Những lần đầu, K. L sẽ được giao nhiệm vụ online tìm kiếm kênh; bấm like video ngẫu nhiên. Sau khi hoàn thành, L. chụp ảnh gửi lại để xác nhận rồi nhận tiền.
Các thủ đoạn lừa đảo trên mạng ngày càng nở rộ. Đặc biệt, kẻ gian thường nhắm vào người trẻ, sinh viên, phụ nữ có con nhỏ đang trong thời gian ở cữ hoặc những người có vốn sống hạn chế, thiếu hiểu biết về pháp luật.
Trên mạng xã hội, có nhiều hội nhóm được lập ra bởi những người từng rơi vào "bẫy" việc nhẹ lương cao. Số lượng thành viên tham gia lên tới hàng chục nghìn người. Tại đây, các nạn nhân đều đăng bài kêu cứu trong vô vọng.
Tài khoản Trần T. chia sẻ: "Mọi người giúp em với ạ. Hôm qua em bị chúng nó lừa. Họ bảo là chỉ cần làm hai nhiệm vụ là được nhận quà và hoa hồng. Lúc đầu, họ hoàn tiền nhanh lắm. Nhưng lần thứ hai họ bảo phải hoàn thành xong nhiệm vụ, nâng cao lên nữa để họ lên đơn nhận quà".
Người này cũng chia sẻ thêm, bản thân còn được cho vào nhóm VIP để được nâng cao tiền hàng. Vì một phút nông nổi, chị đã vay tiền người quen rồi chuyển khoản 10 triệu đồng cho các đối tượng. Dẫu đã chuyển tiền nhưng chị bị các đối tượng vu cho tội "quá hạn" và phải thanh toán 30 triệu đồng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày càng có nhiều người sập bẫy trò lừa đảo nhận nhiệm vụ online. Nạn nhân Vũ Thị K.L (Hà Nội) cũng chia sẻ về việc các đối tượng mời chào nhận các nhiệm vụ online rồi trả tiền thật.
Những lần đầu, K. L sẽ được giao nhiệm vụ tìm kiếm kênh; bấm like video ngẫu nhiên. Sau khi hoàn thành, L. chụp ảnh gửi lại để xác nhận. Sau lần này, L. nhận về số tiền 30 - 100 nghìn đồng.
L. sau đó được đưa vào một nhóm lớn với sự tham gia của nhiều người. Tại đây họ bắt đầu yêu cầu L. phải bỏ vốn cho từng nhiệm vụ với từng mức độ vốn khác nhau. Nhiệm vụ đầu chỉ trong vòng 2-3 phút L. đã kiếm được 505 nghìn đồng.
L. sau đó gần như bị thao túng tâm lý, vướng vào vòng luẩn quẩn nạp tiền, kẹt vốn muốn gỡ lại thì phải bỏ thêm nhiều tiền. Số tiền này ngoài khả năng tài chính của L. Cuối cùng, cô chấp nhận mất 10 triệu đồng trong đó có 7 triệu đồng là tiền vay của người thân.
Có thể thấy các đối tượng luôn áp dụng chiêu "thả con săn sắt, bắt con cá rô". Các nạn nhân sau khi nhận được tiền thì lập tức bị "cắn câu" và mờ mắt vì lợi nhuận. Đến khi nhận ra mình bị lừa thì đã không thể lấy lại tiền.
Theo Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông, tình hình tội phạm trên mạng internet, lừa đảo trực tuyến vẫn đang diễn ra phức tạp. Với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhiều cách thức lừa đảo mới đã xuất hiện.
Chỉ tính trong năm 2022, lực lượng chức năng đã ngăn chặn, xử lý hơn 2.620 trang web lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật và bảo vệ hơn 4,7 triệu người dân trước hành vi tấn công trực tuyến.
Liên quan đến vấn đề trên, TS. Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp cho hay, hoạt động lao động, kinh doanh trên không gian mạng ngày càng phát triển với nhiều loại hình việc làm. Lợi dụng điểm này, kẻ gian đã lừa đảo những người chưa có kinh nghiệm, thiếu hiểu biết.
Kinh doanh trên không gian mạng là kinh doanh gián tiếp. Điều này vô tình tạo ra điều kiện để các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Luật sư này phân tích: Vì đặc điểm giao tiếp gián tiếp, dễ ẩn danh nên phương thức thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng rất đa dạng. Các đối tượng có thể cấu kết với nhau thành các hội nhóm, sử dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, xây dựng các màn kịch nhằm chiếm đoạt tiền của nhiều người.
Thời gian qua, các thủ đoạn giả danh cơ quan bưu chính viễn thông, giả danh các cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu nạn nhân chuyển tiền rồi chiếm đoạt diễn ra khá phổ biến trên không gian mạng. Lừa đảo thông qua các thủ đoạn đầu tư ngoại hối, các hình thức giới thiệu việc làm cũng rất phổ biến.
Lý giải nguyên nhân về việc nhiều kẻ lừa đảo vẫn lộng hành, luật sư Cường cho rằng, hiện nay việc quản lý thông tin cá nhân chưa được chặt chẽ. Hiện tượng mua bán dữ liệu cá nhân còn diễn ra khá phổ biến. Điều này khiến các đối tượng có thông tin để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hoạt động quản lý sim rác chưa hiệu quả khiến việc sử dụng sim điện thoại không chính chủ thực hiện hành vi lừa đảo còn phổ biến trên không gian mạng.
Ngoài ra, việc mở tài khoản ngân hàng không được quản lý chặt chẽ. Điều này giúp các đối tượng dễ dàng mở tài khoản ngân hàng đứng tên người khác để nhận tiền của nạn nhân, che giấu hành vi phạm tội…
Vì vậy, để giảm thiểu các vụ việc lừa đảo trên không gian mạng theo luật sư Đặng Văn Cường cần phải thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật để tăng cường công tác quản lý trên không gian mạng, đặc biệt là quản lý mạng viễn thông, các hoạt động dịch vụ viễn thông, kiểm soát tốt các thuê bao chính chủ.
Ngoài ra cần phải tăng cường công tác bảo vệ bí mật đời tư cá nhân, xử lý nghiêm đối với các hành vi thu thập, sử dụng trái phép thông tin cá nhân, mua bán dữ liệu cá nhân.
Cơ quan bảo vệ pháp luật cần tổng hợp, thống kê, tuyên truyền các phương thức thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản mới để người dân kịp thời cảnh giác, phát hiện và ngăn chặn các hành vi chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Cơ quan chức năng cũng cần bổ sung lực lượng, phương tiện kỹ thuật để kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Người dân phải cảnh giác đối với những thông tin tuyển dụng việc nhẹ lương cao trên mạng xã hội, chiêu trò lừa đảo nhận nhiệm vụ online. Ngoài ra, nên kịp thời thông báo, báo tin cho cơ quan công an gần nhất để cơ quan công an nắm thông tin và xâu chuỗi các sự việc, truy xét tìm ra ổ nhóm của bọn tội phạm.
ConversionConversion EmoticonEmoticon