Những vụ biểu tình bạo loạn dữ dội trên đất Pháp trong những ngày qua khởi nguồn từ vụ cảnh sát Pháp bắn chết một nam thanh niên gốc Phi đã gây nên tình trạng bất ổn trên toàn quốc. Hàng ngàn người đã bị bắt, hàng trăm xe cộ, cửa hàng, nhà ở bị những người biểu tình đốt cháy; nhà riêng của ông thị trưởng một thành phố ở ngoại ô Paris bị tấn công. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phải hoãn chuyến thăm cấp nhà nước tới Đức để xử lý cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiệm kỳ lãnh đạo của ông.
Nguyên nhân trực tiếp của tình trạng bạo loạn tại Pháp, Mỹ và một số nước phương Tây khác trong những năm gần đây bắt nguồn từ những nguyên nhân khác nhau, nhưng có một điểm chung là những cuộc bạo loạn này nhanh chóng thu hút được một số lượng rất đông người tham gia là do vai trò của mạng xã hội (MXH). Chính tổng thống Pháp Macron đã phải thừa nhận rằng các nền tảng MXH đã góp phần thổi bùng bạo loạn trên khắp đất nước Pháp trong những ngày gần đây. Chính phủ Pháp đã triệu tập đại diện của các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, Twitter, Snapchat, TikTok… để yêu cầu họ thu hồi ngay những tin nhắn mang tính kích động bạo lực và xác định người sử dụng MXH tham gia thực hiện hành vi phạm tội trong vụ bạo loạn vừa qua.
Còn nhớ, một cuộc bạo loạn tương tự đã xảy ra tại thủ đô Washington, Mỹ cách đây hơn 2 năm sau khi cựu tổng thống mãn nhiệm lúc đó là ông Donald Trump thua sít sao số phiếu bầu trước ông Joe Biden. Khi đó, ông Trump đã có dòng tweet kêu gọi người ủng hộ tuần hành đến trụ sở Quốc hội Mỹ trên đồi Capitol ở thủ đô Washington ngày 6-1-2021 để ủng hộ ông. Ủy ban điều tra vụ bạo loạn này đã kết luận rằng bài đăng của ông Trump là “lời kêu gọi vũ trang”. Một thành viên của Ủy ban cho rằng, dòng tweet của ông Trump “đã tạo ra sức mạnh và kích động những người ủng hộ ông ấy, đặc biệt là những kẻ cực đoan nguy hiểm, các nhóm chủ nghĩa dân tộc da trắng và phân biệt chủng tộc khác”.
Rõ ràng là, MXH đang có sức mạnh ngày càng nguy hiểm trong việc tập hợp người dân xuống đường. Cách đây hơn 10 năm, hàng loạt cuộc cách mạng đường phố đã diễn ra ở các nước Bắc Phi và Trung Đông với sự tham gia của hàng triệu người dân xuống đường lật đổ chính quyền ở Tunisia, Ai Cập… Những cuộc cách mạng đường phố đó đều được khơi nguồn từ những thông tin lan truyền nhanh chóng trên các trang MXH, đặc biệt là Facebook. Còn ai là người đứng phía sau những cuộc “cách mạng hoa nhài”, “cách mạng hoa sen” đó thì ai cũng biết.
Điều trớ trêu là công cụ MXH trước đây thường được Mỹ và một số nước phương Tây sử dụng như một công cụ can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác, bây giờ đã quay trở lại “đập lưng” chính các nước nói trên. Đúng là “chơi dao lắm có ngày đứt tay”.
Ở Việt Nam, việc MXH bị lợi dụng để kích động người dân chống lại chính quyền không phải là chuyện mới. Một số vụ việc liên quan đến Biển Đông, xã Đồng Tâm, và mới đây nhất là vụ tấn công hai trụ sở UBND xã ở Đắk Lắk đã bị một số hãng truyền thông phương Tây và các thế lực chống đối lợi dụng triệt để để nói xấu chính quyền, kích động người dân trong nước chống lại chế độ.
Không phải là nhà nước Việt Nam không nhận thức được những hiểm họa từ mặt trái của Internet và MXH. Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách kịp thời nhằm phát triển Internet và MXH, đồng thời bảo vệ an ninh mạng, chống việc lợi dụng MXH để xuyên tạc, kích động, chống phá chính quyền, xâm hại an ninh quốc gia. Luật Báo chí năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018… đã quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm trên MXH. Những nước khác trên thế giới, kể cả Mỹ và Pháp…, cũng có những đạo luật cho phép chính quyền ngăn chặn và trừng phạt các hành vi vi phạm pháp luật trên MXH, làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Tuy nhiên, một số nước phương Tây vẫn tự cho phép họ áp dụng “tiêu chuẩn kép” đối với những nước khác, trong đó có Việt Nam.
Bây giờ, “gậy ông đập lưng ông” thì họ còn biết kêu ai nữa đây?
Thanh Trung
ConversionConversion EmoticonEmoticon