Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Ðảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” đã trả lời thỏa đáng các câu hỏi lớn.
Ðó là, bản chất, biểu hiện của tham nhũng, tiêu cực. Vì sao phải kiên định, kiên quyết, kiên trì phòng, chống tham nhũng, tiêu cực? Muốn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì phải làm gì và làm như thế nào? Chúng ta đã làm được gì và sắp tới phải làm như thế nào? Tác giả đã lý giải một cách khoa học, nêu những vấn đề căn bản của cuộc đấu tranh cam go này, làm cho độc giả, dù người đó là ai, làm gì, ở vị trí khác nhau đều rút ra cho mình những nhận thức mới, những kiến thức mới, thậm chí còn làm thay đổi cả nhận thức, quan điểm mà nếu trước đây mình nhận thức chưa đúng.
Nghiền ngẫm nhiều bài viết trong cuốn sách, cả những bài Tổng Bí thư viết từ năm 1973 và một vài năm sau đó, tôi càng thấy rõ những trăn trở của tác giả với những suy nghĩ và hành động hiện nay của đồng chí, của Ðảng ta là nhất quán.
Rõ là những tư tưởng, quan điểm, phương châm chỉ đạo, nguyên tắc hành động, giải pháp cơ bản để phòng chống “giặc nội xâm” do người đứng đầu Ðảng ta khởi xướng, chỉ đạo đã phát huy hiệu quả, được khẳng định qua thực tiễn và được đúc kết, rút thành những bài học kinh nghiệm quý cả về giá trị lý luận và thực tiễn. Trong đó, nhiều nội dung đã được cụ thể hóa, thể chế hóa thành các quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước.
Ðể cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của nước ta ngày càng đạt hiệu quả, trước hết phải đề cao những giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn. Từng tổ chức đảng của cơ quan, đơn vị, địa phương cần chú trọng việc đưa những nội dung quan trọng, cốt lõi của cuốn sách vào trong sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chuyên đề; vận dụng đúng đắn, phù hợp những bài học kinh nghiệm trong cuốn sách, biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế để công tác vô cùng quan trọng và cấp thiết nói trên đạt hiệu quả, phù hợp yêu cầu nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Quy định số 96-QÐ/TW ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị đã đề cập tiêu chí đánh giá tín nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý là kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của địa phương, đơn vị. Ðây là điểm mới quan trọng khẳng định quyết tâm của Trung ương trong việc đề cao trách nhiệm và sự nêu gương của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực tại cơ quan, đơn vị, địa phương do mình quản lý.
Khi thực thi trách nhiệm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chú trọng công tác tự giám sát, tự kiểm tra nội bộ, nhất là ở các lĩnh vực nhạy cảm, được dư luận quan tâm, như đất đai, tài nguyên môi trường, tài chính ngân sách, đầu tư xây dựng, công tác cán bộ… để chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực và các hành vi bao che, dung túng, cản trở việc chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương.
Cần phải xác định công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, cấp bách trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị. Có ý thức tăng cường bám nắm cơ sở, địa bàn, lắng nghe dư luận để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Trung ương cũng cần có thêm giải pháp tăng cường kiểm tra, giám sát công tác tổ chức và cán bộ; nhất là kiểm tra, giám sát cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và cán bộ được quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, quản lý; cán bộ, đảng viên có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, có nhiều đơn thư phản ánh, tố cáo biểu hiện tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Thực hiện nghiêm túc chủ trương kịp thời miễn nhiệm, cho từ chức, thay thế cán bộ năng lực hạn chế, uy tín thấp, mắc sai phạm mà không chờ đến hết nhiệm kỳ hay hết thời hạn bổ nhiệm.
Nguyễn Thanh Hải
Thị trấn Sông Thao, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ
Cán bộ, đảng viên cần đặt ra cho mình những “lằn ranh đỏ”
Đọc bài viết “Móc ngoặc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đăng trên Tạp chí Cộng sản số tháng 8/1978, được tuyển chọn, in trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Ðảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, và liên hệ với thực tế cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay, càng thấm thía hơn những luận điểm, luận cứ sâu sắc mà Tổng Bí thư nêu ra từ 45 năm trước.
Mở đầu bài viết, tác giả giải nghĩa rất rõ thế nào là “móc ngoặc”, và khẳng định, cùng với các từ “tham ô”, “cửa quyền”, “quan liêu”, “phe phẩy”, “đặc quyền đặc lợi”, “thoái hóa biến chất”…, từ “móc ngoặc” được nhân dân nhắc tới với thái độ chê trách, khinh bỉ.
