Tổng số lượt xem trang

Tràn lan "Facebook tiếp viên vận chuyển ma túy", cẩn thận sập bẫy vì tò mò

 

Nhiều người đã chia sẻ đường link rác và dùng hình ảnh của các nữ tiếp viên vận chuyển ma túy để câu view, like. Chuyên gia công nghệ cho rằng, người dùng có thể gặp rắc rối vì tò mò.

Vụ việc 4 nữ tiếp viên hãng hàng không Vietnam Airlines vận chuyển hơn 11kg ma túy từ Pháp về Việt Nam đang thu hút sự chú ý của dư luận. Ngày 16/3, Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TPHCM) cùng các cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra, phát hiện bên trong những túyp kem đánh răng, nước súc miệng các tiếp viên mang về có hơn 8kg thuốc lắc và hơn 3kg ketamine (ma túy khay, loại đắt tiền nhất), cocain.

Trên các nền tảng mạng xã hội, những bài đăng liên quan đến vụ việc nhận về nhiều lượt tương tác. Không ít cư dân mạng tò mò về danh tính, hình ảnh của các nữ tiếp viên trong vụ việc. Nhiều người thậm chí truy tìm Facebook, hình ảnh đời thường của các nữ tiếp viên.

Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã tìm cách giăng bẫy người dùng bằng các đường link giả mạo tài khoản Facebook của các nữ tiếp viên hàng không kể trên.

Dưới nhiều bài viết trong các hội nhóm xuất hiện nhiều lời mời chào bấm vào các đường link để xem thông tin cá nhân nữ tiếp viên. Nhiều bình luận còn chèn thêm hình ảnh các cô gái mặc trang phục ngành hàng không, ảnh nóng làm mờ mặt để dẫn dụ những người tò mò.

Không ít người còn tăng thêm sự ly kỳ bằng việc úp mở bản thân nghe ngóng được các thông tin về vụ việc.

Tràn lan Facebook tiếp viên vận chuyển ma túy, cẩn thận sập bẫy vì tò mò - 1

Xuất hiện nhiều đường link giả Facebook của các nữ tiếp viên hàng không trên mạng xã hội (Ảnh chụp màn hình).

Đọc bình luận và xem những hình ảnh đó, nhiều người đã tò mò kích vào đường link. Tuy nhiên, sau đó họ được dẫn đến giao diện mua sắm của một nền tảng thương mại hoặc giao diện giả mạo trang đăng nhập của Facebook.

Trao đổi với Dân trí, chuyên gia công nghệ của FPT Đỗ Mạnh Hùng cho rằng, người dùng nên hết sức cẩn thận với các đường link giả mạo kiểu này. Tốt nhất không nên kích vào đường link vì có thể gặp các mã độc hoặc bị lấy mất tài khoản Facebook.

Theo anh Hùng, đây là hiện tượng "tát nước" theo tin hot để câu view, câu like nhằm bán hàng, quảng cáo.

Ngoài ra, một số đối tượng lợi dụng rải link để nhằm dẫn dụ người xem cung cấp thông tin cá nhân. Khi người xem cung cấp thông tin của Facebook hay tài khoản ngân hàng trên các trang web có mã độc thì rất dễ bị đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tài khoản.

Nhiều trường hợp khi nhấp vào đường link sẽ được yêu cầu nhập thông tin để nhận các thông tin cao cấp hơn như hình ảnh, video… Vì thế, họ dễ bị lấy mất thông tin.

"Trong trường hợp người dùng mở đường link mà xuất hiện các cửa sổ nhỏ đòi nhấn "close" hay "chấp nhận" thì tuyệt đối không được làm theo yêu cầu mà phải đóng trình duyệt bằng nút X trên góc trình duyệt.

Nếu làm theo lệnh, người dùng sẽ tiếp tục được dẫn đến một link khác nhằm câu view, like hoặc đánh cắp thông tin. Việc câu view, like thì mất thời gian, còn nhập thông tin thì dễ nguy hiểm cho các tài khoản trực tuyến của mình. Tốt nhất người dùng không nên tò mò", anh Hùng nhấn mạnh.

Tràn lan Facebook tiếp viên vận chuyển ma túy, cẩn thận sập bẫy vì tò mò - 2

Nhiều bình luận đăng thêm hình ảnh nóng bỏng kích thích những người tò mò (Ảnh chụp màn hình).

Trao đổi với Dân trí, anh Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), người sáng lập dự án Chống lừa đảo, chuyên gia tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia (NCSC) cho biết đã ghi nhận trường hợp dẫn đường link giả mạo dưới các bài viết tương tác khủng trên mạng xã hội.

Theo anh, hiện tượng này đã xuất hiện trong vòng 6 tháng qua, với thủ đoạn tinh vi lợi dụng sự kiện, drama được cộng đồng quan tâm, gần nhất là việc phát hiện 11kg ma túy trong vali của 4 tiếp viên hàng không.

Lúc này, các đối tượng sẽ liên tục dẫn các đường link giả mạo ký hiệu Facebook với cú pháp "Facebook.xyz" hoặc "Vnfacebook.com" cùng lời mời chào: "Đây là trang Facebook cá nhân của…", "Thông tin của…".

Tuy nhiên, khi người dùng mạng xã hội truy cập vào những đường link này sẽ được dẫn đến một giao diện mua sắm của nền tảng thương mại điện tử hoặc một trang báo không rõ nguồn gốc.

"Tranh thủ sự quan tâm của dư luận, kẻ gian thường đánh vào tính tò mò và hiếu kỳ của người dùng, từ đó kiếm tiền quảng cáo, tiền hoa hồng từ các trang thương mại điện tử, thậm chí lừa chiếm đoạt tài khoản Facebook", Hiếu PC nói.

Theo nam chuyên gia, các đối tượng thường sử dụng tài khoản ảo hoặc lập các hội nhóm "rải link độc hại" để tiện hành động.

Hiện, trung tâm của anh đang theo dõi một vài nhóm tương tự, chủ yếu do những đối tượng còn rất trẻ làm chủ nhằm mục đích xấu.

Hiếu PC khuyến cáo người dùng cần tỉnh táo và bình tĩnh khi sử dụng mạng xã hội, không nên quá khích trước các sự kiện nóng, cảnh giác những bình luận và đường link xấu.

"Để kiểm chứng, người dùng có thể sao chép đường link vào website Chống lừa đảo để các chuyên gia xử lý, nhận định về nguồn gốc.

Mọi người cũng có thể làm các bài kiểm tra tại website Dauhieuluadao.com để nhận biết các đường link độc hại hay các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng", anh nói.

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son