"Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm công tác đền ơn, đáp nghĩa, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Hội nghị Biểu dương người có công với cách mạng.
Sáng 22/7, tại Thừa Thiên Huế, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023.
Cùng dự có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và 300 đại biểu người có công với cách mạng đến từ khắp mọi miền đất nước.
Những đại biểu người có công với cách mạng trong hội nghị là cán bộ lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, người vợ, người con trung hậu đảm đang, cựu thanh niên xung phong…
Trong số các đại biểu tham dự hội nghị, mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Điểm (Hà Nội) là đại biểu cao tuổi nhất khi tròn 98 tuổi và 13 đại biểu đã trên 90 tuổi.
Ngoài ra, còn có 25 đại biểu là người dân tộc thiểu số Hà Nhì, Hrê, Khmer, Mường, Nùng, Paco, Tà Riêng, Tày, Thái, Xê Đăng.
Tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, 76 năm qua, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, Đảng, Nhà nước, nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và thân nhân.
Hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công đang từng bước hoàn thiện, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Đối tượng người có công ngày mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao, gắn liền với sự đảm bảo công bằng, đồng thuận của xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ, chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã độc lập, thống nhất nhưng vẫn còn đó biết bao nỗi đau thương. Những giọt nước mắt vẫn còn lăn trên má của người mẹ vì "ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ".
Những vết thương chiến tranh vẫn hằng ngày đau nhức, nhất là lúc trái nắng, trở trời, di chứng do chất độc da cam dày vò biết bao số phận. Những ánh mắt mòn mỏi ngóng trông, khắc khoải đợi chờ của những gia đình chưa có thông tin, chưa được biết phần mộ của con, của em, của vợ, chồng… ở đâu.
Thấu hiểu, sẻ chia với những nỗi đau đó, trong suốt 76 năm qua, Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm công tác đền ơn, đáp nghĩa và ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, luôn coi đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên.
Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều trăn trở khi đời sống của một bộ phận thương bệnh binh, gia đình người có công với cách mạng còn khó khăn, nhiều liệt sỹ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính...
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện thật tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.
"Với trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để xoa dịu nỗi đau, làm vơi đi nỗi nhớ, để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng được nâng lên, đầy đủ, tốt đẹp hơn", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
ConversionConversion EmoticonEmoticon