Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết nêu rõ, đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, có ý nghĩa sống còn với sự tồn vong của Đảng, của chế độ; đó cũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó nòng cốt là cán bộ, đảng viên.
Nhiệm vụ sống còn của Đảng trong giai đoạn hiện nay
Nghị quyết số 35 nêu rõ: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ Nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài, được Đảng ta đặt ra ngay từ những ngày đầu thành lập. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, vấn đề đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được đặt ra song hành là bởi sự chống phá ngày càng tinh vi, quyết liệt của các thế lực thù địch.
Trong những năm qua, lợi dụng sự phát triển của truyền thông hiện đại, đặc biệt là internet và mạng xã hội, các thế lực thù địch đã ráo riết sử dụng các chiêu bài tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Ngoài các vấn đề căn cốt là xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng còn ra sức xuyên tạc, phủ nhận đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, truyền thống lịch sử, văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta… Các luận điệu sai trái đó phát tán trên các trang mạng xã hội, gây nên những hoài nghi, mơ hồ về Đảng, về chế độ trong một bộ phận quần chúng nhân dân. Do đó, đây là một âm mưu rất thâm độc, nguy hiểm, không thể coi thường, xem nhẹ.
Đặc biệt, một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nghiêm trọng hơn, như Đại hội XIII chỉ rõ:
“Một bộ phận cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị không vững vàng, suy thoái về tư tưởng chính trị, còn hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; một số ít hoang mang, dao động, mất lòng tin; cá biệt còn phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng”1.
Đây thật sự là một mối nguy hại lớn cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Thực tiễn cho thấy, thời gian qua, không ít các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đã lợi dụng những cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống để phân rã lực lượng, tập hợp “ngọn cờ” thành những phần tử chống đối Đảng, Nhà nước, chính quyền, chế độ…
Có không ít người trước đây là cán bộ lãnh đạo, quản lý, là giới văn nghệ sĩ, trí thức có tầm ảnh hưởng trong xã hội, nhưng đã bị các thế lực thù địch mua chuộc, “bôi đen” trở thành tay sai, có những phát ngôn và hành động “trái với cương lĩnh, đường lối, pháp luật của Đảng và Nhà nước”. Do đó, chúng ta không thể xem nhẹ tình trạng này vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự, uy tín của Đảng; đến mối quan hệ mật thiết vốn có giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.
Trách nhiệm không thể chối bỏ của cán bộ, đảng viên
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta chỉ rõ những khó khăn, thách thức trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Bên cạnh đó, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường trong thời gian tới.
Về mặt khách quan, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng những thành tựu của khoa học – công nghệ hiện đại, những kẽ hở trong quản lý kinh tế – xã hội của nước ta để tung ra những chiêu bài chống phá ngày càng tinh vi và quyết liệt hơn, đúng như Đảng ta nhận định: “Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta”2, “Sự chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động ngày càng tinh vi hơn”3.
Về mặt chủ quan, bốn nguy cơ, trong đó có tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ còn nhiều diễn biến phức tạp. Như Đảng ta đã nhiều lần khẳng định, đây chính là “một bước ngắn, thậm chí rất ngắn” đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ.
Điều 1 Chương I Điều lệ Đảng quy định: “Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các Nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có đạo đức và lối sống lành mạnh; gắn bó mật thiết với nhân dân; phục tùng tổ chức, kỷ luật của Đảng, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng”.
Khi trở thành đảng viên, phải kiên định và trở thành những chiến sĩ tiên phong, gương mẫu trước quần chúng trong chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Cán bộ, đảng viên vừa phải thực hiện chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của người cán bộ được giao, vừa thực hiện nhiệm vụ của đảng viên trong tổ chức đảng.
Với những trọng trách đó, người cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu, tiên phong trong lĩnh vực chuyên môn, đồng thời lãnh đạo quần chúng thực hiện nhiệm vụ của Đảng giao phó trên các mặt trận của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Để tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, mỗi cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt những điều sau:
Một là, thường xuyên quán triệt, thực hiện nghiêm túc những chỉ thị, nghị quyết của Đảng về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Cho đến nay, ngoài Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị khóa XII, rất nhiều tổ chức đảng đã có những chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đó là căn cứ chính trị, pháp lý quan trọng để thực hiện nhiệm vụ này.
Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần quán triệt nghiêm túc, thực hiện đầy đủ những quy định của Đảng. Đây là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng là bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.
Hai là, không ngừng học tập, rèn luyện, trau dồi bản lĩnh chính trị để nâng cao “sức đề kháng” trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.
Mỗi cán bộ, đảng viên cần khắc phục triệt để bệnh “lười” học tập lý luận chính trị, thường xuyên tích cực tham gia các buổi học tập nghị quyết do cơ sở Đảng phát động kết hợp với tự học tập, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ, nhận thức, rèn luyện phẩm chất chính trị. Đây là cách mỗi cán bộ, đảng viên nâng cao “sức đề kháng” của mình, tránh để các thế lực thù địch lôi kéo, mua chuộc hòng nói xấu, bôi nhọ danh dự, uy tín của Đảng, Nhà nước.
Ba là, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải là người đi đầu, luôn gương mẫu trong việc thực hiện nhiệm vụ. Căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ, khả năng của mình để có những việc làm cụ thể, thiết thực trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tránh bệnh “nói suông”, “nói không đi đôi với làm”.
Bốn là, thường xuyên tuyên truyền, lan tỏa việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đến cán bộ, đảng viên, Nhân dân.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Thông qua mỗi việc làm của mình để tuyên truyền, vận động những người xung quanh tham gia nhiệm vụ, tạo thành thế trận rộng khắp, mạng lưới toàn dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Như vậy, vì bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ chính trị sống còn, liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ, nên mỗi cán bộ, đảng viên không thể đứng ngoài cuộc. Chúng ta cần chung tay, góp sức để “cuộc chiến” này ngày càng thu được nhiều kết quả to lớn, thực chất hơn.
Đinh Ngọc Giang – Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Ủy viên Ủy ban
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.168.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.108.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 2, tr.164.
Tài liệu tham khảo
1. Ban Tuyên giáo Trung ương, Tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, năm 2021.
2. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2021.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Điều lệ Đảng và một số quy định, hướng dẫn thi hành, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Các nghị quyết của Trung ương Đảng 2016 – 2020, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.
ConversionConversion EmoticonEmoticon