Sự kiện Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm Việt Nam đã trôi qua hơn tuần lễ nhưng vẫn thu hút sự quan tâm của giới quan sát toàn cầu. Trả lời phỏng vấn báo chí, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã khẳng định: Đây là nỗ lực chưa từng có tiền lệ của Mỹ. Dù chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng đã đạt những kết quả chưa từng có trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Hai bên đã ra tuyên bố chung nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện và đề ra những phương hướng lớn cho hợp tác trong 10 năm tới và lâu hơn nữa. Đây là văn kiện vô cùng quan trọng với 10 trụ cột, bao trùm tất cả lĩnh vực hợp tác trong quan hệ hai nước. Điều đó cho thấy, hợp tác hai nước không chỉ được mở rộng mà còn đi vào chiều sâu và thực chất hơn; không chỉ hợp tác song phương mà trong các vấn đề khu vực và ở tầm toàn cầu.
Báo chí nước ngoài đã dành thời lượng lớn đưa tin về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden. Hãng tin AFP cho rằng, “chuyến thăm này là một bước tiến đáng chú ý trong việc tăng cường quan hệ ngoại giao giữa hai nước”. Theo France 24, việc các đời Tổng thống Hoa Kỳ đều tới thăm Việt Nam đã phản ánh vai trò của Việt Nam trong mạng lưới đối tác của Hoa Kỳ ở khu vực. Hãng tin Reuters và NBC News đều nhận định Hoa Kỳ đã coi Việt Nam là “đối tác quan trọng trong khu vực”… Nhưng bất chấp tất cả điều đó, các tổ chức phản động vẫn không ngừng thực hiện những hoạt động chống phá Việt Nam thời điểm trước và sau sự kiện quan trọng này.
Ba ngày trước khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm Việt Nam, ngày 7-9, trang Việt Tân đăng “thư chung” của các tổ chức NGO gửi Tổng thống Hoa Kỳ. Với những người đã biết rõ Việt Tân là tổ chức khủng bố, chống cộng khét tiếng và tồn tại hoàn toàn dựa vào nguồn tài trợ của các tổ chức chống cộng, phân biệt chủng tộc tại các nước phương Tây, chẳng cần đọc hết “thư chung” cũng đoán được những nội dung cơ bản của nó. Sau khi nhân danh “những tổ chức ký tên dưới đây”, kẻ viết thư – mà ai cũng biết chính là những kẻ cầm đầu Việt Tân đã “bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tình hình nhân quyền ở Việt Nam”. Và rồi như chiếc băng rè cứ tua đi tua lại một nội dung cũ rích trong nhiều năm, “thư chung” của NGO nêu các nội dung: Việt Nam lợi dụng các điều luật để bỏ tù những người bất đồng chính kiến và hạn chế quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận và quyền thông tin. Điều 117 (tuyên truyền chống Nhà nước) và Điều 331 (lạm dụng các quyền tự do dân chủ) của Bộ luật Hình sự Việt Nam được sử dụng để bắt giữ những người dám công khai chỉ trích các hành động chính trị của chế độ.
“Thư chung” cũng nhắc tên các “nhà hoạt động xã hội dân sự”, thực chất là những kẻ sống bằng “nghề” chống phá đất nước như Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi, Hoàng Thị Minh Hồng… nhưng lại được khoác chiếc áo mỹ miều là “những người hoạt động bảo vệ môi trường”. Rồi những kẻ ăn vạ như Lê Anh Hùng, Trịnh Bá Phương… lại được gắn mác “tù nhân lương tâm”. “Thư chung” cũng nhắc tới Đường Văn Thái – kẻ đã bị Công an Hà Tĩnh bắt giữ do xâm nhập trái phép vào Việt Nam qua đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới tỉnh này hồi tháng Tư năm ngoái. Đường Văn Thái là kẻ có tư tưởng bất mãn, đã tham gia các hội, nhóm chống phá như Hội nhà báo độc lập, Hội anh em dân chủ… Thái đã lập nhiều tài khoản mạng xã hội để phát tán những bài viết, hình ảnh chứa đựng thông tin không đúng sự thật để bóp méo, thổi phồng, bôi đen tình hình đất nước và kích động người dân tham gia các hoạt động gây rối. Vậy mà “thư chung” gọi đây là “vụ bắt cóc người đối lập ngoài lãnh thổ Việt Nam”…
Từ các thông tin xuyên tạc, bịa đặt và bóp méo sự thật ấy, những kẻ chống phá đã nhân danh NGO “kiến nghị” những điều mà nếu Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đọc được, hẳn sẽ không nhịn được cười. Đó là, ông “phải” gây áp lực với Chính phủ Việt Nam để “yêu cầu Việt Nam chấm dứt hành vi đàn áp chính trị đối với những cá nhân thực hiện quyền tự do ngôn luận; sửa đổi các Điều 117 và 331 của Bộ luật Hình sự và Luật An ninh mạng của Việt Nam. Tổng thống Hoa Kỳ cũng “phải buộc Việt Nam trả tự do cho 41 nhà báo bị giam giữ”. Ông còn “phải gặp gỡ gia đình các tù nhân chính trị” (mà Việt Nam không hề có) để nghe những lời trần tình của họ về tình hình nhân quyền… Tóm lại, Tổng thống Hoa Kỳ sẽ phải làm rất nhiều việc trong quỹ thời gian thăm Việt Nam để làm hài lòng các tổ chức NGO (!?).
Từ những thông tin trong “thư chung” đối với Tổng thống Hoa Kỳ, có thể thấy những kẻ nhân danh NGO, nếu không ngô nghê về nhận thức thì cũng là ngộ nhận bản thân và tâm thần chính trị. Bởi ngoài sử dụng để quấy rối một quốc gia, một tổ chức hay một cá nhân, vào một thời điểm cụ thể nào đó, NGO chẳng đóng vai trò ghê gớm gì trong những quân bài chính trị của phương Tây cũng như Hoa Kỳ. Cái sự “quan ngại sâu sắc về tình hình nhân quyền ở Việt Nam” mà NGO “bày tỏ” với Tổng thống Hoa Kỳ cũng chỉ là sự lặp lại những luận điệu xưa cũ. Đó là những đánh giá phiến diện về tình hình nhân quyền Việt Nam. Rất nhiều vấn đề trong “thư chung” mang tính quy kết với những nội dung không trung thực, không hề được khảo sát thực tiễn. Bởi mục đích chính của NGO là xuyên tạc, vu khống Việt Nam vi phạm tự do, dân chủ, nhân quyền; xuyên tạc luật pháp của Việt Nam còn nhiều quy định trái với quy định của luật pháp quốc tế như lâu nay chúng vẫn ra rả trên mạng xã hội. Nực cười là chúng không nhận ra hoặc cố tình không nhận ra rằng những trò quấy phá ấy không phải lúc nào cũng được trả công, nhất là vào thời điểm này, khi cục diện thế giới đã thay đổi và vị thế Việt Nam ngày càng được khẳng định rõ nét hơn bao giờ hết. Thế nên “thư chung” vẫn chỉ là trò cố đấm ăn xôi của những kẻ chống phá ngộ nhận và trơ tráo mà thôi!
Thảo Linh (BPO)
ConversionConversion EmoticonEmoticon