Tổng số lượt xem trang

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật

 

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 23/5, Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Không chạy theo số lượng

Trình bày Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị việc lập Chương trình năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023 cần bảo đảm thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời, cần quán triệt một số quan điểm, định hướng cơ bản.

Theo đó, ưu tiên đưa vào Chương trình các dự án nhằm kịp thời triển khai thực hiện văn kiện Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết, kết luận chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương…; tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp, thực hiện các cam kết quốc tế, bảo đảm kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, bất cập; đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế.

Việc đưa các dự án vào Chương trình phải tính đến đặc thù hoạt động của Quốc hội, quỹ thời gian, nguồn lực, khối lượng công việc thực hiện tại mỗi kỳ họp; đặc biệt coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng…

Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, không bổ sung dự án vào Chương trình ở thời điểm sát kỳ họp Quốc hội, trừ trường hợp thực sự cấp thiết do yêu cầu của thực tiễn, để triển khai thực hiện nhiệm vụ lập pháp đã được đề ra trong Đề án Định hướng hoặc yêu cầu trong nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng mới được ban hành. Những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh và có sự thống nhất cao thì mới xây dựng, ban hành luật điều chỉnh để bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật. Những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết, nhưng là vấn đề mới, chưa được kiểm nghiệm trong thực tiễn, chưa đạt sự đồng thuận cao thì tiếp tục nghiên cứu, làm rõ để đề xuất hoặc thực hiện thí điểm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo và đề nghị Quốc hội cho điều chỉnh Chương trình năm 2023: Bổ sung 4 dự án luật, bao gồm: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản vào Chương trình năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 và thông qua tại kỳ họp thứ 7; đồng thời, bổ sung dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng vào Chương trình năm 2023.

Đối với 3 dự án luật đã được Quốc hội khóa XIV cho ý kiến, bao gồm: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung 3 dự án luật này vào Chương trình năm 2023 và thống nhất với đề xuất của Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 đối với dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo và đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định Chương trình năm 2024 như sau: Trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 đối với 10 dự án, trong đó có 8 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, bao gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Lưu trữ (sửa đổi), Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Hai dự án trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp, bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Trong đó, đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, trên cơ sở xem xét thứ tự ưu tiên, cân đối số lượng các dự án bổ sung vào Chương trình năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đưa dự án Luật vào Chương trình năm 2024, cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (lùi 1 kỳ họp so với đề nghị của Chính phủ).

Bên cạnh đó, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 đối với 9 dự án luật, bao gồm: Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Luật Địa chất và khoáng sản, Luật Phòng không nhân dân, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật như tiến độ do các cơ quan đề xuất.

Đồng thời, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 đối với 2 dự án luật, bao gồm: Luật Chuyển đổi giới tính và Luật Việc làm (sửa đổi).

Quan tâm hơn công tác tổng kết thực tiễn

Các đại biểu Quốc hội đánh giá, việc lập chương trình xây dựng pháp luật ngày càng được nâng cao về chất lượng và tiến độ. Các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh được xem xét thận trọng, chặt chẽ hơn, chất lượng hồ sơ ngày càng được nâng cao. Quá trình thẩm tra, tham gia thẩm tra đề nghị xây dựng luật của các cơ quan của Quốc hội được tăng cường. Đặc biệt, hoạt động phản biện xã hội, ý kiến tham gia đóng góp ý của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên ngay từ khi lập đề nghị và trong suốt quá trình soạn thảo đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cho rằng, số lượng dự án phải bổ sung sau khi Quốc hội đã quyết định Chương trình xây dựng pháp luật còn lớn. Điều này một mặt thể hiện sự thay đổi của tình hình thực tiễn đòi hỏi phải nhanh chóng điều chỉnh Chương trình nhằm hoàn thiện thể chế. Nhưng mặt khác, việc phải bổ sung quá nhiều dự án so với Chương trình chính thức cũng thể hiện tính dự báo chưa cao.

Đại biểu dẫn chứng, khi lập dự kiến Chương trình năm 2023, chỉ có 2 dự án được đề nghị đưa vào Chương trình Kỳ họp thứ 6 để Quốc hội cho ý kiến. Tuy nhiên, đến nay, theo dự kiến điều chỉnh thì bổ sung thêm 6 dự án Luật trình xin ý kiến vào Kỳ họp thứ 6, gấp 3 lần số dự án đã được quyết định. Đối với lập dự kiến Chương trình năm 2024, cũng chỉ có 2 dự án được đề nghị đưa vào Chương trình Kỳ họp thứ 8 để Quốc hội cho ý kiến và gối đầu sang năm 2025.

Do đó, đại biểu đề nghị các cơ quan quan tâm hơn về công tác tổng kết thực tiễn để lập đề nghị có tầm nhìn dài hạn hơn; đồng thời, có giải pháp quyết liệt để sớm đưa các dự án còn lại vào Chương trình năm 2024 và năm 2025.

Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) chỉ rõ: Việc thay đổi, bổ sung, điều chỉnh còn nhiều so với Chương trình chính thức, việc này diễn ra nhiều năm và khá phổ biến. Một số dự án luật chuẩn bị gửi đến đại biểu Quốc hội còn rất chậm, không bảo đảm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và quy chế hoạt động của Quốc hội, làm hạn chế rất lớn đến việc nghiên cứu, tham gia của đại biểu Quốc hội và các đoàn đại biểu Quốc hội.

Theo đại biểu, tuổi thọ của các dự án luật ngày càng được “trẻ hóa”. Một số dự án luật mới ban hành 2-3 năm lại sửa đổi, bổ sung. Đây là vấn đề đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm và yêu cầu có giải pháp khắc phục căn cơ…

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Kim Anh phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Kim Anh phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 về triển khai Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Một trong những nhiệm vụ đặt ra của Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là tổ chức nghiên cứu, rà soát để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc nghiên cứu, xây dựng mới các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết. Tuy nhiên, cử tri phản ánh, việc rà soát pháp luật có lúc, có nơi còn hình thức, chưa sâu sát, chưa đưa ra định hướng cụ thể.

Đại biểu đề xuất, để đảm bảo tính ổn định, nâng cao chất lượng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Chính phủ cần chỉ đạo tổ chức việc rà soát để xem xét chặt chẽ sự cần thiết khi cho ý kiến về đề nghị xây dựng luật, pháp luật. Các cơ quan đề xuất cần làm rõ sự cần thiết, đánh giá tác động, phạm vi điều chỉnh.

Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, nghiêm túc tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các bộ chủ trì đề xuất, Bộ Tư pháp, Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội cùng đồng hành ngay từ giai đoạn đầu của việc đề xuất xây dựng luật, kiên quyết không đưa vào chương trình các dự án luật chưa được chuẩn bị kỹ càng, chưa đủ điều kiện.

Phan Phương/TTXVN

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son