Tổng số lượt xem trang

Về cơ sở, hết lòng giúp dân làm căn cước

 

Để hoàn thành việc cấp căn cước công dân (CCCD), Công an tỉnh Hòa Bình triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả, thiết thực như: Thành lập các đội lưu động đi đến nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước; đến từng gia đình có người già khó đi lại, người đau ốm nằm trên giường; có mặt phục vụ ngay tại phòng bệnh nhân ở các bệnh viện để chụp ảnh, lăn tay.

Đến nay hầu hết người dân tỉnh Hòa Bình đã có được mã số định danh; đó là niềm vui của các chiến sĩ công an tỉnh Hòa Bình.

Gian nan không kể tháng ngày

Hòa Bình là tỉnh miền núi có địa hình chia cắt lớn, có diện tích hơn 4.600km2, với dân số hơn 900 nghìn người, có các thành phần dân tộc gồm: Mường, Tày, Dao, Thái, H’Mông, Kinh. Nhiều tuyến đường giao thông khó khăn, các hộ dân ở xa cách nhau, việc các chiến sĩ công an đi đến từng khu vực và các gia đình để làm CCCD cho người dân gặp muôn vàn khó khăn, chưa kể việc bất đồng về ngôn ngữ… Tỉnh Hòa Bình bắt đầu thực hiện việc cấp CCCD từ tháng 9/2021.

Tỉnh đăng ký với Bộ Công an hoàn thành cấp CCCD trước ngày 30/5 tới. Đến nay, Hòa Bình đạt tỷ lệ cấp là hơn 99%, chỉ còn một số người dân đi làm xa ở địa phương khác đang được các đội lưu động đến tận nơi thực hiện những công việc còn lại.

Để đạt được kết quả là cả quá trình gian nan, ngày đêm vất vả suốt gần 2 năm liền của toàn lực lượng Công an tỉnh Hòa Bình nói chung, đặc biệt là đơn vị chủ trì – Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) nói riêng.

“Ngày hôm nay, nói đến hai từ “hoàn thành” việc cấp CCCD tưởng chừng đơn giản nhưng chính là quá trình vất vả nhất trong cuộc đời làm nghề của chúng tôi”, Thượng tá Đinh Thị Thu Thủy, Phó Trưởng phòng PC06 Công an tỉnh Hòa Bình chia sẻ.

Để thực hiện việc cấp CCCD, các chiến sĩ công an phải trải qua biết bao gian khó, ngày đêm có mặt tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa thực hiện nhiệm vụ. Từ tiếp xúc, vận động, tuyên truyền, thuyết phục đủ các loại thành phần, nhiều trường hợp không hợp tác, người mắc bệnh tâm thần, mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển…, các chiến sĩ phải hóa trang rồi “nịnh” đủ cách để họ cho chụp ảnh, lăn vân tay. Nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười tưởng như không có thật nhưng lại là thực tế mà các chiến sĩ đã phải trải qua.

Thượng tá Đinh Thị Thu Thủy kể: “Hôm vừa rồi có một chị ở huyện Lạc Sơn nhất định không hợp tác. Các chiến sĩ của chúng tôi dù vào tận nhà để vận động, thuyết phục nhưng chị ấy nhất quyết không nghe, thậm chí mắng mỏ xối xả, tay bê chậu nước bẩn hất thẳng vào người các chiến sĩ. Trước tình huống đó, anh em vẫn nhẫn nhịn thuyết phục… gian nan như hành trình phá án”.

Trung tá Hà Thu Hiền, Đội trưởng Đội Hướng dẫn đăng ký, quản lý cư trú, cấp, quản lý CCCD – Phòng PC06 tâm sự: “Nhớ lại hồi cuối năm 2022 vừa rồi, ở huyện Lạc Thủy có một phụ nữ chui vào hang rồi cố thủ trong đó. Chúng tôi đã phải vào vai người dân vào trong hang, sau mấy giờ đồng hồ nói chuyện mới vận động được bà ra khỏi hang để chụp ảnh và lăn tay”.

Chị cho biết thêm: “Nhiều trường hợp khác yêu cầu chúng tôi gọi bằng bố, bằng mẹ chúng tôi cũng đồng ý vui vẻ, miễn sao để họ cho mình thực hiện nhiệm vụ. Rồi những trường hợp bà con đi làm đồng về, vân tay có mồ hôi, máy sinh trắc không đọc được, các chiến sĩ lại phải đi mua từng túi đá lạnh đổ vào thùng rồi cho bà con ngâm tay, rửa sạch để thực hiện, lúc đó máy mới tiếp nhận…

Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ

Những khó khăn, vất vả vừa qua của lực lượng trực tiếp tham gia nhiệm vụ được người dân và đồng đội ghi nhận, chia sẻ động viên.

Những ngày cuối tháng 5 là giai đoạn “nước rút” để hoàn thành cấp CCCD trước ngày 30/5, Đại tá Nguyễn Thành, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình tiếp tục quyết liệt chỉ đạo: Hằng ngày, hằng giờ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tìm mọi giải pháp để hoàn thành một cách sớm nhất. Cụ thể, lực lượng tập trung tối đa nguồn lực, khắc phục, giải quyết dứt điểm các trường hợp vướng mắc, sai lệch thông tin công dân chưa được cấp CCCD để cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung vào hệ thống dữ liệu dân cư. Các đồng chí trưởng công an cấp xã, cảnh sát khu vực luôn nắm chắc địa bàn, phân loại công dân chưa làm căn cước có mặt ở địa phương hoặc đi xa mà rõ địa chỉ để trực tiếp liên hệ với công dân, hướng dẫn họ đến điểm làm CCCD gần nhất thực hiện.

Vừa qua, Công an tỉnh tập trung bố trí cán bộ, trang thiết bị và tận dụng tối đa thời gian, khắc phục mọi khó khăn phục vụ công tác cấp CCCD, định danh điện tử, dịch vụ công trực tuyến; bố trí các điểm cấp CCCD tại công an các xã, thị trấn phù hợp số công dân chưa cấp CCCD; bố trí các tổ công tác thu nhận CCCD lưu động tại các địa phương trong và ngoài tỉnh đối với người yếu thế khi xác định đúng địa chỉ, họ tên, năm sinh, số điện thoại công dân… Sau đó thông tin công dân được gửi về Trung tâm Dữ liệu dân cư để cấp thẻ CCCD gắn chíp điện tử theo đúng quy trình, quy định, bảo mật an toàn.

Khó có thể kể hết từ công tác chỉ đạo, điều hành đến tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện “chiến dịch” cấp CCCD… Đó là cả quá trình dài của tập thể Công an tỉnh Hòa Bình và các cá nhân luôn hết lòng thực hiện nhiệm vụ.

Ngày 11/5, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình quyết định tặng Bằng khen cho các tập thể Phòng PC06; Công an huyện Cao Phong và Công an huyện Kim Bôi cùng 3 cá nhân của phòng PC06; Giám đốc Công an tỉnh kịp thời động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác cấp CCCD, tham mưu triển khai Đề án 06 của Chính phủ “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Đó là những thành quả xứng đáng góp phần xây dựng nền tảng quan trọng nhất – nền tảng công dân số, định danh điện tử, đặt nền móng kiến tạo, xây dựng xã hội số, Chính phủ số.

(Theo NDO)

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son