Những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Việt Dũng
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của các cấp ủy, tổ chức Đảng. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được Đảng và Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, ngày càng bài bản, đi vào chiều sâu với quyết tâm chính trị rất cao. Vì thế, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị cũng đang tập trung xuyên tạc cuộc đấu tranh này với nhiều luận điệu xằng bậy, nhảm nhí, vô căn cứ nhưng vô cùng xấu, độc. Chúng thường tập trung vào các nội dung sau:
Về nguyên nhân, nguồn gốc của tham nhũng: Từ lịch sử xã hội loài người, thế giới đã có nhận thức chung: Tham nhũng là con đẻ của quyền lực, ở đâu có quyền lực thì ở đó tất yếu tiềm ẩn và sẽ có tham nhũng. Tham nhũng là tệ nạn tồn tại ở mọi quốc gia và nó có trong mọi thời đại từ cổ chí kim, ở mọi chế độ xã hội. Vấn đề này đã được nhận thức rõ trong Công ước quốc tế về chống tham nhũng năm 2003: “…Tham nhũng là hiện tượng đang vượt qua các biên giới quốc gia và ảnh hưởng đến mọi xã hội và nền kinh tế …”. Nhưng bất chấp nhận thức trên, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị liên tục xuyên tạc “tham nhũng là sản phẩm của chế độ cộng sản”. Nhan nhản bản tin, bàiviết, tung ra luận điệu: “Tham nhũng là căn bệnh kinh niên, là sản phẩm của chế độ, thể chế chính trị ở Việt Nam – chế độ độc đảng cầm quyền”; “ Chế độ một đảng cầm quyền là nguyên nhân sinh ra tệ tham nhũng”;“ Tham nhũng có nguồn gốc từ loại virus gốc là virus mang tên cộng sản”;…. Dù là chế độ một đảng cầm quyền hay đa đảng thay nhau cầm quyền thì nạn tham nhũng vẫn thường xảy ra, chỉ khác nhau về mức độ. Các nước phát triển có hệ thống pháp luật khá hoàn chỉnh, có trình độ quản lý kinh tế, xã hội cao (các nước Bắc Âu) thì tham nhũng ít; các nước nghèo, chậm phát triển, đang phát triển thì tham nhũng nhiều, nhiều nước tham nhũng nghiêm trọng. Còn ở Việt Nam nguồn gốc, nguyên nhân nảy sinh tham nhũng thì có nhiều, nhưng có thể kể ra các nguyên nhân: Việt Nam thuộc nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp; hệ thống pháp luật, cơ chế, quy chế, chế độ trên một số lĩnh vực chưa đủ, còn sơ hở, bất cập dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực; công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ còn yếu; sự kiểm tra, kiểm soát, điều tra chưa duy trì thường xuyên; hiệu quả hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và của quần chúng nhân dân còn hạn chế; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực còn hình thức, hiệu quả chưa cao… Nhưng nguyên nhân chính, nguyên nhân trực tiếp là do một bộ phận cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân.
Về mục tiêu phòng chống tham nhũng: Không phải bây giờ mà từ hơn 10 năm nay, các thế lực thù địch luôn xuyên tạc, bịa đặt ngày càng thô bạo mục tiêu phòng, chống tham nhũng của Đảng. Chúng ra sức tuyên truyền rằng cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ là “cái cớ để triệt hạ phe cánh”, là “đấu đá nội bộ để tranh giành quyền lực”. Mục tiêu phòng, chống tham nhũng của Đảng là để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước. Đây cũng là yêu cầu, đòi hỏi từ người dân. Thực hiện mục tiêu này Đảng, Nhà nước ta đã chú trọng tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, thể chế trên các lĩnh vực để đảm bảo “không thể”, “không dám”,, “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực. Hơn thập kỷ qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó có nhiều chủ trương, quy định mạnh mẽ, quyết liệt. Nhất là các quy định về phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; trách nhiệm nêu gương; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên; về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ… Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hơn 300 luật, pháp lệnh, nghị quyết trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, năm 2005 Quốc hội khóa XI, đã nâng cấp pháp lệnh về phòng, chống tham nhũng lên thành Luật phòng, chống tham nhũng. Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2007, 2012 và đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật phòng chống tham nhũng số 36/2018/QH14. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hơn 2000 nghị định, nghị quyết, quyết định tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Nhà nước tăng cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng và tích cực phát hiện, khởi tố, điều tra gần 20 nghìn vụ án. Nhiều vụ án tham nhũng lớn, có tổ chức được phanh phui và xử lý như: 12 đại án tham nhũng kinh tế từ năm 2012 đến 2022, liên quan đến nhiều cán bộ cao cấp, nhiều bộ ngành, địa phương trong các cơ quan nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nhà nước như: vụ Đinh La Thăng; đại án Vũ Nhôm; Phạm công Danh và vụ đại án tại VNCB; đại án AVG; đại án buôn lậu tại Công ty Nhật Cường; vụ Việt Á; vụ “thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại FLC; vụ “lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Tân Hoàng Minh; vụ “nhận hối lộ liên quan đến chuyến bay giải cứu” … Gần đây nhất đã khởi tố nhiều vụ án như: vụ Công ty AIC; bảo kê cho trùm buôn lậu xăng; Vụ nâng khống giá thiết bị xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai; vụ Vạn Thịnh Phát, vụ Đăng kiểm … Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 -2022 nêu rõ : “Trong 10 năm cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên , trong đó có 7390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng hoặc liên quan đến tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 50 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến tháng 6 năm 2022, 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị kỷ luật, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Khi Đảng đặt mục tiêu, nhân dân đòi hỏi và Đảng, Nhà nước làm quyết liệt như vậy, thì sao có thể gọi là “đấu đá nội bộ”. Từng ấy cán bộ cấp cao ở trung ương và địa phương, thuộc rất nhiều lĩnh vực, cả các tổ chức trong và ngoài nhà nước bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự chẳng lẽ chỉ thuộc vào một số “phe” nào đó như chúng bịa đặt ra. Ngoài việc xây dựng hoàn thiện pháp luật và tích cực phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, Đảng và Nhà nước còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát quyền lực; xây dựng bộ máy PCTN (các cơ quan thuộc khối nội chính, Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực trung ương và cấp tỉnh); phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, nhân dân và cơ quan truyền thông, báo chí trong phòng, chống tham nhũng. Thực tế trên đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ”, là quyết tâm chính trị rất cao làm trong sạch Đảng, bộ máy Nhà nước, góp phần củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận, phấn chấn trong nhân dân.
