Trong thời đại kỷ nguyên số, việc bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ, cạm bẫy tràn lan trên mạng inernet là điều cấp thiết, đòi hỏi nỗ lực ở mọi cấp độ của toàn xã hội.
Hiện nay, công nghệ thông tin, Internet đang dần trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống của mỗi công dân số trong thời đại công nghệ số. Sớm tiếp cận với Internet, mạng xã hội, trẻ em phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn từ những nội dung độc hại trên không gian mạng.
Nguy cơ tiềm ẩn
Cách đây không lâu, câu chuyện trẻ nhỏ tự ý tham gia trò chơi có tên “thử thách cá voi xanh” và kết cục tự vẫn của một số trẻ là minh chứng cho thấy môi trường mạng tiềm ẩn những nguy hại khôn lường.
Đặc biệt, trẻ em thường chơi những trò chơi trực tuyến, có kết nối, chia sẻ với nhau nên từ một hành động nhỏ có thể nhanh chóng trở thành trào lưu, xu hướng khiến trẻ tham gia trong khi trẻ chưa phân biệt được các lợi ích và tác hại của những trào lưu đó. Thậm chí, có người tin và làm theo hướng dẫn của các trang mạng gây ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân.
Theo báo cáo của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, năm 2022 Tổng đài đã tiếp nhận 419 cuộc gọi về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và 18 lượt thông báo về các kênh/video clip có nội dung độc hại đối với trẻ em. Tính riêng 5 tháng đầu năm 2023, Tổng đài tiếp nhận 128 cuộc gọi về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và 3 lượt thông báo về các kênh/video clip có nội dung độc hại đối với trẻ em. Trong số 128 cuộc gọi thì có 124 cuộc gọi tư vấn và 4 ca kết nối, can thiệp cho trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng. Những con số này cho thấy vấn đề bảo đảm an toàn cho trẻ em trên không gian mạng đang ngày càng cấp bách hơn bao giờ hết.
Theo báo cáo của Mạng lưới nghiên cứu đa quốc gia EU Kids Online, các nguy cơ gây hại cho người chưa thành niên, trẻ em từ các hoạt động trên mạng được phân loại thành các rủi ro về nội dung gây hại, tiếp xúc với người lớn hoặc đường dây xấu, hành vi tiêu cực và rủi ro giao dịch với các đối tượng lừa đảo.
Quy định tại pháp luật hiện hành
Tại Việt Nam, pháp luật về bảo vệ quyền cho người chưa thành niên, trẻ em đã được quan tâm xây dựng tương đối đồng bộ. Cụ thể là pháp luật về bảo vệ quyền cho người chưa thành niên, trẻ em trên không gian mạng đã được quy định ở các văn bản Luật và dưới luật gồm: Luật Công nghệ thông tin; Luật An toàn thông tin mạng; Luật Trẻ em; Luật tiếp cận thông tin; Luật An ninh mạng; Nghị định số 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em…
Đặc biệt, ngày 1/6/2021 Chính phủ đã ban hành Quyết định số 830/QĐ-TTg phê duyệt chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên không gian mạng giai đoạn 2021-2025”. Ngày 30/7/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Kế hoạch triển khai quyết định số 830/QĐ-TTg.
Tuy nhiên việc rà soát, hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền cho người chưa thành niên trên không gian mạng cần được tiếp tục tiến hành mạnh mẽ và đòi hỏi có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Bổ sung các biện pháp bảo vệ ở mọi cấp độ
Theo ông Đinh Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông, việc bảo vệ quyền của người chưa thành niên trên không gian mạng cần tập trung vào các giải pháp sau:
Một là, xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý. Cụ thể là, rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách về bảo vệ và hỗ trợ người chưa thành niên, trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng, trong đó lấy trẻ em làm trung tâm trong xây dựng chính sách và lấy ý kiến của trẻ em đối với các cơ chế, chính sách; nêu cao, cụ thể hóa trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
Cùng với đó, cần đề xuất sửa đổi, bổ sung các chế tài xử phạt hành chính, xử lý hình sự nghiêm minh các loại tội phạm xâm hại người chưa thành niên, trẻ em trên môi trường mạng; quy định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của cha mẹ, các thành viên trong gia đình những người chăm sóc trẻ trong việc quản lý, tiếp cận môi trường mạng của trẻ.
Đặc biệt phải nghiêm cấm việc lưu trữ, chia sẻ dưới mọi hình thức và tạo lập với mục đích vi phạm pháp luật các hình ảnh, video clip mà trong đó người chưa thành niên, trẻ em là đối tượng bị xâm hại. Bên cạnh đó, cần có thêm các cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, ứng dụng và nội dung hỗ trợ người chưa thành niên, trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
Hai là, giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng cho trẻ em thông qua các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức ở quy mô quốc gia; đổi mới cách thức, nội dung công tác truyền thông theo hướng gần gũi, sinh động để thu hút giới trẻ, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, qua mạng internet và mạng xã hội trực tuyến để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông. Đưa vào màn hình hiển thị trên truyền hình số điện thoại đường dây nóng Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111.
