Toàn tỉnh Phú Yên hiện có gần 120 Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Họ là những tấm gương sáng, luôn đi đầu trong các phong trào thi đua, tích cực phát triển sản xuất, giữ gìn văn hóa truyền thống vùng DTTS. Họ là những người nói dân hiểu, làm dân tin…
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Phú Yên từng bước được cải thiện, văn hóa truyền thống của các dân tộc được giữ gìn và phát huy. Đến nay, về cơ bản, bà con đã xóa được đói, giảm được nghèo; có nhà ở kiên cố, có đất sản xuất, có nước sinh hoạt, điện, đường, trường, trạm bảo đảm…
Những kết quả này có được một phần nhờ đóng góp không nhỏ của Người có uy tín trong đồng bào các DTTS. Với uy tín của mình, lực lượng này đã tuyên truyền, thuyết phục và động viên người dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Ông La O Lanh (Ma Dĩnh) – Người có uy tín thôn Đá Bàn, xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa cho hay: Với vai trò, trách nhiệm được giao, tôi đã phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể thường xuyên gặp gỡ cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương để trao đổi nội dung, biện pháp tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến từng hộ gia đình, từng cụm dân cư . Tôi cũng quan tâm lắng nghe nguyện vọng của bà con để phản ánh, kiến nghị, tạo sự liên kết giữa đồng bào DTTS với Đảng và chính quyền.
Còn ông Ma Minh – Người có uy tín thôn Phú Giang, xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân chia sẻ: Khi có vụ việc liên quan đến đồng bào DTTS trên địa bàn, tôi luôn chủ động tham gia cùng các ban, ngành giải quyết kịp thời, thỏa đáng. Nhờ đó, nhiều vụ tranh chấp đất đai, mâu thuẫn trong các gia đình đã được hòa giải thành công; người dân trong thôn thêm đoàn kết, gắn bó.
Còn già làng La Chí Thái là người dành nhiều tâm huyết, trí lực vận động đồng bào DTTS ở xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân xóa bỏ tập tục, đẩy lùi mê tín dị đoan, vận động người dân đưa con em đến trường học, không tảo hôn, kết hôn cận huyết, thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, sinh hoạt thường nhật, chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi… Ông cũng là người có công rất lớn trong xây dựng thôn Xí Thoại trở thành thôn văn hóa đầu tiên của 3 huyện miền núi ở Phú Yên từ năm 1997.
Già làng La Chí Thái cho hay: “Tôi đã từng đi từng ngõ, gõ từng nhà vận động người dân bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc mình. Đặc biệt là gìn giữ nghệ thuật trình diễn “Trống đôi, cồng ba, chiêng năm” của đồng bào Ba Na, Chăm Hroi. Mừng nhất là Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đã công nhận nghệ thuật này là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.
Nói đồng bào hiểu, làm đồng bào tin nên thông qua Người có uy tín, cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp hiểu rõ hơn về truyền thống, đời sống vật chất, tinh thần của bà con. Từ đó, giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bà con, nâng cao nhận thức trách nhiệm của mỗi công dân đối với cộng đồng, xã hội.
Ghi nhận đóng góp của Người có uy tín, tỉnh Phú Yên cũng đã thực hiện đầy đủ các chính sách như thăm hỏi động viên vào dịp lễ Tết, khi ốm đau, cấp phát các ấn phẩm báo chí cho Người có uy tín…
Ông Nguyễn Quốc Hoàn – Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên chia sẻ: Trong những năm qua, đội ngũ Người có uy tín, tiêu biểu trong đồng bào DTTS đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, thực sự là lực lượng nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước và vận động đồng bào các dân tộc, các tôn giáo chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hy vọng trong thời gian tới, lực lượng này tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, chuyển tải các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, phát triển miền núi… đến với người dân; động viên đồng bào các DTTS tự lực vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Nguồn: baodantoc.vn
ConversionConversion EmoticonEmoticon