Tổng số lượt xem trang

Sử dụng mạng xã hội: Người truyền thông, người tiếp nhận đều cần trang bị cho mình ‘bộ lọc’ thông tin

 

Hơn 10 năm qua, mạng xã hội phát triển không ngừng tại Việt Nam với nhiều nền tảng khác nhau. Công cụ mạng xã hội đã làm thay đổi cách mỗi người tiếp cận cuộc sống, thông tin, bày tỏ chính kiến, chia sẻ góc nhìn.

Những nội dung chia sẻ trên mạng xã hội của cá nhân, tổ chức phải phù hợp với văn hóa, phong tục, tín ngưỡng, đặc biệt là trong khuôn khổ pháp luật.

Đã có nhiều cá nhân, được điều chỉnh bởi “bàn tay sắt”-là những quy định nghiêm ngặt của luật pháp Việt Nam, phần nào đã thay đổi những phát ngôn sai trái, gây phương hại đến con người, tổ chức, thậm chí xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Có những cuộc “khẩu chiến” dẫn tới sự “sứt mẻ” nhất định trong góc nhìn của cộng đồng đối với người sử dụng mạng xã hội thiếu kiềm chế, nhất là khi họ nổi tiếng trong nhiều vai trò.

Dù là ai, khi thông tin sai, độc hại phát đi thiếu thận trọng, hay cố ý để “đánh” một bên nào đó đều phải chịu những hậu quả khác nhau. Thị phi chưa bao giờ mang lại kết cục tốt đẹp cho người nhóm lên “ngọn lửa” ấy.

Từng có vụ kiện cáo lùm xùm giữa những người là chức sắc tôn giáo, giới nghệ sĩ với một doanh nhân… nổi tiếng khắp cõi mạng. Trong cuộc chiến ấy, nhẹ thì bị mất thanh danh, giảm uy tín, nặng thì có thể bị khởi tố vì lợi dụng quyền tự do ngôn luận.

Tùy mức độ mà việc vi phạm sẽ nhận về hậu quả tương ứng. Dù vậy, “truyền thông bẩn” trên mạng xã hội dường như vẫn chưa có hồi kết. Mới đây là chuyện dè bỉu, hạ bệ nhau trong giới nghệ sĩ, các fan của nghệ sĩ này tranh cãi, hơn thua với fan của nghệ sĩ khác…

Đâu đó có bóng dáng của sự “cuồng ngôn, loạn ngữ” khi những người trong cuộc thần tượng một ai đó và cảm thấy không thích một người khác. Thực ra, bảo vệ thần tượng tốt nhất là nên cổ súy người ấy sống tử tế với công việc họ đang làm, động viên họ biết giữ đời tư trong sạch chứ không phải ra sức hạ bệ đối thủ (mà mình tự cho là có nguy cơ với thần tượng).

Việc quá dễ dàng đăng tải một nội dung, hình ảnh lên mạng với chế độ công khai đã khiến cho con người ta quên “uốn lưỡi bảy lần”. Gây “sát thương” cho người tiếp nhận, đồng nghĩa bản thân mình cũng bị tổn thương với một phản lực tương tự. Đó là chưa kể có những điều hoàn toàn chỉ do “ghen ăn tức ở” hoặc vu khống hại người.

Cuộc sống luôn công bằng. Để nói được những lời hay ý đẹp phải rèn tâm luyện tính, bớt sân si, thấy rõ những tác hại từ thói tạo thị phi.

Đừng nghĩ mạng xã hội là không gian mở để có thể tùy ý nói và viết. Nếu không có kỹ năng, thiếu kiến thức, ngộ nhận thông tin… thì có thể gây họa cho chính mình. “Họa tùng khẩu xuất”, tức họa từ miệng mà ra. Lời dạy ấy của người xưa còn nguyên giá trị, cũng là lời cảnh báo cho tất cả chúng ta.

Cố nhiên, trước khi tất cả người làm truyền thông mạng xã hội biết chia sẻ giá trị tích cực thì người tiếp cận, tiếp nhận thông tin cũng phải tinh tế, có kỹ năng, kiến thức để nhận định đúng, sai, tránh để bị cuốn vào “cơn lốc” thông tin độc hại, trở thành nạn nhân, phản kháng lại bằng những nội dung sai quấy.

THS. LÊ TRƯỜNG AN (Giảng viên Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh.)

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son