Hành vi xúi giục, ép buộc người khác uống rượu, bia là trái pháp luật và có thể bị xử phạt 1-3 triệu đồng.
Rượu, bia thường xuất hiện trong mọi cuộc vui. Tuy nhiên, một số người có thói quen ép người khác uống rượu, bia mà không lường trước được những hệ lụy. Vậy hành vi trên có bị xử lý không?
Theo Khoản 1, Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 quy định nghiêm cấm các hành vi xúi giục, ép buộc người khác uống rượu, bia.
Theo đó, tại Điểm b, Khoản 3, Điều 30 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định phạt 1-3 triệu đồng đối với hành vi ép người khác uống rượu, bia. Mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền sẽ gấp 2 lần so với mức phạt đối với cá nhân.
Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 2, Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015, khi một người cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường.
Như vậy, hành vi cố ép người khác uống rượu, bia là hành vi vi phạm pháp luật phòng, chống của rượu, bia. Đồng thời, trong trường hợp làm người đó mất nhận thức và gây ra thiệt hại thì người ép buộc người khác uống rượu, bia phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại đó.
Tuy nhiên, việc chứng minh hành vi xúi giục, ép buộc người khác uống rượu, bia chưa có quy định cụ thể. Do đó, căn cứ để xử lý có hay không hành vi ép buộc người khác uống rượu bia thì cần người làm chứng hoặc trích xuất camera, những hình ảnh, video trong bàn nhậu thì mới có khả năng xử lý trách nhiệm.
Về thẩm quyền xử phạt căn cứ theo quy định tại Điều 103, Điều 106, Nghị định 117/2020/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP, Chủ tịch UBND cấp xã, Trưởng công an cấp huyện có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với người có hành vi ép buộc người khác uống rượu, bia.
Minh Triết
ConversionConversion EmoticonEmoticon