻ xấu mà vượt biên trái phép.
Nhằm tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế, chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách thúc đẩy sản xuất, nhân rộng mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả; hướng nghiệp và đào tạo nghề tại nông thôn.
"Thanh niên các làng ở vùng biên Ia O bây giờ đã có thể yên tâm làm giàu trên chính quê hương mình", ông Siu Nghiệp nói.
Phạm Hoàng (Theo báo điện tử Dân Trí)
ConversionConversion EmoticonEmoticon