Thứ nhất, trong những năm chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc và khoảng 10 năm sau chiến tranh, thời kỳ tập trung quan liêu bao cấp (1975-1986), xuất bản Việt Nam hoàn toàn do Nhà nước bao cấp, hoạt động xuất bản lấy nhiệm vụ phục vụ chính trị, phục vụ cho cuộc đấu tranh giải phóng và xây dựng đất nước là mục tiêu cao nhất và duy nhất. Những xuất bản phẩm trong thời kỳ này đã trực tiếp góp phần cho thắng lợi của cuộc kháng chiến và vì được bao cấp toàn diện nên nó không có ý nghĩa như là “hàng hóa”, dù là đặc biệt.
Trưng bày một số cuốn sách tiêu biểu Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Những năm đầu của công cuộc đổi mới, khi kinh tế thị trường bắt đầu được vận hành ở nước ta, đã xuất hiện một khuynh hướng tư tưởng coi xuất bản chỉ là một ngành kinh tế sản xuất hàng hóa, coi nhẹ chức năng tư tưởng văn hóa của xuất bản. Trong khi đó, do nhiều khó khăn về kinh tế và lúng túng trong quản lý xuất bản, ngành xuất bản bị “thả nổi”, “tự bơi” trong cơ chế thị trường. Những năm 1987 đến 1991, xuất bản nước ta rơi vào khủng hoảng.
Hầu hết các nhà xuất bản đều gặp khó khăn chồng chất, tưởng chừng không thể đứng được trước “cơn bão” kinh tế thị trường. Những loại sách rẻ tiền xuất hiện tràn lan. Đầu năm 1992, trong Chỉ thị 08 (ngày 31/3/1992), Ban Bí thư đã nghiêm khắc chỉ ra những “khuyết điểm nghiêm trọng và kéo dài” như “Xuất bản sách vẫn còn lộn xộn…
Một số ít sách có nội dung độc hại đã và đang được lưu hành… sách giải trí có chất lượng thấp hoặc kích thích những thị hiếu không lành mạnh… thường xuyên khai thác những chuyện tình dục… đăng quá nhiều vụ án, miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, bạo lực…”.
Những năm đầu thời kỳ kinh tế thị trường, dấu hiệu chệch hướng, lúng túng của xuất bản đã thể hiện rõ rệt. Nhận thấy nguy cơ đó, Đảng đã từng bước nghiên cứu, đánh giá thực tiễn và đúc kết lý luận để ngăn chặn sự chệch hướng và xác định hướng mới.
Mất khoảng 10 năm, định hướng mới đó đã được xác định trong Chỉ thị số 42-CT/TW (ngày 25/8/2004) của Ban Bí thư “Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”, trong đó khẳng định hai nội dung có quan hệ chặt chẽ không tách rời nhau: Nhận rõ sự nghiệp xuất bản là một lĩnh vực hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Và hoạt động xuất bản “đồng thời phải thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh, xây dựng ngành xuất bản thành một ngành kinh tế – công nghệ phát triển toàn diện, vững chắc.
Gần 4 tháng sau, ngày 3/12/2004, Luật Xuất bản được Quốc hội thông qua cũng đã khẳng định quan hệ trên trong Điều 3 và Điều 6 của Luật.
Những năm đầu thời kỳ kinh tế thị trường, dấu hiệu chệch hướng, lúng túng của xuất bản đã thể hiện rõ rệt. Nhận thấy nguy cơ đó, Đảng đã từng bước nghiên cứu, đánh giá thực tiễn và đúc kết lý luận để ngăn chặn sự chệch hướng và xác định hướng mới.
Luận điểm nêu trên là một bước tiến lớn qua tổng kết thực tiễn và đúc kết lý luận của Đảng, Nhà nước ta về lĩnh vực xuất bản. Luận điểm đó đã có tác dụng chỉ đạo sâu sắc và tác động tích cực trong suốt 19 năm qua của hoạt động xuất bản. Nó đã vượt qua quan điểm thời kỳ quan liêu bao cấp, đồng thời chỉ ra quan hệ biện chứng của xuất bản và kiên quyết phủ định khuynh hướng coi xuất bản đơn thuần là lĩnh vực kinh tế kỹ thuật, sản xuất hàng hóa. Việc xử lý đúng, nhuần nhuyễn, sáng tạo quan hệ trên sẽ tạo nên một bước phát triển về chất lượng của hoạt động xuất bản.
