Việc gần 710 triệu cổ phiếu FLC vừa bị hủy niêm yết khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng như ngồi trên đống lửa. Song theo các chuyên gia pháp lý, cổ phiếu bị hủy niêm yết nhưng không phải hủy giá trị.
Ngày 14-2, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) công bố quyết định hủy niêm yết gần 710 triệu cổ phiếu của Công ty CP Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC) từ 20-2.
Nguyên nhân là do tập đoàn này đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác. Theo HoSE, việc hủy niêm yết với cổ phiếu FLC nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
Về quyền lợi nhà đầu tư khi cổ phiếu FLC bị hủy niêm yết, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, điều này không làm thay đổi quyền lợi của nhà đầu tư với tư cách cổ đông của Tập đoàn FLC.
Tuy nhiên, việc hủy niêm yết sẽ khiến cổ phiếu của họ không được giao dịch, mua bán, chuyển đổi trên sở giao dịch chứng khoán, được hiểu như cổ phiếu bị '"treo", bị "đóng băng", không thể chuyển đổi thành tiền mặt được.
Theo khoản 2 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật chứng khoán, khi cổ phiếu của công ty hủy bỏ niêm yết nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng thì phải đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM để nhà đầu tư có thể tiếp tục mua bán cổ phiếu tại đây.
Bên cạnh đó, khi cổ phiếu bị hủy niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán thì nhà đầu tư vẫn được đảm bảo về quyền sở hữu đối với cổ phiếu, vì doanh nghiệp có nghĩa vụ phải đảm bảo cổ phiếu cho các nhà đầu tư.
Mặc dù vậy, việc giao dịch vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn và không tránh khỏi việc tài khoản của mình bị thua lỗ bởi trên thực tế mức giá giao dịch tại UPCOM thường thấp hơn khá nhiều so với sàn HOSE và HNX.
Mặt khác, Khoản 1 Điều 122 Nghị định 155/2020 quy định, tổ chức có cổ phiếu bị hủy niêm yết theo quy định tại Điều 120, Điều 121 Nghị định này chỉ được đăng ký niêm yết lại sau khi giao dịch tối thiểu 2 năm trên hệ thống giao dịch Upcom.
Theo đó, các tổ chức có cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc có thể đăng ký niêm yết cổ phiếu lại sau ít nhất 2 năm hoạt động trên hệ thống giao dịch UPCOM theo thủ tục mà pháp luật quy định.
Cổ phiếu bị hủy niêm yết nhưng không phải hủy giá trị nên không có nghĩa nhà đầu tư mất trắng. Song, giá trị cổ phiếu còn đạt mức cao hay giữ được thanh khoản hay không và quyền lợi nhà đầu tư được đảm bảo như thế nào vẫn phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới.
"Khi đầu tư chứng khoán, để tránh rủi ro, các nhà đầu tư cần chú ý và liên tục cập nhật các thông tin về cổ phiếu và doanh nghiệp. Khi nhận thấy cổ phiếu có khả năng bị hủy do lỗi từ phía công ty thì nên bán ngay tại thời điểm tình hình kinh doanh không tốt nhằm hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất" - luật sư Thanh Hà đưa ra lời khuyên.
ConversionConversion EmoticonEmoticon