Tổng số lượt xem trang

Trường Sa, nơi ấy có các anh

 

Trường Sa hôm nay đã có thêm nhiều công trình mới, trang thiết bị hiện đại phục vụ việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của quân và dân trên huyện đảo. Những đổi thay ấy đã góp phần tạo thêm động lực, niềm tin yêu, gắn bó với biển, đảo; để quân dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DKI luôn sẵn sàng vượt qua mọi gian khó, hiểm nguy, tiếp tục trụ vững nơi đầu sóng, ngọn gió; giữ vững từng tấc đất, thước biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Với tinh thần “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”, những năm qua, chúng ta đã có nhiều phong trào, hành động thiết thực để hướng về Trường Sa thân yêu; nhiều nghĩa cử cao đẹp, hết lòng ủng hộ Trường Sa đã xuất hiện, để quân và dân huyện đảo có cuộc sống ngày một tốt hơn, thế trận và tinh thần giữ đảo ngày càng mạnh mẽ hơn, vững chắc hơn.

Bao xương máu đắp hình hài Tổ quốc

Trong suốt hành trình đi thăm các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DKI, trên gương mặt các thành viên của Đoàn công tác số 7 luôn hiện hữu sự tự hào, cảm phục trí tuệ, tầm nhìn chiến lược và tinh thần quả cảm của bao thế hệ cha ông đã xác lập chủ quyền, xây dựng, bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.

Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội, Dương Thanh Bình cho biết: Nhà nước ta đã có chính sách bài bản, nhất quán về biển, đảo, xác lập và thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam như: Thực hiện vẽ bản đồ, tìm kiếm tài nguyên, đo đạc hải trình, khai thông luồng lạch tại các đảo, rạn san hô, cắm bia chủ quyền, đặt trạm thuế, trắc nghiệm địa lý, khí hậu… và hệ thống nhà giàn DKI trên thềm lục địa phía nam của Tổ quốc.

Với những giá trị quý báu mà cha ông ta đã để lại, chúng ta cần phải có trách nhiệm giữ gìn, phát triển, tiếp tục đấu tranh giữ vững chủ quyền để phục vụ lợi ích của dân tộc, của đất nước trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975 lịch sử của quân và dân miền nam, sau trận đánh mở màn ngày 14/4/1975, chúng ta đã giải phóng đảo Song Tử Tây.

Tới 9 giờ sáng ngày 29/4/1975, phân đội chiến đấu cuối cùng của Lữ đoàn 126 đã đổ bộ, làm chủ đảo Trường Sa. Từ đó, đảo Trường Sa nói riêng và quần đảo Trường Sa nói chung bước vào thời kỳ lịch sử mới, thời kỳ xây dựng, chiến đấu và trưởng thành để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Sau ngày giải phóng, được sự quan tâm, đầu tư to lớn của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, sự chung tay giúp sức của các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương, các doanh nghiệp, nhân dân cả nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài; cùng với ý chí quyết tâm, trí tuệ, bản lĩnh kiên định, luôn coi “Đảo là nhà, biển cả là quê hương” của quân và dân, huyện đảo Trường Sa đang đổi mới từng ngày, khang trang hơn, kiên cố hơn.

Cuộc sống ở huyện đảo tuy vẫn còn nhiều vất vả, khó khăn, thiếu thốn, nhưng tình cảm đồng chí, đồng đội, tình quân dân luôn sắt son, bền chặt. Vượt lên trên gian khó, thiếu thốn về vật chất, khắc nghiệt về khí hậu, khoảng cách về địa lý, các cán bộ, chiến sĩ của quần đảo Trường Sa hôm nay vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện, quân và dân huyện đảo Trường Sa luôn làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn giúp đỡ ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, góp phần làm cho hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ – Người chiến sĩ hải quân” tỏa sáng trong lòng nhân dân.

Đồng thời, khi ngư dân tham gia khai thác hải sản trên biển, bám ngư trường cũng chính là đang sát cánh cùng bộ đội hải quân, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Nhìn thấy sự tươi đẹp, vững mạnh, căng tràn sức sống của Trường Sa và nhà giàn DKI hôm nay khiến chúng ta tin tưởng rằng, tiềm năng to lớn từ biển, đảo cộng với lòng yêu nước sẽ là động lực mạnh mẽ hơn nữa để mỗi cán bộ, chiến sĩ, mỗi người dân sinh sống và làm việc ở Trường Sa tiếp tục đem hết công sức của mình, đoàn kết một lòng xây dựng huyện đảo ngày một tươi đẹp hơn, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Từ đó, góp phần bảo vệ, phát triển kinh tế biển từ vị thế của Trường Sa – trái tim mang nhịp đập trùng khơi; đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về biển và giàu từ biển.

Đ/c NGUYỄN HỮU ĐÔNG
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La – thành viên Đoàn công tác số 7

Hát mãi khúc quân ca Trường Sa

Với kinh nghiệm nhiều năm cùng đưa đón các đoàn dân chính đảng ra thăm, kiểm tra quần đảo Trường Sa và nhà giàn DKI, những sĩ quan như Thiếu tá Nguyễn Ngọc Viễn (Phó Hải Đội trưởng Hải đội 411, Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân) có nhiệm vụ hướng dẫn hành trình cho tàu KN-390.