Gần 20 năm qua, toàn ngành xuất bản Việt Nam đều đang nỗ lực tìm tòi, sáng tạo để thực hiện định hướng và quan hệ lớn trên. Những kết quả đã hiện rõ và rất đáng mừng, đồng thời những hạn chế và thách thức mới cũng đã xuất hiện, đối với toàn ngành và đối với từng nhà xuất bản.
Trong khoảng 20 năm qua, quy mô, mô hình tổ chức các nhà xuất bản hầu như không thay đổi, chỉ có sự cải tiến, sắp xếp, thêm bớt… các nhà xuất bản, quy định hai loại hình nhà xuất bản, rà soát, bổ sung, mở rộng tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ của các nhà xuất bản để các nhà xuất bản “rộng đường” hoạt động, song từ đó, sự chồng chéo, tính chuyên nghiệp và “thương hiệu” của một số nhà xuất bản lớn bị nhạt nhòa dần. Vai trò, chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan chủ quản được xác định ngày càng lớn và nặng, song trong thực tế, còn nhiều bất cập chưa giải quyết được cả về nhận thức, đội ngũ chỉ đạo, quản lý và tiềm lực, thực lực; còn nhiều nhà xuất bản chưa đủ điều kiện và năng lực triển khai xuất bản điện tử, về cơ bản, vẫn thực hiện quy trình xuất bản truyền thống.
Kết quả “liên kết xuất bản” góp phần trực tiếp tạo ra nhiều xuất bản phẩm, song việc “nhờ cậy” vào các đơn vị liên kết ngày một tăng, nhiều nhà xuất bản chưa có năng lực nắm bắt, mở rộng, “chiếm lĩnh” thị trường. Những mô hình mới gợi mở cho sự phát triển của xuất bản hiện đại nêu ra trong Chỉ thị 42-CT/TW “Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” từ năm 2004 hầu như chưa được thử nghiệm, triển khai.
Trước những kết quả đã đạt được, những hạn chế, thách thức đã và đang xuất hiện và chuẩn bị cho sự phát triển vững chắc của sự nghiệp xuất bản nước nhà, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng (1/2021) đã xác định định hướng phát triển của xuất bản bằng một mệnh đề ngắn gọn “Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa” (Văn kiện Đại hội XIII tập 1, trang 146).
Thứ hai, qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, chúng ta chưa bàn đến định hướng này, song có lẽ, đã đến lúc phải tập trung tư duy, kinh nghiệm của toàn ngành để nghiên cứu nội hàm của ba yêu cầu “tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa” để từng bước kiên quyết, khoa học và sáng tạo triển khai trong thực tiễn những năm sắp tới, nỗ lực tạo nên diện mạo mới, chất lượng mới của xuất bản hiện đại Việt Nam. Giậm chân tại chỗ, trong sự vận động và phát triển nhanh, mạnh của xuất bản thế giới, xuất bản quanh ta, là đồng nghĩa với sự tụt hậu.
Có lẽ, cần phải thảo luận kỹ để làm rõ nội hàm của ba yêu cầu nêu trên. Đó là công việc của tất cả những người làm xuất bản. Song, trong sự hiểu biết có hạn, tôi xin đề xuất vắn tắt một số suy nghĩ. Thực hiện tốt ba yêu cầu nêu trên, có lẽ, sẽ tạo ra một diện mạo mới của sự nghiệp xuất bản.
Phải chăng, cần nghiên cứu lại toàn bộ hệ thống các nhà xuất bản hiện nay để tạo ra một hệ thống mới, thống nhất trong đa dạng theo chiều dọc, tạo ra được các tập đoàn xuất bản, các tổ hợp xuất bản- báo chí (đã xác định trong Chỉ thị 42), xây dựng lại và phát triển vững chắc các thương hiệu của nhà xuất bản theo hướng tổng hợp và chuyên sâu, chuyên ngành. Có lẽ vì thế nội hàm “tinh gọn” không phải ở việc thêm, bớt, cho ra đời hay “xóa sổ” một vài nhà xuất bản. Công việc thật khó, quá nhiều việc phải tư duy, phải tổng kết thực tiễn để chuẩn bị cho sự phát triển trong tương lai của xuất bản. Song, tương lai bao giờ cũng xuất phát từ hiện tại.
