Tổng số lượt xem trang

Những kết quả đáng ghi nhận trong công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

 Trong bối cảnh trẻ em có điều kiện tiếp xúc sớm với Internet, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng trở thành một nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước đặc biệt lưu tâm khi không gian mạng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn và phát triển toàn diện của trẻ. Thời gian qua, những kết quả đạt được trong công tác bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng đã và đang cho thấy quyết tâm, nỗ lực luôn dành những điều tốt nhất cho trẻ em của Việt Nam.

Chủ tịch VNISA Nguyễn Thành Hưng và Phó Cục trưởng Cục Trẻ em Nguyễn Thị Nga trao giải Nhất cho các em học sinh có thành tích xuất sắc. (Nguồn: Báo Dân tộc)

Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), có 82 % trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12-13 tuổi sử dụng internet. Trong khi đó, số liệu của Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững cho biết, độ tuổi trẻ em tiếp xúc với môi trường mạng đang giảm xuống ở 6-7 tuổi. Những thống kê này chỉ ra rằng trẻ em ngày càng có nhiều cơ hội được tiếp cận thông tin, học tập, giải trí trên không gian mạng. Từ đó, công nghệ số có thể mang lại nhiều lợi ích cho trẻ nhỏ, đặc biệt là nhóm trẻ khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em sống ở các khu vực vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Theo đánh giá của ông Youssouf Abdel-Jelil, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, Internet có thể “kết nối các em với thế giới của những cơ hội và mang lại cho trẻ những kỹ năng cần thiết để thành công trong một thế giới công nghệ số”.


Tính riêng 8 tháng đầu năm 2023, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 251 cuộc gọi liên quan đến xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Trong đó, có 142 cuộc gọi liên quan đến các hành vi xâm hại trẻ em nghiêm trọng trên không gian mạng: xâm hại tình dục (67 cuộc), bắt nạn trên mạng (20 cuộc), bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm (30 cuộc), đưa thông tin cá nhân (3 cuộc). Số người quan tâm đến cách sử dụng internet an toàn cho trẻ em là 98 cuộc.

Không chỉ vậy, số lượng người dưới 18 tuổi mắc các hội chứng như nghiện Internet, nghiện mạng xã hội, nghiện trò chơi trực tuyến vẫn có diễn biến phức tạp. Những căn bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ, mà còn tác động xấu đến gia đình, người thân và xã hội.

Hiện tượng tội phạm vị thành niên xuất phát từ “nghiện game”, “bắt chước game” tuy không phổ biến nhưng cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh với nhiều bậc phụ huynh khi cho phép con cái sử dụng internet quá mức để vui chơi, giải trí mà không có bất kỳ sự giám sát nào.

Trong bối cảnh đó, việc tạo ra những tấm lá chắn phòng thủ trước tác động xấu của môi trường mạng đối với trẻ em ngày càng trở thành một nhiệm vụ cấp bách. Trên thực tế, Nhà nước Việt Nam đã sớm nhìn nhận ra tầm quan trọng của vấn đề này thông qua việc xây dựng và ban hành một hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Trên cơ sở những bộ luật cụ thể như Luật trẻ em, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Tiếp cận thông tin; Luật Giao dịch điện tử, Luật Báo chí, Luật Viễn thông, Luật Quảng cáo, Luật Công nghệ thông tin, chúng ta đã tiến hành triển khai nhiều nghị quyết, nghị định quan trọng vào đời sống.

Nổi bật nhất là hai Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 và Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Theo đó, điểm nhấn của các chương trình này là đưa ra các mục tiêu đột phá trong hoạt động bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trên không gian mạng, dự báo tình hình tội phạm xâm hại trẻ em có thể xảy ra trong tương lai gần và xây dựng các biện pháp phòng ngừa.

Từ đó, Chính phủ Việt Nam đã triển khai các nhóm giải pháp đồng bộ về giáo dục truyền thông, nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng; triển khai các biện pháp, giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ và hoàn thiện cơ cấu tổ chức bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Trên khía cạnh giáo dục trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng, nhiều cuộc thi tìm hiểu về an toàn thông tin dành cho học sinh đã được tổ chức thành công. Tính đến tháng 8/2023, có 740.250 học sinh của gần 5417 trường trung học cơ sở trên 63 tỉnh,thành phố tham dự cuộc thi “Học sinh với an toàn thông tin” (cao hơn số liệu thống kê năm 2022 khoảng 140.000 học sinh).

Không chỉ vậy, xác định bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là nhiệm vụ của toàn xã hội, Chính phủ Việt Nam cũng tổ chức hàng loạt hội thảo, chương trình tập huấn dành cho nhiều nhóm đối tượng để tìm hiểu thực tiễn cũng như đưa ra các giải pháp, sáng kiến để bảo vệ trẻ em và hỗ trợ nạn nhân là trẻ em.

Nổi bật là chương trình tập huấn dành cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí về “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”, Hội thảo “Thực tiễn và giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng”, Hội nghị “Nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ phục vụ triển khai hoạt động hỗ trợ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”…

Song song với biện pháp giáo dục và tuyên truyền, Chính phủ Việt Nam cũng tiến hành thành lập các kênh, liên minh hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng bên cạnh duy trì và phát triển hệ thống tiếp nhận thông tin Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Đáng chú ý là sự ra đời của Mạng lưới ứng cứu bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (VN-COP) gồm 24 thành viên và gần đây là Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng gồm 11 thành viên thuộc Hiệp hội An toàn thông tin VNISA (được thành lập theo quyết định số 266/QĐ-VNISA ngày 15/8/2023).

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son