Tổng số lượt xem trang

Điều căn cốt của chủ nghĩa Mác – Lênin cần vững tin bảo vệ, phát triển

 

Điều căn cốt của chủ nghĩa Mác – Lênin cần vững tin bảo vệ, phát triển

Nhân Văn

1. Trước sự biến động dữ dội của tình hình thế giới và khu vực, nhất là cuộc xung đột quân sự Nga – Ucraina hiện nay, những người bất mãn, có quan điểm đối lập với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN ở nước ta đã cố tình tung ra các luận điểm sai trái, xuyên tạc sự thật với sự đe dọa sặc mùi khủng bố: Nếu Đảng Cộng sản Việt Nam còn tiếp tục đi theo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) thì nhất định sẽ có kết cục bi thảm như cuộc xung đột quân sự Nga – Ucraina, “Đảng sẽ mất vai trò lãnh đạo”, “thành quả cách mạng sẽ tan vỡ”, v.v..

Gây rối, nổi loạn, “quay lưng lại với Đảng”, chống phá Đảng, Nhà nước ta, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã và đang ráo riết tuyên truyền sai trái rằng, chủ nghĩa Mác – Lênin là học thuyết sai lầm vì đi theo “CNXH không tưởng”, “là cái bánh vẽ”, “thuốc phiện mê hoặc người dân”, “lừa bịp giai cấp công nhân”… Vì vậy, họ khuyên “Đảng Cộng sản Việt Nam không nên tiếp tục đi theo con đường XHCN”, Đảng “phải từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, đặc biệt phải từ bỏ lý luận về hình thái kinh tế – xã hội của Mác”, “có như vậy mới đi theo con đường TBCN”, nhờ đó mà “Việt Nam cất cánh”, “trở thành con Hổ, con Rồng châu Á”, “Việt Nam mới thịnh vượng, phồn vinh như các nước Tây Âu”…

Sự phi lý của quan điểm nêu trên đã được tán phát, tung lên mạng xã hội với thái độ ngông cuồng, khi những người này tự cho mình cái quyền phán quyết về số phận của chủ nghĩa Mác – Lênin, xét lại của CNXH khoa học; cho rằng, thời đại ngày nay phải đi theo con đường của CNTB mới là sự lựa chọn đúng đắn, khôn ngoan nhất. Họ đã lấy các ví dụ cụ thể về “tấm gương” của Đông Đức, Ba Lan, Hunggary…, để khuyên Đảng, Nhà nước ta hãy từ bỏ con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, mà cái gốc là phải từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh – nền tảng tư tưởng của Đảng ta…

Lời tuyên ngôn mang tính tuyên truyền chủ yếu của họ là ca ngợi không công cho CNTB, thổi phồng giá trị của lối sống phương Tây, che giấu những thói hư tật xấu của CNTB, thế mà cũng có một bộ phận người dân nhẹ dạ, cả tin, đã “ngưỡng mộ” và theo đuôi họ, ra sức tán dương CNTB, đặc biệt ca tụng các quan điểm “mù mờ”, thiếu kiểm chứng ấy. Thật đáng tiếc cho những người “nhìn cây mà không thấy rừng”, “chỉ ngộ nhận vui mừng mà chẳng biết lo”, đã “uống nhầm thuốc lú”…

 2. Một trong những tiêu điểm chống phá chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởn Hồ Chí Minh và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam hiện nay là xuyên tạc, phủ nhận học thuyết hình thái kinh tế – xã hội của Mác – một trong những nội dung cốt lõi trong nền tảng tư tưởng của Đảng ta.

Gần đây, không ít người bất mãn, thiếu thiện chí với CNXH đã cho rằng, “chủ nghĩa Mác – Lênin và CNXH khoa học “chỉ là của quá khứ”, “không còn phù hợp với thời đại ngày nay”. Từ đó, họ cho rằng: Nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến sự tụt hậu của các nước đi theo con đường CNXH, trong đó có Việt Nam là do: “sai lầm của học thuyết hình thái kinh tế – xã hội của Mác gây ra”, rồi họ quả quyết “đây là một trong những sai lầm lớn nhất của Mác”. Chính học thuyết này là “nền gốc”, “điểm xuất phát” dẫn đến sự ra đời của CNXH khoa học”. Từ đó, họ lập luận rằng nếu như nhân loại không bị tiêm nhiễm bởi “nọc độc” của “học thuyết hình thái kinh tế – xã hội của Mác” thì chủ nghĩa Mác – Lênin không bị lên án và phát tác sự độc hại, sai lầm, “kìm hãm sự phát triển của nhân loại”. Hơn thế, “nhân loại không phải chứng kiến sự “cáo chung” của chủ nghĩa Mác – Lênin cùng với thảm cảnh “đổ vỡ của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu”.

Trắng trợn hơn, có người còn vu khống “học thuyết hình thái kinh tế – xã hội của Mác” không có giá trị khoa học. Vì lẽ đó, sai lầm của học thuyết hình thái kinh tế – xã hội của Mác đã dẫn đến sự ra đời trái quy luật của Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 và hệ thống các nước XHCN trên thế giới năm 1945. Theo họ, “sự cố này đã dẫn đến những cuộc chiến tranh, đói nghèo và chết chóc của hàng trăm triệu người trên thế giới”. Hệ quả của nó còn tiếp diễn là cuộc xung đột quân sự Nga – Ucraina bùng phát hơn một năm qua nhưng chưa có hồi kết, v.v..