Khi nghĩ đến yêu cầu “chất lượng” của xuất bản thực chất là đề cập một cách toàn diện các khâu của quy trình xuất bản. Song, có lẽ, điểm đích quan trọng nhất là sản phẩm, là xuất bản sản phẩm. Để “đồng hành” với sự vận động và phát triển của xã hội hiện đại và nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiếp nhận, xuất bản phải hiện diện, “chiếm lĩnh” tất cả các lĩnh vực của đời sống.
Thời gian qua, chúng ta đang nỗ lực làm điều đó. Song, để nâng cao chất lượng cần nhiều hơn nữa những sản phẩm hàm chứa những thành tựu mới, những phát hiện mới trên các lĩnh vực trọng yếu của sự phát triển. Chúng ta mong những sản phẩm chất lượng cao là ở yêu cầu này, khác hẳn với việc xuất bản những cuốn sách dày nghìn trang mà nhạt nhòa về nội dung và đơn điệu về phương thức biểu hiện. Chúng ta cần rất nhiều sách phổ cập đáp ứng nâng cao mặt bằng dân trí và nhu cầu xây dựng xã hội học tập. Phổ cập nhưng với những tri thức căn cốt, cơ bản.
“Hiện đại hóa” là nhu cầu bức thiết của xuất bản hiện nay. Hiện đại hóa không chỉ dừng lại ở công nghệ, kỹ thuật. Nền tảng của nó không chỉ ở đó, mà đối với xuất bản hiện nay là cả một quy trình khép kín, hiện đại hóa con người, hiện đại hóa quy trình xuất bản từ việc xây dựng nền tảng công nghệ, tạo ra sự phát triển đồng thời cả xuất bản truyền thống được hiện đại hóa và xuất bản điện tử ở thế phát triển vững chắc, hiệu quả cả về mặt văn hóa và kinh tế.
Vài đề xuất, suy nghĩ trên đây chỉ là một phần rất nhỏ của quá trình “phát triển theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa”.
Thứ ba, Hội Xuất bản Việt Nam luôn luôn là một thành tố hữu cơ, gắn bó mật thiết với toàn bộ sự nghiệp xuất bản. Rộng hơn, tôi nghĩ rằng, Hội Xuất bản chính là một thành viên giữ vai trò vừa đặc thù vừa rất quan trọng trong lĩnh vực tư tưởng-văn hóa của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
“Dư địa” hoạt động của Hội còn rất nhiều, đòi hỏi Hội phải hiện diện, có tiếng nói của mình. Có lẽ, Hội không chỉ gồm các hội viên tập thể là đại diện các nhà xuất bản, mà cần bao hàm các hội viên cá nhân, lãnh đạo, tham mưu, quản lý cán bộ và các biên tập viên (có thể cả những tác giả tiêu biểu, gắn bó và có những sản phẩm đáng quý cho xuất bản). Nghĩa là, theo suy nghĩ của mình, tôi cho rằng, đó là hội chính trị-xã hội và nghề nghiệp, hội của nghề nghiệp đặc thù, của trí tuệ và nhân cách, của sự gắn bó và tâm huyết vì sự nghiệp xuất bản.
Như vậy, tất cả những công việc phát triển xuất bản cần “theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa”, theo cách của mình. Hội có năng lực, có trách nhiệm tham gia, đóng góp trực tiếp. Cũng có nghĩa là, các nhiệm vụ xét tặng giải thưởng, tham gia bồi dưỡng đội ngũ cán bộ xuất bản, tuyên truyền, quảng bá sách, hợp tác quốc tế, bảo vệ và chăm sóc quyền lợi hội viên, tham gia xây dựng, phản biện, các chủ trương, chính sách, phát triển xuất bản tạo nên sự hợp tác hiệu quả, đồng bộ với cơ quan chỉ đạo, quản lý, tham mưu đều thuộc chức năng, nhiệm vụ của Hội chúng ta.
(Nguồn NDO)
ConversionConversion EmoticonEmoticon