Tổng số lượt xem trang

‘Cởi trói’ cho cán bộ ‘6 dám’

 

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Tư tưởng bảo thủ như những sợi dây cột chân cột tay người ta, phải vất nó đi. Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ dám làm”.

Bảo vệ những cán bộ “6 dám”, gồm “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách”, là một nội dung mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Tiếp đó, ngày 22/9/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, trong đó “khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá”. Trên tinh thần của Kết luận 14, mới đây Bộ Nội vụ đã công bố và tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Kết luận 14 được ban hành đã mở ra một chủ trương đúng đắn và hết sức cần thiết, cấp bách trong bối cảnh Đại hội XIII của Đảng đặt ra mục tiêu đưa nước ta đến năm 2030 trở thành nước có nền công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại và vượt qua mức thu nhập trung bình; năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao, phồn vinh, hạnh phúc. Yêu cầu đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm chắc chắn sẽ là động lực lớn, thúc đẩy chúng ta đạt được những mục tiêu đó.

Nếu xét về phẩm chất đạo đức gắn với trách nhiệm, thì đội ngũ cán bộ có thể chia thành 3 loại: Thứ nhất là những cán bộ, đảng viên gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, không lùi bước trước khó khăn. Thứ hai, là những người có tư tưởng trông chờ, thụ động, né tránh việc khó, không có tinh thần đổi mới, sáng tạo, chịu trách nhiệm, mà chỉ vo tròn, “giữ ghế”. Và thứ ba, là những cán bộ thoái hóa, biến chất, lợi dụng chức quyền để thu lợi cá nhân.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã đẩy mạnh nỗ lực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đưa ra ánh sáng nhiều cán bộ, đảng viên thuộc nhóm thứ ba. Tuy nhiên, nhóm thứ hai thì dường như vẫn “vô can”. Quan điểm “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai” được nhóm này coi là “kim chỉ nam”.

Nhìn ra lĩnh vực tư nhân, các doanh nghiệp ngày nay đang thể hiện tính năng động, sáng tạo rất mạnh mẽ, áp dụng nhiều sáng kiến, ý tưởng mới dựa trên những nghiên cứu thực tiễn, để đạt được những bước tiến vượt bậc. Trong khi đó, ở lĩnh vực công, tình trạng trì trệ, không dám làm, dám chịu trách nhiệm đã trở thành một “căn bệnh” thâm căn cố đế. Chuyện một bộ phận cán bộ, đảng viên thường “rỉ tai” nhau “bây giờ làm gì cũng sợ sai, làm xong rồi cũng không biết có sai hay không” không phải là cá biệt.

Cán bộ biết sợ sai là tốt, nhưng sợ đến mức không dám làm, không dám hành động vì sợ gánh trách nhiệm thì lại là một vấn đề đáng lên án. “Sợ sai” ở đây phải hiểu là người cán bộ giữ được phẩm chất đạo đức trong sáng, liêm chính, nắm vững quy định về luật pháp, hiểu biết về chuyên môn để không sai phạm, vi phạm. Chứ không phải “sợ sai” là đồng nghĩa luôn với thụ động, làm việc gì cũng theo lối mòn, “bó gối” chờ chỉ đạo, hoặc đùn đẩy trách nhiệm sang bộ phận khác. “Sợ sai” như vậy đồng nghĩa với gây trì trệ, kìm hãm sự phát triển của tập thể, và rộng ra là cả đất nước.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Tư tưởng bảo thủ như những sợi dây cột chân cột tay người ta, phải vất nó đi. Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ dám làm”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng từng tuyên bố rất rõ: “Ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”.

Cán bộ “sợ sai”, không dám nghĩ dám làm, có thể xuất phát từ nguyên nhân trình độ, năng lực kém, lại không chịu học tập, tự trau dồi, bồi dưỡng, chỉ bo bo giữ ghế, đùn trách nhiệm cho người khác. Những cán bộ như vậy thì cần phải loại bỏ khỏi đội ngũ.

Nhưng đáng tiếc nhất là cán bộ có trình độ, năng lực, nhưng không dám nghĩ dám làm, sợ gánh trách nhiệm do “cơ chế”. Thời gian qua, việc khởi tố, kết án một loạt cán bộ, đảng viên, kể cả những cán bộ cấp cao, đã khôi phục được lòng tin mạnh mẽ của quần chúng nhân dân vào Đảng. Nhưng với một bộ phận cán bộ, đảng viên còn non về bản lĩnh, thì chiến dịch chống tham nhũng, tiêu cực càng khiến họ bất an, rút sâu hơn vào vỏ bọc an toàn.

Chính vì vậy, dự thảo Nghị định mới của Chính phủ về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung là một bước đi cần thiết để cởi bỏ sự bó buộc trong tinh thần của những người cán bộ có năng lực, muốn áp dụng những sáng tạo, đổi mới vào công việc để đạt được hiệu quả, lợi ích cao hơn cho tập thể, nhưng còn e dè “cơ chế”.

Điều quan trọng, dám nghĩ, dám làm không phải làm liều, làm bừa mà là có cơ sở lý luận và thực tiễn, có sự hiểu biết, tính toán thận trọng. Thực tiễn cuộc sống cho thấy, cái mới ra đời chưa bao giờ là suôn sẻ, thậm chí sẽ vấp phải nhiều trở ngại. Vì vậy, chúng ta phải có cơ chế để khuyến khích cho những ý tưởng mới, cách làm hay, những sáng kiến đổi mới, cải tiến đột phá, chưa có tiền lệ nhằm mang lại lợi ích, hiệu quả cao hơn. Từng cá nhân, bộ phận dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo, đổi mới, thì tập thể, địa phương và quốc gia dân tộc mới có thể đạt được những bước phát triển mạnh mẽ.

Trên thực tế, thành quả của công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước ta trong hàng chục năm qua đã ghi nhận phần đóng góp to lớn của những nhân tố dám nghĩ dám làm, dám đổi mới, thể hiện năng lực và bản lĩnh của người cán bộ. Không thể không nhắc tới Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc, người khởi xướng chủ trương “Khoán hộ” (“Khoán 10”) ở Vĩnh Phúc những năm 1966-1968 với những đổi mới, sáng tạo phát triển nông nghiệp; Tổng Bí thư Trường Chinh, người đặt nền móng cho công cuộc Đổi mới; nhà bác học Lương Định Của, người đi đầu trong lĩnh vực cải tạo giống cây trồng; Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với chủ trương “Những việc cần làm ngay”, Giáo sư Trần Đại Nghĩa với những cống hiến to lớn cho ngành công nghiệp quốc phòng.v.v.. Đó là những người cán bộ, đảng viên không chỉ thấm nhuần đạo đức cách mạng, mà còn phát huy vai trò nêu gương, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của nhân dân.

Một nghị định của Chính phủ về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm sẽ tạo ra hành lang pháp lý để khuyến khích, bảo vệ những cán bộ “6 dám” mà Đại hội Đảng XIII đã nêu. Việc xây dựng dự thảo nghị định là cấp bách, nhưng cũng không thể vội vàng, qua loa mà cần tiếp thu những ý kiến đóng góp rộng rãi, thực chất và xây dựng để hoàn thiện hành lang pháp lý này một cách thấu đáo, toàn diện, tránh những kẽ hở để bị lợi dụng thành “che chắn” cho sai phạm. Cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới khi đó chắc chắn sẽ khơi dậy được khát vọng cống hiến, tinh thần sáng tạo, hết lòng hết sức vì nước, vì dân của đội ngũ cán bộ.

Thu Hằng (https://huongsenviet.com/)

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son