Tổng số lượt xem trang

Lo lắng về thuốc lá điện tử, Đại biểu Quốc hội kiến nghị sửa luật để điều chỉnh

 

“Học sinh sử dụng thuốc lá điện tử đang là một vấn đề đáng báo động” – Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh và đề nghị sửa Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá để sớm điều chỉnh.

Thảo luận tại Kỳ họp thứ 5, ngày 23/5, đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) đề nghị Quốc hội nghiên cứu đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012 để kiểm soát và hạn chế việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới.

lo lang ve thuoc la dien tu, Dai bieu quoc hoi kien nghi sua luat de dieu chinh hinh anh 1
Đại biểu Thái Thị An Chung

“Hiện nay, học sinh sử dụng thuốc lá điện tử đang là một vấn đề đáng báo động. Thuốc lá điện tử được mua, bán một cách dễ dàng, đã có nhiều học sinh bị loạn thần, ảo giác hoặc suy hô hấp, thậm chí suýt tử vong khi hút thuốc lá điện tử. Đây là thực trạng mà các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và cử tri hết sức quan tâm, lo lắng” – nữ đại biểu phản ánh.

Qua nghiên cứu và phân tích, các nhà khoa học đã khẳng định rằng, thuốc lá điện tử rất có hại cho sức khỏe và khả năng gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng cũng nguy hại giống như thuốc lá thông thường. Đối với lứa tuổi học sinh, do thể chất đang phát triển nên khả năng gây hại còn nhiều hơn so với người trưởng thành.

Đại biểu An Chung phân tích, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012 đã có quy định nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá; nghiêm cấm bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; nghiêm cấm việc người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng lại không thể xử lý hành vi này đối với thuốc lá điện tử vì khái niệm “thuốc lá” trong luật chưa đề cập.

Chính vì vậy, đại biểu tha thiết kiến nghị Quốc hội nghiên cứu và có hình thức phù hợp để sớm bổ sung thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới vào đối tượng điều chỉnh của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Cũng đề xuất sửa luật, đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hoà) đề nghị quan tâm sửa đổi Luật Thương mại. Bởi, toàn bộ nội dung của Luật Thương mại năm 2005 được ban hành trên nền tảng của Bộ luật Dân sự năm 2005. Trong khi đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 có nhiều đổi mới đã đặt nền móng toàn bộ các giao dịch dân sự, thương mại rất căn bản và rất tiến bộ.

lo lang ve thuoc la dien tu, Dai bieu quoc hoi kien nghi sua luat de dieu chinh hinh anh 2
Đại biểu Lê Xuân Thân

“Vì vậy, những nội dung của Luật Thương mại năm 2005 so với Bộ luật Dân sự 2015 cho tới giờ này là mâu thuẫn, chồng chéo và lạc hậu vô cùng, trong khi đó phát triển kinh tế đất nước, giao thương, thương mại trong và ngoài nước và đặc biệt là giao dịch điện tử trong lĩnh vực thương mại là thương mại điện tử” – ông Lê Xuân Thân nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) đề nghị sớm sửa đổi, bổ sung Luật Thương mại: “Năm 2005, lúc đó xây dựng luật còn thiếu rất nhiều định chế và rất sơ lược. Từ đó đến nay đã 20 năm, chúng ta đã gia nhập rất nhiều hiệp định và công ước quốc tế, tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt vấn đề công nghệ đã phát triển rất dữ dội, thương mại số, tài sản số, thanh toán số… thì Luật Thương mại hiện hành đã lạc hậu rất nhiều. Tôi đề nghị bổ sung và thúc đẩy việc sửa đổi Luật Thương mại trong khóa XV này”.

Vị đại biểu đoàn TP.HCM đề xuất nghiên cứu xây dựng Luật Đô thị đặc biệt, bởi đã đến lúc phải có luật này để điều hành, quản lý các đô thị đặc biệt bằng văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực phổ quát thay cho các nghị quyết chuyên biệt có tính chất thí điểm.

“Chúng ta thí điểm các dạng thí điểm khác nhau, nó cũng đã đủ để chúng ta bắt tay vào xây dựng Luật Đô thị đặc biệt” – ông Trương Trọng Nghĩa nói.

lo lang ve thuoc la dien tu, Dai bieu quoc hoi kien nghi sua luat de dieu chinh hinh anh 3
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa

Ngoài ra, ông đề đề nghị bổ sung dự án Luật Liên kết kinh tế vùng. Vấn đề thúc đẩy liên kết vùng được đề ra từ cách đây hơn 20 năm và đưa vào Hiến pháp, vừa rồi lại mới có 6 nghị quyết của Bộ Chính trị về vùng kinh tế trọng điểm.

“Lâu nay vấn đề liên kết vùng giẫm chân tại chỗ, nhiều động lực của các địa phương đã bị khai thác hết và có rất nhiều điểm nghẽn đang tồn tại. Do đó, vấn đề liên kết vùng đã được nghị quyết của Đảng chỉ ra là hết sức cấp bách nhưng chúng ta thiếu thể chế, thiếu những quy định pháp luật cụ thể.  Chính vì thiếu luật này cho nên chúng ta nói rất nhiều nhưng không tiến triển được bao nhiêu. 63 tỉnh, thành vẫn không tiến tới được một sự liên kết kinh tế vùng một cách có hiệu quả” – đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) thì đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung nội dung sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, vì trong chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội khóa XV thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã có kế hoạch về sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế trong năm 2022-2023.

Nêu những bất cập của Luật Người cao tuổi hiện hành, đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn TP Hà Nội) cho biết, luật có từ 2009 và đến nay có một số điểm bất cập trong thực tiễn. Ví dụ Bộ luật Lao động quy định độ tuổi cũng có khác trước. “Hiện nay rất nhiều nước trên thế giới quy định người cao tuổi là từ 65 tuổi trở lên. Luật của ta hiện nay đang quy định 60 tuổi, còn hợp lý nữa không?”- đại biểu Trương Xuân Cừ băn khoăn./.

Hiếu Minh/VOV.VN

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son