Vậy, việc lợi dụng danh nghĩa công ty luật để hoạt động đòi nợ thuê có vi phạm pháp luật và Luật Luật sư? Hành vi vi phạm này sẽ bị xử lý ra sao theo quy định hiện hành?
Bạn đọc hỏi: Vừa qua, lực lượng Công an đã triệt phá nhiều băng nhóm lợi dụng danh nghĩa công ty luật để hoạt động đòi nợ thuê quy mô lớn gây bức xúc trong dư luận. Vậy, việc lợi dụng danh nghĩa công ty luật để hoạt động đòi nợ thuê có vi phạm pháp luật và Luật Luật sư? Hành vi vi phạm này sẽ bị xử lý ra sao theo quy định hiện hành?
Đào Trọng Linh (Nghệ An)
Luật sư trả lời:
Giữa tháng 2 vừa qua, Công an tỉnh Tiền Giang phối hợp Cục Cảnh sát hình sự, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ - Bộ Công an đấu tranh, triệt phá thành công chuyên án lợi dụng danh nghĩa Công ty Luật TNHH Pháp Việt, trụ sở tại TP.HCM để hoạt động đòi nợ thuê cho các ngân hàng, công ty tài chính.
Thủ đoạn hoạt động của bọn chúng là gọi điện, nhắn tin khủng bố tinh thần; đặt bình gas, đem quan tài... đến nhà, cơ quan làm việc của các nạn nhân, người thân đe dọa gây nổ, để đòi nợ. Bước đầu, cơ quan công an đã làm rõ, bắt giữ 15 đối tượng có hành vi hàng tháng đòi nợ thuê cho các ngân hàng, công ty tài chính từ 141.000 đến hơn 241.000 hợp đồng khách vay, tổng số tiền đã đòi được hơn 988 tỷ đồng.
Ngoài việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can với tội danh "Cưỡng đoạt tài sản", Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Tiền Giang cũng đang xem xét khởi tố thêm hành vi "Khủng bố" của các đối tượng thuộc Công ty Luật TNHH Pháp Việt.
Trên trang web của mình, Công ty Luật TNHH Pháp Việt giới thiệu được thành lập ngày 4-3-2008, theo Quyết định 41.02.0725/TP/ĐKHĐ của Sở Tư pháp TP.HCM, đại diện là ông Trần Văn Châu - Giám đốc điều hành. Công ty hoạt động tư vấn trên nhiều lĩnh vực, trong đó có "xử lý nợ xấu".
Liên quan đến việc lợi dụng danh nghĩa công ty luật để đòi nợ thuê, trước đó, Công an TP.HCM cũng triệt phá băng nhóm đòi nợ thuê núp bóng Công ty Luật TNHH Power Law, trụ sở tại quận 12. Thủ đoạn của công ty này là cắt ghép hình ảnh để đưa thông tin sai sự thật, vu khống người vay tiền và người thân họ nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, uy tín của các tổ chức, cá nhân với mục đích thu nợ. Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã khởi tố 13 bị can tội vu khống theo Điều 156 Bộ luật Hình sự.
Thời gian qua, dịch vụ đòi nợ thuê bị biến tướng, nhiều cá nhân, tổ chức đòi nợ thuê lợi dụng việc đăng ký kinh doanh ngành nghề này để hoạt động đòi nợ bằng các biện pháp trái pháp luật, trong đó nguy hại và phổ biến nhất là hành vi cưỡng đoạt tài sản của người bị cho là mắc nợ. Vì lý do đó, theo Điều 6 Luật Đầu tư năm 2020, dịch vụ này đã bị cấm.
Theo đó, các hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ được ký kết trước ngày 1-1-2021 phải thanh lý, doanh nghiệp đang được cấp phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ có thể giải thể hoặc phải chuyển đổi sang ngành nghề kinh doanh khác.
Như vậy, bất cứ doanh nghiệp, đơn vị nào núp bóng dưới danh nghĩa công ty bảo vệ, tư vấn luật, mua bán nợ, ủy quyền đòi nợ, sử dụng nhân viên đòi nợ thuê liên kết với doanh nghiệp, cơ sở cho vay để thực hiện hoạt động đòi nợ thuê như Công ty Luật TNHH Power Law; Công ty Luật TNHH Pháp Việt là trái pháp luật và bị nghiêm cấm. Tổ chức, cá nhân nào phát hiện cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thì có thể tố cáo đến cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Về hoạt động hành nghề của luật sư, theo quy định tại Luật Luật sư, chỉ các tổ chức hành nghề luật sư (công ty luật, văn phòng luật sư) mới có chức năng cung cấp dịch vụ pháp lý và những người hành nghề trong lĩnh vực này (luật sư) phải có chứng chỉ hành nghề do Bộ Tư pháp cấp.
Dịch vụ pháp lý của luật sư theo quy định tại Điều 4 Luật Luật sư bao gồm tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ pháp lý khác. Luật Luật sư nói riêng, pháp luật Việt Nam nói chung không cho phép tổ chức hay cá nhân lợi dụng danh nghĩa Công ty Luật thông qua dịch vụ xử lý nợ xấu để hoạt động đòi nợ thuê trái pháp luật.
Ngoài ra, Điều 90 Luật Luật sư cũng nêu rõ, tổ chức hành nghề luật sư của Việt Nam, chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật nước ngoài tại Việt Nam vi phạm quy định của Luật Luật sư thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Luật sư khi hành nghề phải theo quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật, chịu sự chi phối bởi Luật Luật sư. Việc lợi dụng danh nghĩa hành nghề luật, cố tình dùng vũ lực, dùng thủ đoạn để đòi nợ thuê là phạm pháp.
Khi bị khởi tố, luật sư trong vụ việc đó không chỉ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự mà còn vi phạm Luật Luật sư, điều lệ, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam và quy định khác của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, những luật sư này sẽ phải chịu một trong các hình thức kỷ luật như khiển trách; cảnh cáo; tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn Luật sư từ 6-24 tháng; xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn Luật sư và bị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư.
ConversionConversion EmoticonEmoticon