Tổng số lượt xem trang

Trách nhiệm của báo chí trong thời kỳ công nghệ số

 

Trong tiến trình phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam có thể khẳng định các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo đã làm tốt nhiệm vụ của mình, đạt được những thành tích đáng tự hào, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Tuy nhiên, bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế và bùng nổ công nghệ thông tin, với sự thay đổi mạnh mẽ trong cách thức tổ chức cơ quan báo chí, cũng như tâm lý tiếp cận và tìm kiếm thông tin của bạn đọc đang đặt ra những thách thức lớn đối với người làm báo.

Trong dòng chảy đó, nhiều cơ quan báo chí bằng trí tuệ, bản lĩnh, sự nhạy bén thời cuộc đã chuyển đổi thành công và từng bước xây dựng thương hiệu của mình, tạo dựng uy tín trong độc giả.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít người làm báo bộc lộ sự non kém về bản lĩnh chính trị, sự sa sút trong đạo đức nghề nghiệp, lơ là chức năng nhiệm vụ được giao, mải chạy theo các xu hướng thông tin nhảm nhí, lá cải nhằm mục tiêu thu hút sự tò mò, hiếu kỳ của người đọc.

Không khó để nhìn ra một số tờ báo điện tử hiện nay đang lấy mục tiêu cạnh tranh lượng người xem (view) và lượt đánh giá (rating) bằng mọi cách, kể cả những cách có thể gây phản cảm. Chiếm tỷ lệ cao trong số đó là thông tin về giới giải trí, khai thác chuyện đời tư của các ngôi sao: những phát ngôn gây sốc, chuyện ăn mặc, tiêu tiền, chuyện yêu đương, ái tình… để thu hút sự chú ý của độc giả.

Nắm bắt được tâm lý này, không ít cá nhân cố tình tạo scandal để được báo chí quan tâm, và được nổi tiếng theo kiểu “bất chấp tai tiếng”. Đáng buồn là xu hướng đưa thông tin theo kiểu giật gân, câu khách không chỉ trong lĩnh vực giải trí mà với các lĩnh vực khác như chính trị, xã hội, y tế, giáo dục…

Chẳng hạn, liên quan các vụ án, nhiều bài viết cố tình khai thác thông tin theo kiểu mô tả kỹ lưỡng hành vi của tội phạm, khoét sâu vào nỗi đau của người bị hại. Hoặc liên quan phát ngôn của các chính khách, một số bài viết cố tình cắt xét lời phát biểu theo hướng gây tranh cãi, bất chấp điều đó làm sai lạc hoàn toàn nội dung được phát biểu trên thực tế.

Hay các thông tin xã hội nhạy cảm về cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cũng được giật tít một cách mập mờ, thiếu minh bạch gây hiểu lầm không đáng có, với mục đích là giúp cho bài viết được chú ý nhiều hơn. Những thực tế nêu trên đang xuất hiện ngày càng nhiều cho thấy nguy cơ biến tướng tiêu cực của truyền thông báo chí, đưa thông tin với mục đích trục lợi mà xa rời tôn chỉ, trách nhiệm xã hội của mình cần được quyết liệt chấn chỉnh xử lý.

Sự thật là trong khi độc giả chân chính luôn mong muốn tìm kiếm các thông tin chính thống, nghiêm túc song họ thường xuyên “đụng” phải những thông tin tiêu cực, nhảm nhí. Sự xuất hiện dày đặc những thông tin vô bổ trên một số tờ báo đang nguy cơ ảnh hưởng tới những thông tin tích cực, có giá trị của các báo chí chính thống, từ đó làm giảm lòng tin của người đọc đối với báo chí.

Phiền toái hơn nữa, nếu độc giả có tài khoản cá nhân trên mạng xã hội, sẽ liên tục gặp lại những thông tin dạng này xuất hiện trên các hội, nhóm, thậm chí được chính các page của tờ báo chạy quảng cáo nhằm thu về lượt like, lượt share nhiều nhất có thể. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời những biểu hiện tiêu cực nêu trên sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động và vai trò của báo chí trong đời sống.

Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này? Trước hết, do thực tế cạnh tranh ngày càng khốc liệt của báo chí, nhất là báo điện tử với áp lực tin bài và sức ép của lượt truy cập. Có lẽ chưa bao giờ việc thu hút những cú “click” chuột của độc giả giữa các tờ báo trở nên gay gắt như hiện nay.

Báo chí cũng còn phải cạnh tranh với mạng xã hội khi mà tốc độ phát triển của mạng xã hội quá nhanh và số lượng người tham gia mạng xã hội ngày càng đông đảo. Làm thế nào để báo chí vừa làm tốt việc dẫn dắt thông tin, vừa giành và giữ được sự quan tâm của bạn đọc là một thách thức không nhỏ. Phần lớn các cơ quan báo chí hiện nay phải tự chủ về kinh tế, trông đợi nhiều vào nguồn thu nhập từ quảng cáo, mà điều này lại phụ thuộc rất nhiều từ sự quan tâm của độc giả. Sức ép này buộc người làm báo phải có những sản phẩm gây chú ý độc giả.