Với Thiếu tá Viễn, thời gian trên biển, trên tàu có khi nhiều hơn thời gian được sống cùng gia đình. Chuyển công tác lên bờ được hơn bốn năm, nhưng khi được điều động lên tàu để hỗ trợ các đoàn công tác, anh vẫn luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Viễn chia sẻ: “Tôi cũng có những đêm nhớ nhà, nhớ gia đình nhưng khi đi công tác, nhất là khi được thực hiện nhiệm vụ trên những hải trình ra Trường Sa, như lần này với Đoàn công tác số 7, tôi cũng như tất cả cán bộ, chiến sĩ trên tàu đều được các thành viên đoàn công tác rất quan tâm, coi trọng. Đó chính là nguồn động viên lớn lao giúp chúng tôi có thêm động lực để tiếp tục cố gắng, phấn đấu; thấy tự hào hơn về công việc của mình, tự hào hơn về hình tượng người chiến sĩ hải quân”.

Đại úy Nguyễn Văn Duy đã thực hiện nhiệm vụ lần thứ ba ở Trường Sa. Lần đầu là năm 2012, ngay sau ngày cưới anh đã nhận nhiệm vụ ở đảo Sinh Tồn. Lần thứ hai, Đại úy Duy giữ chức vụ Phó Chỉ huy nhà giàn DKI/14 cụm Tư Chính và hiện nay anh đang là Chỉ huy trưởng nhà giàn DKI/17 cụm Phúc Tần.

Đại úy Duy nhớ lại: “Khi tôi mới nhận nhiệm vụ ở đây, có Đại úy Phạm Thành An – nhân viên Báo vụ, đang trên hành trình ra nhà giàn thay quân để thực hiện nhiệm vụ thì nghe tin bố mất. Cán bộ, chiến sĩ trên nhà đã làm mâm cơm cúng cho bố đồng chí An. Mặc dù vẫn biết không gì có thể bù đắp mất mát ấy nhưng chúng tôi cố gắng động viên, chia sẻ phần nào nỗi đau mất mát với đồng đội”.

Đó cũng là sự hy sinh thầm lặng của những người lính

Cô đồng nghiệp Hoàng Hà cùng phòng với tôi đi khắp tàu nhận đồng hương. Một “thanh niên Nam Định” như tôi đã hò reo vui sướng khi lên đến đảo Trường Sa gặp những chiến sĩ đều là… quê mình. Những chàng trai đang độ tuổi đôi mươi ấy rạng rỡ khi thấy một nhà báo đi tìm đồng hương. Họ ríu rít trò chuyện với tôi như thể gặp lại người thân.

Chứng kiến những người lính đang tràn đầy sức sống và niềm tự hào khi được thực hiện nhiệm vụ trên các điểm đảo, tôi bỗng nhớ tới bài hát Bâng khuâng Trường Sa: “Tuổi 20 chưa từng hò hẹn/Trong đêm mơ vẫn gọi mẹ ơi”. Trong giây phút thoáng qua, tôi đã so sánh với đủ đầy của những người trẻ cũng độ tuổi đôi mươi đang sống ở đất liền.

Có lẽ, mỗi chúng ta, ít nhất nên một lần ra với Trường Sa, để không phải đọc bất cứ một trang sách báo nào về tình yêu Tổ quốc, sẽ tự định nghĩa được rõ nét tình yêu lớn lao ấy, đậm sâu ấy; biết mình sẽ phải sống và làm việc sao cho xứng đáng với sự hy sinh của những người lính đang ngày đêm canh giữ biển, đảo quê hương, để cho chúng ta có một cuộc sống hòa bình và tốt đẹp hơn.

Dương Hoàng Việt, chiến sĩ có gương mặt sáng và trong trẻo, xúc động nói: “Em tự hào vì được ra Trường Sa thực hiện nhiệm vụ, góp phần gìn giữ và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Em cũng nhớ nhà, nhưng ở đây, em thấy mình sống có ích hơn, có ý nghĩa hơn”.

Việt chỉ mới 20 tuổi, cùng độ tuổi như rất nhiều chiến sĩ Trường Sa. Trẻ như vậy nhưng những người lính ấy đã dám chịu hy sinh, vất vả, cả những hiểm nguy, để vì hai tiếng thiêng liêng – Tổ quốc.

Theo thông tin từ Vùng 4 Hải quân, quân và dân huyện đảo Trường Sa luôn phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thực hiện hiệu quả các khâu đột phá của Quân đội, Quân chủng, Vùng 4 và Lữ đoàn.

Tăng cường đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, chủ động, sáng tạo, phát huy nội lực, khắc phục khó khăn; tích cực giúp đỡ ngư dân, cứu hộ, cứu nạn. Đề ra những nội dung cụ thể cho từng cá nhân, tập thể, thực hiện tốt nghị quyết của Đảng và tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới gắn với thực hiện cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ – Người chiến sĩ hải quân”, xây dựng đảo Trường Sa “Mạnh về phòng thủ, tốt về nếp sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân”, xứng đáng là trung tâm của huyện Trường Sa.

Những năm qua, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm, nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân; sự chung tay của đồng bào cả nước và kiều bào hướng về Trường Sa, đời sống vật chất cũng như tinh thần của quân và dân trên quần đảo đã tốt hơn rất nhiều; đang từng bước hành chính hóa để đưa Trường Sa gần với đất liền hơn.

Nhìn các sĩ quan hải quân – những người thậm chí có thể không nhớ hết đã cùng bao nhiêu chuyến tàu và đoàn công tác ra thăm, kiểm tra, làm việc trên các điểm đảo, vẫn rất xúc động trong giây phút mỗi khi đứng chào cờ trên quần đảo Trường Sa, chúng tôi hiểu vì sao những người lính luôn có thể vượt qua mọi gian khổ, hiểm nguy, dâng hiến trọn cuộc đời mình để giữ bình yên nơi biên cương Tổ quốc.

(Nguồn NDO)

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son