Trong một cuộc đàm đạo với bạn bè gần đây về chủ đề công tác cán bộ, tôi ngỡ ngàng khi nghe một người bạn, từng đảm nhiệm vai trò người đứng đầu một cơ sở đào tạo, chia sẻ đại ý: "Thời gian làm thủ trưởng đơn vị, tôi tự thấy chưa nêu gương được và cũng không dám làm gương cho ai cả".
Dường như bạn tôi cho rằng quan điểm như vậy chứng tỏ là anh khiêm tốn, hòa đồng với mọi người, tránh bị phê phán là cá nhân chủ nghĩa, hay tự cao tự đại.
Ngẫm ra thì tư duy và cách tiếp cận của bạn tôi cũng có sự phù hợp nhất định trong bối cảnh nền hành chính nước ta lâu nay. Nhờ sự "dĩ hòa vi quý", không xung phong "làm gương" cho người khác mà anh ấy được lòng rất nhiều người. Ưu điểm hay hạn chế trong công việc thế nào thì chưa biết, nhưng chắc chắn sự "khiêm tốn" ấy là một yếu tố then chốt giúp bạn tôi luôn giành được tỷ lệ phiếu cao mỗi dịp bình bầu.
Thế nhưng, từ góc độ lãnh đạo thì tâm thế "hòa lẫn vào tập thể", không muốn trở thành tấm gương để tập thể soi chiếu lại có thể dẫn đến những hệ lụy khôn lường. Chẳng hạn, tâm thế ấy sẽ có thể khiến cá nhân đứng đầu không dám đi trước tập thể, không dám quyết liệt đột phá. Họ rất dễ thỏa hiệp với những lệch lạc của người xung quanh, không dám mạnh mẽ tự lấy bản thân mình ra để uốn nắn, chấn chỉnh người khác, chứ đừng nói đến chuyện dẫn dắt và truyền cảm hứng cho người khác.
Bản chất của vai trò lãnh đạo là dẫn dắt những người ủng hộ để thực hiện sự thay đổi theo hướng tích cực cho tổ chức, địa phương, hoặc cộng đồng. Bởi vậy, dù ở bất kỳ cấp độ nào, vai trò lãnh đạo cũng luôn đòi hỏi tinh thần và hành động nêu gương. Làm gương cho người khác có nghĩa là cá nhân luôn ý thức về hệ giá trị được đề cao, tuân thủ nhất quán những chuẩn mực hành vi và khuôn mẫu vai trò mà người khác trông đợi, kỳ vọng ở mình. Do đó, cá nhân với tư duy và hành động nêu gương sẽ có thể lan tỏa và truyền cảm hứng cho người khác, khuyến khích người khác noi theo mình.
Thực tế, rất hiếm ai hoàn hảo đến mức trở thành tấm gương toàn diện cho người khác. Cho nên, nêu gương có thể thực hiện theo tình huống cụ thể, hoặc theo những thế mạnh cá nhân. Cá nhân đảm nhiệm vị thế và vai trò lãnh đạo có ý thức nêu gương thì sẽ có xu hướng quy tụ xung quanh mình những tấm gương khác nhau, nhờ đó củng cố và vun đắp năng lực lãnh đạo. Ngược lại, người đứng đầu mà không có tâm thế nêu gương thì hệ quả tất yếu là họ thường thể hiện vai trò mờ nhạt, không đáp ứng được kỳ vọng vai trò, thậm chí tự đánh mất vai trò lãnh đạo.
Có thể thấy, những thành công trong lịch sử cách mạng và phát triển đất nước ta mấy chục năm qua đều gắn với những tấm gương đa dạng. Nhờ nêu gương nên các nhà lãnh đạo qua nhiều thế hệ mới thuyết phục và tập hợp được sức mạnh của quần chúng cho các nhiệm vụ cách mạng. Trong đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất tổ quốc, nêu gương cũng đồng nghĩa thường xuyên đối diện với khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, thậm chí có thể mất cả tính mạng. Tuy nhiên, chính nhờ ý thức và hành động đi đầu, làm gương cho người khác mà rất nhiều người trong các thế hệ tiền bối đã trở thành những nhà lãnh đạo thực thụ, được thừa nhận rộng rãi.
Giai đoạn từ năm 1986 đến nay, do tác động bởi nhiều yếu tố mới, vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên có thể được hiểu khác nhau. Nhận thức rõ tầm quan trọng của nêu gương với vai trò lãnh đạo của Đảng, năm 2018, Ban chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định Số 08-QĐ/TW nhằm thúc đẩy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là nhóm cán bộ chiến lược. Mới đây, ngày 2/2, Bộ Chính trị ban hành Quy định 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Trong đó, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ không chỉ xem xét sự gương mẫu của bản thân cán bộ mà cả vợ, chồng, con của họ trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Yêu cầu về sự gương mẫu của cả người thân cán bộ là một chủ trương đúng đắn. Là một nước đang phát triển, một xã hội đang chuyển đổi cho nên nhiều thói quen tư duy và hành xử truyền thống vẫn còn tồn tại ở nước ta. Ý thức về sự tách bạch giữa việc công và việc tư, lợi ích công và lợi ích tư chưa rõ ràng. Tâm thế "một người làm quan cả họ được nhờ" vẫn còn khá phổ biến và ảnh hưởng đến hành động công quyền. Bởi thế, tình trạng người thân "núp bóng", "mượn oai" cán bộ có chức, có quyền vẫn xảy ra. Vẫn có những vụ việc "cậy người nhà là quan to" để hành xử tùy tiện, một mình một phách, mưu lợi cá nhân bất chấp quy định pháp luật và các chuẩn mực nên đã gây ra bất bình trong xã hội.
Uy tín của một cán bộ không chỉ phụ thuộc vào khả năng lãnh đạo bản thân, mà cả khả năng kiểm soát thái độ và hành vi của người thân theo hướng tuân thủ các chuẩn mực chính trị, pháp lý và xã hội. Nhờ đó, gia đình mỗi cán bộ sẽ trở thành một tấm gương cho người khác về sự tuân thủ chuẩn mực, có thể khuyến khích người khác noi theo họ, đồng thời gia tăng lòng tin của nhân dân vào hệ thống công quyền.
Nhìn ra thế giới, chính khách ở các nước phát triển cũng luôn đặc biệt coi trọng sự chuẩn mực của các thành viên trong gia đình. Họ ý thức rõ, bất kỳ sự lệch chuẩn nào của các thành viên trong gia đình sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín chính trị của họ và gia đình, dòng họ.
Có thể nói yêu cầu về sự gương mẫu của các thành viên gia đình không chỉ góp phần tạo nên thành công cho cán bộ lãnh đạo, mà còn có thể giúp gia đình họ trở thành mô hình chuẩn mực, được xã hội ghi nhận và noi theo. Nếu thực hiện tốt trong thời gian dài với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ở nước ta thì chúng ta sẽ từng bước hình thành được những khuôn mẫu bền vững về hành vi và vai trò có khả năng dẫn dắt xã hội.
Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Nguồn: Báo điện tử Dân Trí
ConversionConversion EmoticonEmoticon