Chương trình giáo dục cần lồng ghép các nội dung trang bị kiến thức, nhận thức về môi trường mạng cho người chưa thành niên, trẻ em và kỹ năng cơ bản khi sử dụng Internet, cách thức tìm kiếm sự hỗ trợ khi bị xâm hại trên môi trường mạng; hướng tới trang bị “bộ kỹ năng số” cơ bản cho trẻ em theo độ tuổi; đẩy mạnh cách hình thức tư vấn hỗ trợ trẻ em thông qua tư vấn học đường. Phát triển các chương trình giáo dục dành cho đối tượng trẻ em không đến trường học thông qua hệ thống bảo vệ trẻ em tại cộng đồng, các tổ chức xã hội, tổ dân phố, trung tâm tư vấn.
Ở cấp độ gia đình và nhà trường, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên và phóng viên có trách nhiệm tham gia các khóa bồi dưỡng, tập huấn nhằm chủ động, thường xuyên cập nhật kiến thức, phương pháp hướng dẫn trẻ các kỹ năng tự bảo vệ, tự phát hiện và tố cáo các hành vi có nguy cơ xâm hại khi tham gia môi trường mạng.
Ở cấp độ xã hội, doanh nghiệp cần phát triển các sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông hỗ trợ học tập trên môi trường mạng để người chưa thành niên, trẻ em truy cập, khai thác nguồn tài nguyên trực tuyến một cách chủ động, sáng tạo, hiệu quả và an toàn.
Cùng với đó, cần tăng cường công tác truyền thông, đặc biệt đối với các hình thức truyền thông trên Internet về quyền trẻ em và trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng.
Ba là, triển khai các biện pháp, giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ nhằm bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Theo đó, cần thiết lập các kênh thông tin thân thiện để tiếp nhận phản ánh về các hình ảnh, video, nội dung xâm hại trẻ em trên môi trường mạng theo hướng tích hợp thành một đầu mối duy nhất; có cơ chế báo cáo tự động về các nội dung nguy hại, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng về cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ngành giáo dục và đào tạo cần đưa vào sử dụng các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, các kho học liệu, xuất bản phẩm điện tử nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập trên môi trường mạng, đồng thời quản lý tốt việc học sinh truy cập mạng, đổi mới cách thức tương tác giữa nhà trường với gia đình và học sinh; góp phần thực hiện chuyển đổi số một cách an toàn trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Ở cấp độ quản lý, cần triển khai giải pháp kỹ thuật nhằm thu thập, phân tích, giám sát tuân thủ thực hiện việc chặn lọc, gỡ bỏ các nội dung xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Cùng với đó, các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam cần phát triển, làm chủ các công nghệ bảo vệ, hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng và các ứng dụng, nội dung giúp trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng.
Bốn là, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực thực thi pháp luật. Cụ thể là, tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, đào tạo đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, kịp thời ứng phó với các vấn đề liên quan đến người chưa thành niên trên môi trường mạng; nghiên cứu thành lập các trung tâm tư vấn, hỗ trợ giúp người chưa thành niên phục hồi về tâm lý, thể chất và tinh thần khi bị xâm hại trên môi trường mạng; hình thành mạng lưới hỗ trợ người chưa thành niên trên môi trường mạng; triển khai các chương trình nâng cao năng lực, cập nhật kiến thức, công nghệ, kỹ năng tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho lực lượng thực thi pháp luật, cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em, điều tra tội phạm và truy tố, xử án; xây dựng cơ chế phối hợp, quy trình xử lý trong việc tiếp nhận thông tin, điều tra, xử lý, xử phạt và truy tố đối với các hành vi xâm hại người chưa thành niên…
Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế, bao gồm tăng cường hợp tác giữa cơ quan nhà nước và các tổ chức kinh tế – xã hội trong và ngoài nước, hợp tác giữa Chính phủ với Chính phủ, tham gia các tổ chức, cam kết và mạng lưới quốc tế về bảo vệ trẻ em, chủ động tham gia các sáng kiến giúp trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng, phù hợp với đường lối của Đảng, Nhà nước.
Đồng thời, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, chuyển giao công nghệ, áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến đã được chứng minh hiệu quả trên thế giới trong vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Tích cực triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế, trao đổi khung pháp lý, học tập kinh nghiệm về nâng cao năng lực cho các cơ quan Việt Nam trong bảo vệ người chưa thành niên, trẻ em trên môi trường mạng.
Ngoài ra, cần kêu gọi các nguồn vốn hỗ trợ quốc tế hợp pháp theo quy định pháp luật vì mục đích bảo vệ và hỗ trợ người chưa thành niên, trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
Thu Trang (TGVN)
ConversionConversion EmoticonEmoticon