Về kết quả phòng, chống tham nhũng: Khi cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng chưa đạt được kết quả mong muốn thì bọn chúng rêu rao rằng: “Đảng và Nhà nước Việt Nam không chịu chống tham nhũng”; “Việt Nam chống tham nhũng là “nửa vời”, là “chỉ tắm từ vai”, “giơ cao đánh khẽ”, “chỉ bắt được những con cá nhỏ”,“để chỉ đánh bóng tên tuổi”… Ngày nay, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả rất quan trọng, không phải “chỉ tắm từ vai”, “giơ cao đánh khẽ”, “chỉ bắt được những con cá nhỏ” thì chúng lại tung ra luận điệu chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước”, làm “thui chột sự sáng tạo, của những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của những người tâm huyết”, làm “chậm” sự phát triển đất nước…“Cái lò ông Trọng tuy gặt hái được nhiểu “củi” xong không giải quyết được vấn đề bản chất. Nó chỉ làm tê liệt tạm thời các nhóm lợi ích trong một giai đoạn ngắn ngủi”. và “Công cuộc đốt lò của ông Trọng đối với thể chế cộng sản Việt Nam, không những không thể dẹp được tham nhũng mà nó sẽ tạo ra một làn sóng đấu tố, khủng bố và cướp đoạt lẫn nhau khiến cho giới chức bất mãn và tê liệt bộ máy hành chính vốn dĩ rất kém hiệu quả”. Chúng nó đúng là lưỡi không xương, đằng nào cũng tìm cách để xuyên tạc về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta.
Luận điệu hết sức phản động nữa là chúng cho rằng:“Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng thành công vì Đảng cũng tham nhũng” và “Chỉ có thể chống được tham nhũng khi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”. Tổ chức Đảng không tham nhũng mà tham nhũng gắn với cá nhân có quyền lực, chỉ có những cá nhân, đảng viên có quyền lực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mới phạm tội tham nhũng.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố chỉ số nhận thức tham nhũng CPI hàng năm. Năm 2020, Việt Nam đứng thứ 104/180 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 36 điểm. Năm 2021, Việt Nam tăng thêm 3 điểm (39 điểm) xếp thứ 87/180 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 17 bậc so với năm 2020). Trong 10 năm qua, Việt Nam là một trong 26 quốc gia và vùng lãnh thổ đã cải thiện đáng kể về chỉ số CPI. Trong khi đó, 154 quốc gia và vùng lãnh thổ đã giảm hoặc không đạt được tiến bộ đáng kể, trong đó 23 quốc gia và vùng lãnh thổ bị suy giảm đáng kể về chỉ số CPI. Năm 2021, lần đầu tiên Mỹ rời khỏi tốp 25 quốc gia và vùng lãnh thổ có chỉ số CPI cao nhất. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn thấp hơn điểm trung bình toàn cầu (43 điểm) và vẫn nằm trong số 2/3 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham nhũng nghiêm trọng (dưới 50 điểm). Qua đánh giá, xếp loại của Tổ chức Minh bạch Quốc tế cũng cho chúng ta thấy: thứ nhất, tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ đều có tham nhũng (không phải tham nhũng là “sản phẩm riêng của Việt Nam”), chỉ khác nhau về mức độ tham nhũng. Thứ hai, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam đã đạt được kết quả quan trọng, những thành công nhất định (nằm trong số 26 quốc gia đã cải thiện đáng kể về chỉ số CPI, tăng 9 điểm từ 30 điểm năm 2012 lên 39 điểm năm 2021). Tổ chức Minh bạch Quốc tế là một trong những tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá tích cực về kết quả phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam, trái ngược, khác hẳn với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trên các trang mạng xã hội. Mọi xuyên tạc, bịa đặt của bọn chúng chỉ nhằm phủ định vị trí cầm quyền, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội và Nhà nước, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Hô hào, cổ xúy cho đa đảng và nhà nước phương Tây thực hiện “tam quyền phân lập”.
Theo: https://huongsenviet.com/
ConversionConversion EmoticonEmoticon