Nhưng thay vì thu hút độc giả bằng những sản phẩm hữu ích, lành mạnh, truyền tải thông điệp tích cực tới xã hội, một bộ phận nhà báo, nhất là các phóng viên trẻ chưa có bản lĩnh, kinh nghiệm và kỹ năng nghề nghiệp đã chọn con đường ngắn nhất là chạy theo các thông tin lá cải, rẻ tiền, đánh vào thị hiếu nhất thời và sự tò mò của người đọc.

Một nguyên nhân nữa không thể không nhắc đến chính là sự buông lỏng quản lý của cơ quan chủ quản, của lãnh đạo một số tờ báo. Chính sự dung túng, dễ dãi, làm ngơ của người đứng đầu đã tạo mảnh đất màu mỡ cho những thông tin thiếu tích cực, vô bổ, nhảm nhí được đưa lên mặt báo, gây ô nhiễm môi trường thông tin, làm mất niềm tin của độc giả.

Trong thời kỳ công nghệ số, người đọc có nhiều con đường, cách thức để tiếp cận thông tin, nhưng cần khẳng định rằng, thông tin trên hệ thống báo chí truyền thông chính thống không hề mất đi vai trò của mình, thậm chí còn trở nên quan trọng hơn.

Bởi các cơ quan báo chí đại diện cho tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội, là nơi phản ánh nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Thông tin trên báo chí chính thống một khi được kiểm chứng nghiêm ngặt, bảo đảm độ tin cậy và chính xác sẽ giúp cho người dân có cơ sở để lựa chọn, so sánh, đánh giá, không bị hoang mang, bối rối trước các luồng thông tin chưa được kiểm chứng xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội.

Muốn như vậy, cần phải tạo môi trường hoạt động của báo chí thật trong sạch bằng cách loại trừ những thông tin lá cải, rẻ tiền làm nhiễu loạn đời sống, tâm lý của người đọc. Trong cuộc chạy đua thông tin, một số người làm báo cần chấm dứt tư duy lấy tin tức giật gân, tiêu cực để thu hút người xem, mà cần có tư duy thu hút độc giả bằng các thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp lợi ích của đất nước và của nhân dân; tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới; nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của nhân dân; phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội, tuyên truyền gương người tốt việc tốt… Đó cũng là chức năng, nhiệm vụ của báo chí được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó.

Để thực hiện tốt mục tiêu này, cần tiếp tục triển khai thành công Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tăng cường hiệu quả công tác quản lý báo chí, tăng chế tài xử lý các hành vi vi phạm trên báo chí, nhất là các báo điện tử.

Về phía cơ quan báo chí, việc thường xuyên rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho phóng viên, nhất là phóng viên trẻ cần được xem là một nhiệm vụ quan trọng. Đáng buồn là hiện nay có lúc, có nơi, một số người làm báo đã bỏ quên “cái gốc” này, chạy theo các giá trị vật chất, lợi ích trước mắt, thiếu trách nhiệm với bạn đọc, có khuynh hướng chạy theo thông tin trên mạng xã hội và bị mạng xã hội dẫn dắt thay vì tạo ra những sản phẩm có khả năng dẫn dắt dư luận xã hội. Từ đây, người làm báo đã làm giảm sút uy tín của tờ báo nơi mình công tác và là tác nhân gây mất niềm tin của xã hội vào báo chí nói chung.

Bên cạnh đó vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan báo chí cũng cần được đề cao. Vẫn biết thu hút độc giả là yêu cầu quan trọng của mỗi tờ báo, nhưng tìm kiếm, phát triển độc giả bằng cách nào tùy thuộc vào bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn của người đứng đầu. Người đứng đầu cơ quan báo chí cần quán triệt việc giữ vững tôn chỉ mục đích của báo, nhận thức đúng và đầy đủ vai trò, sứ mệnh của báo chí, có ý thức xây dựng thương hiệu riêng cho tờ báo của mình và góp phần xây dựng, củng cố niềm tin của xã hội vào báo chí.

Không ai khác, chính những người đứng đầu cơ quan báo chí là bộ lọc tốt nhất để ngăn chặn và loại bỏ dần những xu hướng thiếu lành mạnh trong thông tin, góp phần xây dựng một nền báo chí hội nhập, hiện đại, văn minh và tiến bộ.

Cùng với đó, cũng rất cần sự tham gia, phát huy tinh thần trách nhiệm của độc giả. Để trở thành người đọc văn minh, mỗi cá nhân cần lựa chọn thông tin đúng đắn, lành mạnh, không tìm kiếm, cổ vũ thông tin tiêu cực. Bạn đọc cũng cần chủ động phát hiện những biểu hiện tiêu cực của cơ quan báo chí và người làm báo, báo cáo về những thông tin đăng tải không chính xác tới cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý phù hợp. Xây dựng môi trường thông tin lành mạnh cũng là cách thức để thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ xã hội./.

VŨ QUỲNH (nhandan.vn)

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son