Tại sao các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại chĩa mũi nhọn vào việc công kích, bài xích, phủ nhận học thuyết hình thái kinh tế – xã hội của Mác nói riêng, chủ nghĩa Mác – Lênin nói chung? Hẳn là họ thấy rõ sự nguy hiểm của học thuyết này đối với sự tồn tại, phát triển của chế độ TBCN và không muốn sức sống mãnh liệt của học thuyết hình thái kinh tế – xã hội của Mác lan tỏa mạnh mẽ trong thế giới đương đại và trong tương lai. Do đó, họ quyết tâm đánh đổ học thuyết này để tạo ra sự lây lan, dễ bề đánh đổ các học thuyết khác, tiến tới thủ tiêu chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh…

3. Sự thật không thể phủ nhận là ảnh hưởng của học thuyết hình thái kinh tế – xã hội của Mác nói riêng, chủ nghĩa Mác – Lênin nói chung trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế thật lớn lao, nó không chỉ công khai tính đảng của giai cấp công nhân là xóa bỏ mọi sự bất công, mà còn vạch ra con đường, biện pháp đấu tranh để thủ tiêu mọi sự dối trá của giai cấp thống trị; kiên quyết đấu tranh xóa bỏ mọi sự áp bức, bóc lột, đập tan mọi xiềng xích của giai cấp thống trị; định hướng, dẫn đường, chỉ lối cho giai cấp vô sản tập hợp lực lượng, tổ chức đấu tranh giải phóng chính mình, xây dựng chế độ xã hội mới tốt đẹp – xã hội XHCN.

Vì lẽ đó, học thuyết hình thái kinh tế – xã hội của Mác trở thành “hòn đá tảng” trong các chính sách kinh tế của chủ nghĩa Mác – Lênin, là nền gốc và là nội dung trọng điểm trong hệ tư tưởng của giai cấp vô sản, có giá trị định hướng nhận thức, chỉ đạo hành động thực tiễn, đóng vai trò thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận khoa học, thống trị nền tảng tinh thần của phong trào công nhân, trở thành hạt nhân lý luận trong nền tảng tư tưởng của các Đảng Cộng sản. Nó xứng đáng là một trong những phát kiến vĩ đại của Mác.

4. Nhận thức, vận dụng sáng tạo và phát triển học thuyết hình thái kinh tế – xã hội của Mác trong quá trình xây dựng CNXH ở nước ta là yêu cầu khách quan, cơ sở khoa học để kiên định mục tiêu, con đường đi lên CNXH mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn. Vì vậy, tiếp tục nghiên cứu, phát triển, làm rõ giá trị và ý nghĩa của học thuyết hình thái kinh tế – xã hội của Mác trong thời điểm hiện nay là vấn đề có tính nguyên tắc trong tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, phát triển lý luận về đường lối đổi mới của Đảng ta. Đây là vấn đề thời sự cấp bách, rất đáng quan tâm trong tổng kết 40 năm đổi mới đất nước và chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng, hướng tầm nhìn đến năm 2045, khi chúng ta chào mừng kỷ niệm 100 năm thành lập Nước.

Bên cạnh việc khẳng định rõ lập trường có tính nguyên tắc của những người mácxít về giá trị và ý nghĩa khoa học, cách mạng của học thuyết này, nhất thiết phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh phản bác các luận điệu vu khống, xuyên tạc, phủ nhận bản chất khoa học, cách mạng của học thuyết hình thái kinh tế – xã hội của Mác, giá trị và ý nghĩa của nó đối với đường lối đổi mới ở Việt Nam, nhất là việc khẳng định mục tiêu, con đường đi lên CNXH ở nước ta, đúng như những điều Đảng ta và đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định.

Sự thật lịch sử khẳng định rằng, cho đến tận ngày này, chỉ có học thuyết hình thái kinh tế – xã hội của Mác là học thuyết duy nhất bàn về mục tiêu, con đường, chiến lược, sách lược, điều kiện, lực lượng và phương thức đấu tranh giải phóng triệt để xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng con người khỏi áp bức bóc lột, bất công, tha hóa, đói nghèo dưới mọi hình thức; chỉ ra những quy luật vận động, phát triển của thế giới khách quan, sự diệt vong tất yếu của CNTB và sự thắng lợi của CNXH, CNCS; đưa giai cấp công nhân và nhân dân lao động từ thân phận nô lệ, lầm than lên địa vị làm chủ đất nước. Đó là điều giải thích rõ ràng nhất tại sao Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta lại lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam. Đó là sự khẳng định duy nhất đúng đắn, đã, đang và tiếp tục chỉ lối, dẫn dường chúng ta tiến hành thành công, hiệu quả công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong bối cảnh lịch sử mới.

Đây cũng là sự bảo đảm chắc chắn nhất để phòng, chống sự chệch hướng XHCN ở nước ta, là điều kiện tiên quyết để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; là tiền đề vững chắc để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiến hành tổng kết 40 năm đổi mới đất nước; chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng, có tầm nhìn và định hướng đúng đắn để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; lập thành tích chào mừng kỷ niệm 100 năm thành lập Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (1945- 2045). Đây cũng là cơ sở lý luận và thực tiễn sinh động, sâu sắc để đấu tranh, phản bác, làm thất bại các quan điểm sai trái, thù địch trong chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta./.

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son