Từ ngày 1/7, mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng lên, mức đóng BHYT tăng theo nhưng quyền lợi của người tham gia BHYT cũng được điều chỉnh tăng lên.
Khi áp dụng mức lương cơ sở mới là 1.800.000 đồng/tháng thì mức đóng BHYT của 3 nhóm tham gia BHYT sẽ tăng theo. Nhóm thứ nhất là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động được tăng lương theo lương cơ sở. Nhóm thứ 2 là người tham gia BHYT hộ gia đình. Nhóm thứ 3 là học sinh - sinh viên.
Tuy nhiên, song song với việc tăng mức đóng BHYT, nhiều quyền lợi của người tham gia BHYT cũng tăng theo. Việc điều chỉnh quyền lợi của người tham gia BHYT được Bộ Y tế hướng dẫn chi tiết tại văn bản số 4082/BYT-BH ban hành ngày 30/6, trả lời Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc áp dụng mức lương cơ sở mới trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Thứ nhất, về chi phí được BHYT thanh toán 100% cho một lần khám chữa bệnh được tăng lên đến 270.000 đồng.
Theo điểm d khoản 1 Điều 14 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, người tham gia BHYT được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở.
Trước 1/7, 15% mức lương cơ sở là 223.500. Từ 1/7 trở đi, 15% mức lương cơ sở là 270.000 đồng.
Thứ 2, về mức thanh toán trực tiếp cho bệnh nhân tham gia BHYT cũng tăng lên trong nhiều trường hợp.
Theo điểm a khoản 1 Điều 30 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, người bệnh khám, chữa bệnh tại cơ sở tuyến huyện và tương đương không có hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT (trừ trường hợp cấp cứu), trường hợp ngoại trú sẽ được thanh toán trực tiếp tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở tại thời điểm khám bệnh, chữa bệnh.
Kể từ ngày 1/7, mức thanh toán này tăng từ 223.500 đồng lên 270.000 đồng.
Theo điểm b khoản 1 Điều 30 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, người bệnh khám chữa bệnh tại cơ sở tuyến huyện và tương đương không có hợp đồng khám chữa bệnh BHYT (trừ trường hợp cấp cứu), trường hợp nội trú sẽ được thanh toán trực tiếp tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện.
Từ ngày 1/7, mức thanh toán này tăng từ 745.000 đồng lên 900.000 đồng.
Theo khoản 2 Điều 30 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, nếu khám chữa bệnh nội trú tại cơ sở tuyến tỉnh và tương đương không có hợp đồng khám chữa bệnh BHYT (trừ trường hợp cấp cứu), người bệnh được thanh toán trực tiếp tối đa không quá 1 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện.
Từ ngày 1/7, mức thanh toán này tăng từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng.
Theo khoản 3 Điều 30 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, nếu khám chữa bệnh nội trú tại cơ sở tuyến trung ương và tương đương không có hợp đồng khám chữa bệnh BHYT (trừ trường hợp cấp cứu), người bệnh được thanh toán trực tiếp tối đa không quá 2,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện.
Từ ngày 1/7, mức thanh toán này tăng từ 3.725.000 đồng lên 4.500.000 đồng.
Thứ 3, mức thanh toán tổng chi phí vật tư y tế cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật cũng tăng lên tương ứng theo lương cơ sở.
Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3 Thông tư số 04/2017/TT-BYT ngày 14/4/2017 của Bộ Y tế, mức thanh toán tổng chi phí vật tư y tế cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật không vượt quá 45 tháng lương cơ sở.
Trước 1/7, 45 tháng lương cơ sở là 67.050.000 đồng. Từ 1/7 trở đi, 45 tháng lương cơ sở là 81 triệu đồng.
Bộ Y tế hướng dẫn, trường hợp người bệnh vào viện từ ngày 1/7 thì mức thanh toán này không vượt quá 81 triệu đồng.
Trường hợp người bệnh vào viện hoặc bắt đầu đợt điều trị trước ngày 1/7 nhưng ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị từ ngày 1/7 thì mức thanh toán này được xác định theo thời điểm kết thúc dịch vụ kỹ thuật.
Cụ thể, thời điểm kết thúc dịch vụ kỹ thuật trước ngày 1/7 thì áp dụng mức thanh toán không vượt quá 67.050.000 đồng. Thời điểm kết thúc dịch vụ kỹ thuật từ ngày 1/7 thì áp dụng mức thanh toán không vượt quá 81 triệu đồng.
ConversionConversion EmoticonEmoticon