Móc ngoặc nhiều khi không chỉ là quan hệ giữa hai bên, hai người, nó còn là sự ăn cánh của cả một nhóm người. Phân tích từ thực tế đã xảy ra, tác giả cho rằng, thủ đoạn thường thấy của những người móc ngoặc là bắt đầu “lót tay”, biếu xén, “thả con săn sắt” để chuẩn bị “bắt con cá rô”… Những người móc ngoặc không bao giờ thừa nhận hành vi phi pháp của mình. Họ núp dưới những danh nghĩa rất hay ho, hoa mỹ. Nào là do chỗ thân tình, quen biết, chúng tôi quý nhau thì “cho nhau”, “biếu nhau”; nào là chúng tôi “kết nghĩa”, “hợp tác” với nhau thì “giúp đỡ lẫn nhau”.
Từ 45 năm trước, Tổng Bí thư đã nêu lên thực tế day dứt là, “hiện tượng móc ngoặc hiện nay không phải là cá biệt hay lẻ tẻ. Nó đã xảy ra ở nhiều nơi, nhiều ngành, cả trong một số cán bộ phụ trách. Nhưng một số người lãnh đạo vẫn bàng quan, vô trách nhiệm hoặc bị một số người cấp dưới nịnh hót, mua chuộc, đã buông lỏng, làm ngơ, thậm chí bao che cho những hành vi móc ngoặc”.
Bài viết vừa có tính tổng kết thực tiễn, vừa mang tính dự báo rất cao khi liên hệ với thực tế công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay, nhất là qua vụ trọng án “chuyến bay giải cứu” vừa được Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử mới đây. Có thể nói đây là vụ án điển hình về hiện tượng móc ngoặc, là “cái bắt tay ngầm” giữa doanh nghiệp và người có chức vụ, quyền hạn, và giữa những người có chức vụ, quyền hạn ở nhiều bộ, ngành với nhau, với thủ đoạn “cực kỳ tinh vi”, và trục lợi số tiền đặc biệt lớn.
Ðiều đáng lên án hơn là hành vi móc ngoặc diễn ra khi toàn Ðảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị đang căng mình chống dịch, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Những cán bộ, đảng viên đó đã suy thoái đến cùng cực khi lợi dụng chính sách nhân đạo của Ðảng, Nhà nước, trục lợi trên mất mát, đau thương của người dân. Một số bị cáo đã bất chấp, biến nhu cầu về sự an toàn của người dân thành cơ hội kiếm tiền cho bản thân; hành vi của các bị cáo đã phản bội sự cố gắng của chính đồng đội, đồng chí, đồng nghiệp của mình, như lời kiểm sát viên đã luận tội trước tòa.
Ðúng như Tổng Bí thư đã chỉ ra từ gần nửa thế kỷ trước, “những người móc ngoặc không bao giờ thừa nhận hành vi phi pháp của mình”, khi đứng trước tòa, không ít bị cáo từng là cán bộ chủ chốt trong nhiều cơ quan, đơn vị đã cố tình đánh tráo khái niệm cho rằng, hành vi nhận tiền của doanh nghiệp, với số lượng hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng chỉ là “nhận cảm ơn”; hoặc biện minh đó là do không nhận thức được hành vi phạm tội…
Với số lượng 54 bị cáo, nhiều người trong số đó từng là cán bộ có vị trí cao trong cơ quan công quyền, người đứng đầu doanh nghiệp. 4/5 tội danh bị truy tố thuộc nhóm tội phạm về chức vụ: nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vụ án “Chuyến bay giải cứu” đã phơi bày mức độ tha hóa nghiêm trọng của một bộ phận vốn được coi là “công bộc của dân”.
Ðiều đáng suy ngẫm là từ vụ việc này, đặt ra những vấn đề cấp bách cần bổ sung trong thực tiễn quản lý, giám sát và giáo dục đạo đức công vụ cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức những người hưởng lương từ tiền thuế của nhân dân. Trong các quyết định gần đây của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương về thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, đã chỉ ra cái gốc của vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát lớn ngân sách nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Ðảng, Nhà nước, suy giảm niềm tin trong nhân dân, chính là bắt nguồn từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Ðiều này khẳng định, suy thoái là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là căn nguyên của vi phạm kỷ luật Ðảng và pháp luật Nhà nước; chủ yếu bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, quên trách nhiệm, bổn phận trước Ðảng, trước dân. Do đó, không thể ngụy biện, suy diễn bi quan đổ lỗi cho cơ chế, mà mỗi cán bộ, đảng viên cần tự trui rèn, tự đặt ra cho bản thân những “lằn ranh đỏ”.
Trở lại bài viết của Tổng Bí thư, để ngăn chặn tình trạng suy thoái, tiêu cực trong nội bộ, chỉ cần mọi cấp, mọi ngành, mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là những người lãnh đạo, thật sự bắt tay vào thực hiện, thực hiện nghiêm chỉnh, kiên quyết, triệt để; thực hiện không hề có chữ “nhưng” nào đi kèm, thì chúng ta sẽ chặn đứng được hiện tượng móc ngoặc, sẽ quét sạch được những con “sâu mọt” muốn đục khoét tài sản của Nhà nước, những “con sâu bỏ rầu nồi canh” làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của đội ngũ chúng ta.
Nguyễn Huỳnh Huyện
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Ðịnh
ConversionConversion EmoticonEmoticon