Nhóm nhạc nữ Hàn Quốc nổi tiếng khắp toàn cầu Blackpink đến Việt Nam biểu diễn trong chương trình ca nhạc “Sinh ra màu hồng” (Born Pink), tạo nên cơn sốt với giới trẻ nước ta là điều hết sức bình thường trong thời buổi giao lưu văn hóa thế giới và toàn cầu hóa.
Điều đáng nói là việc nhà tổ chức sự kiện này đã gài “bẫy” truyền thông để làm nóng sự kiện một cách quá đà. Họ chưa xin giấy phép biểu diễn trước khi quảng cáo chương trình; dùng bản đồ có “đường 9 đoạn”; đưa ra giá vé đắt vượt quá khả năng chi tiêu bình thường của khán giả thanh thiếu niên, giá vé chênh lệch nhau, tạo tâm lý “đẳng cấp” gây chia rẽ người hâm mộ; số bài hát quá ít và chương trình bị cắt xén nhiều so với buổi biểu diễn ở các nước khác trong khu vực…
Đối với các cơ quan báo chí, khi truyền thông sự kiện phải thật sự trách nhiệm, tỉnh táo. Ảnh minh họa: VGP |
Chừng đó tai tiếng đổi lại bằng việc thành công về mặt thương mại. Xì-căng-đan dường như không ảnh hưởng xấu về mặt doanh thu. Vậy thì dại gì mà nhà tổ chức không dùng chiêu trò tạo “phốt” để được quảng bá miễn phí, được nổi tiếng để “bán hàng”.
Một lần nữa, chúng ta thấy sức mạnh của hiệu ứng truyền thông quảng bá bằng tai tiếng và dư luận xấu. Đề cập đến vấn đề này, ông bầu ngành showbiz giải trí P.T.Barnum người Mỹ từng nói “dư luận xấu là tốt”; hay nhà văn Ireland Oscar Wilde nhận xét rằng (trong nghệ thuật) “có một điều tệ hơn việc bị đàm tiếu đó là chẳng có ai đàm tiếu”.
Tuy nhiên, thành công của một buổi diễn, hay nhìn rộng ra, thành công của nghệ thuật chân chính, không chỉ đo bằng tiền. Đã có nhiều ví dụ về việc các ngôi sao lớn trong ngành công nghiệp giải trí biết tận dụng sức mạnh của việc thu hút đám đông để hướng sự chú ý vào giải quyết những vấn đề xã hội, như: Xóa bỏ bất bình đẳng kinh tế, vấn đề giới, vấn đề bạo hành, bắt nạt học đường, vấn đề môi trường, phát triển bền vững, quảng bá văn hóa, du lịch, xóa đói, giảm nghèo, trợ giúp những nhóm người yếu thế trong xã hội…
Vì vậy, người hâm mộ Việt Nam mong chờ sự thể hiện xuất sắc của ban nhạc Blackpink không chỉ trên sân khấu Mỹ Đình mà còn trong nhiều việc làm tích cực, ý nghĩa khác để họ xứng đáng là hình mẫu của “làn sóng Hàn Quốc”, của “kỳ tích sông Hàn” trong thời đại số, góp phần củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Qua sự việc này, chúng ta thấy nhiều trang mạng xã hội và đáng tiếc có cả một số cơ quan báo chí đã vô tình hoặc cố ý tiếp tay cho tin xấu lan nhanh, lan xa, nhất là khi tin xấu có thể do phía quản lý nghệ sĩ chủ động tạo ra để quảng bá danh tiếng, bất chấp hệ lụy. Kỹ thuật gây dựng danh tiếng bằng thông tin xấu là đặc trưng trong truyền thông của không ít nghệ sĩ, giúp nhiều người biết đến họ, nhưng thực ra không mang lại lợi ích tốt đẹp cho công chúng và không lan tỏa những giá trị tích cực cho xã hội.
Đây là một dạng “bẫy”, hay nói cách cụ thể là một loại “mồi nhử”. Trách nhiệm của cơ quan quản lý là phải tránh bị gài bẫy, tránh để người tổ chức giăng mồi. Những người tổ chức sự kiện cần hướng đến tạo dựng thành công, lợi ích phải bằng sự chân chính.
Đối với các cơ quan báo chí, khi truyền thông sự kiện phải thật sự trách nhiệm, tỉnh táo. Thay vào việc nói theo thông tin do nhà tổ chức cung cấp, cần có cách nhìn khách quan, định hướng dư luận. Trong những sự kiện cụ thể như câu chuyện ở trên thì nhân cơ hội các nghệ sĩ lớn của thế giới đến Việt Nam, các cơ quan báo chí, truyền thông cần chắt lọc tiếp thu giá trị nhân văn, tinh hoa của bạn, đồng thời tìm cách để quảng bá hình ảnh đất nước, lan tỏa văn hóa hữu nghị, hòa bình của Việt Nam ra thế giới mới thực sự là điều đúng đắn.
Tiến sĩ MẠCH LÊ THU, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
ConversionConversion EmoticonEmoticon