Tôi đã đọc đâu đó câu nói: “Khi thương nước đục cũng trong – Khi ghét nước sạch giữa dòng cũng dơ!”. Bất chấp thực tế Đảng Cộng sản Việt Nam đã đồng hành, gắn bó và lãnh đạo dân tộc Việt Nam đạt được rất nhiều thắng lợi to lớn, không ít đối tượng xấu vẫn cố tình xuyên tạc, đưa ra nhiều thông tin sai trái, phiến diện để công kích Đảng.
Vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp hội nghị giữa nhiệm kỳ. Hội nghị đã thảo luận, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng như: Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư giữa nhiệm kỳ và một số nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng; lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư khóa XIII và một số vấn đề khác. Lợi dụng sự kiện chính trị này, các đối tượng xấu đã nhanh chóng “bắt sóng”, tung ra nhiều luận điệu sai trái, mang tính chất công kích, hướng lái tiêu cực. Đơn cử, Chân trời mới Media đăng tải bài viết “Đảng tồn tại… để làm gì?”, Đài Á châu tự do – RFA có bài “Nhà quan sát: Nên ra Luật về Đảng, không cần thiết phải lấy phiếu tín nhiệm trong nội bộ!”, Việt Tân rêu rao quan điểm “đã đến lúc đất nước chúng ta có nhiều hơn một đảng chính trị”… Việc chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam không phải là mới. Đây là mục tiêu xuyên suốt mà các đối tượng xấu, các thế lực thù địch hướng đến nhằm lật đổ chế độ chính trị, thay đổi định hướng phát triển ở Việt Nam.
Không phải ngẫu nhiên mà Đảng Cộng sản Việt Nam được xác định là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội có được vị thế chính trị như ngày nay. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà Đảng được nhân dân gọi với cái tên đầy tình cảm: “Đảng ta”. Những gì mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang có là kết quả của một quá trình gắn bó lâu dài, đồng hành cùng dân tộc.
Trước hết, sự hiện diện của Đảng là bước ngoặt to lớn của lịch sử dân tộc. Đảng ta ra đời trong bối cảnh đất nước bị đô hộ, người dân sống trong cảnh lầm than, đói nghèo, chịu cảnh “một cổ, hai tròng” của thực dân và chế độ phong kiến. Chính sự xuất hiện của Đảng đã mang lại ánh sáng mới – ánh sáng của độc lập, tự do, của chủ nghĩa vô sản, của chân lý cách mạng – cho toàn dân tộc. Điều này đã được nhà thơ Tố Hữu thể hiện đầy cảm xúc qua góc nhìn người nghệ sĩ. Cụ thể, trước khi có Đảng, trong bài thơ “Một nhành xuân”, Tố Hữu nghẹn ngào: “Năm 20 của thế kỷ 20/Tôi sinh ra. Nhưng chưa được làm người/Nước đã mất. Cha đã làm nô lệ… Ngẩng đầu lên, không thấy mặt trời/Đất lai láng những là nước mắt…”. Thế nhưng, từ khi có Đảng, ông đã được “hồi sinh”, đã tìm được chân lý: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/Mặt trời chân lý chói qua tim” (bài Từ ấy).
Bằng câu hỏi “Sự tồn tại của Đảng để làm gì?”, các đối tượng xấu đã rêu rao không ít luận điệu tiêu cực, sai trái, xuyên tạc để phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Vậy nhưng xin thưa, sự có mặt của Đảng là yếu tố quyết định đến mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Phải có Đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với các dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”.
Suốt 93 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trước hết, đó là việc hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, xóa bỏ chế độ phong kiến, đánh đuổi thực dân xâm lược, mang lại hòa bình, độc lập, tự do, dân chủ cho đất nước. Tiếp đó là lãnh đạo đất nước thoát khỏi thế bao vây, cấm vận sau chiến tranh, tiến hành đổi mới, mang lại sự phồn vinh cho dân tộc. Đến nay, Việt Nam trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Trên phương diện đối ngoại, tính đến năm 2021, Đảng ta đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia. Sự tồn tại của Đảng là để lãnh đạo dân tộc Việt Nam tiếp tục tiến lên chủ nghĩa xã hội, mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho toàn thể nhân dân. Ngoài ra, sức hấp dẫn của Đảng còn bắt nguồn từ nghĩa tình của Đảng với nhân dân. Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta luôn tâm niệm: “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác”. Đảng ta là đại biểu trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Chính vì vậy, nếu không có sự lãnh đạo của Đảng, chắc chắn quyền làm chủ của nhân dân khó lòng bảo đảm.
Vì sao các “nhà dân chủ” lại luôn đòi hỏi phải “đa nguyên, đa đảng”? Trong những năm tháng chiến tranh gian khó, không hề thấy sự hiện diện của các “nhà dân chủ” hay các “đảng phái dân chủ”. Vậy nhưng đến nay, khi đất nước hòa bình, ổn định, kinh tế phát triển thì họ lại đòi tranh chiếm quyền lực. Nói thẳng, trên đời này làm gì có chuyện “Ăn thì muốn những miếng ngon/Làm thì chọn việc cỏn con mà làm”. Với những kẻ phá bĩnh, chỉ chăm chăm lợi ích của bản thân, cố tình tranh giành quyền lực, không thực sự cống hiến vì nhân dân chắc chắn sẽ không bao giờ nhận được sự ủng hộ.
Trong chiến lược chống phá Đảng Cộng sản, các đối tượng xấu cố tình khoét sâu, thổi phồng vào những sai phạm của một số cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng. Tuy nhiên, đây chỉ là thủ đoạn được đưa ra để đánh lừa dư luận. Chúng ta không phủ nhận trong Đảng đã xuất hiện những thành phần thoái hóa, biến chất, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhưng những người này không đại diện cho toàn Đảng. Nguyên nhân của vấn đề này cũng được Bác chỉ ra từ lâu: “Đảng ta không phải trên trời sa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra. Vì vậy, nói chung đảng viên phần nhiều là những phần tử tốt, nhưng vẫn có một số chưa bỏ hết những thói xấu tự tư, tự lợi, kiêu ngạo, xa hoa…”. Vấn đề quan trọng là Đảng ta đã nhận diện được những suy thoái và đang đẩy mạnh việc đấu tranh xử lý nhằm làm trong sạch nội bộ. Do vậy, chẳng có lý do gì để các “nhà dân chủ” xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.
Anh Tú (huongsenviet.com/)
ConversionConversion EmoticonEmoticon