Mới đây, PGS.TS Đinh Công Hướng - giảng viên Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, thành viên Hội đồng ngành toán Quỹ Nafosted (Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia) - có đơn xin rút khỏi hội đồng này sau khi xuất hiện phản ánh ông vi phạm liêm chính khoa học. Nguyên nhân được cho là thầy Hướng trước đây làm việc tại Trường Đại học Quy Nhơn (giảng viên cơ hữu), nhưng đăng nhiều công trình chỉ đứng tên trường đại học khác.
Dư luận đã có nhiều tranh luận về vấn đề này. Có người cho rằng, đây là vi phạm liêm chính học thuật, vì không thể nào bỏ tên đại học cơ hữu của mình ra khỏi bài báo được. Điều này là đúng với nhiều trường phương Tây, vì nó tạo ra mâu thuẫn lợi ích với trường đại học cơ hữu đang trả lương và các điều kiện nghiên cứu.
Ở trường của tôi (Đại học Bristol, Anh) và một số trường mà tôi biết ở Anh, Đức, Úc, Tây Ban Nha và Mỹ, việc trường đại học trả tiền mời những nhà khoa học hàng đầu trong ngành tới nói chuyện, góp ý cho nghiên cứu của các giảng viên trong khoa, nói chuyện với sinh viên tiến sĩ, gợi ý về hướng nghiên cứu mới, đầu tư mua dữ liệu nghiên cứu cho cả khoa, v.v. đều được xem là đầu tư vào môi trường nghiên cứu (research environment). Và do đó những khoản đầu tư trên được tính vào việc hỗ trợ nguồn lực nghiên cứu cho tất cả giảng viên trong khoa. Vì vậy không thể hiểu hạn hẹp là phải tài trợ trực tiếp nguồn lực cho đề tài nghiên cứu cụ thể mới là cung cấp nguồn lực nghiên cứu như một số ý kiến được.
Nhưng ở Việt Nam, đây là vùng màu xám vì nhiều hợp đồng lao động không quy định, đồng thời khái niệm quyền sở hữu trí tuệ kết quả nghiên cứu, khái niệm thế nào là sử dụng nguồn lực của cơ sở đào tạo cơ hữu cho giảng viên cũng rất mơ hồ.
Ngược lại, có quan điểm cho rằng nếu trường A không qui định rõ ràng, chỉ thuê người ta giảng dạy và qui định nghiên cứu tối thiếu, thì phải để họ được quyền hợp tác nghiên cứu thêm bên ngoài với trường B. Trường B thuê nhà nghiên cứu thì phải có quyền khi đăng bài chỉ được để tên trường B mà thôi.
Nhiều tranh luận xung quanh vấn đề này, theo tôi, đã bỏ qua góc nhìn chủ yếu và mấu chốt của vấn đề và nhiều khả năng sẽ không đi tới đâu khi mà tranh cãi vào các chi tiết về câu chữ, từng trường hợp cụ thể.
Thay vào đó, chúng ta cần đặt hai câu hỏi "vì sao các trường mua bài?" và "vì sao nhà khoa học bán bài?" Hiểu được động cơ sâu xa mới tránh sa đà vào những tranh luận bao biện, ngụy biện đánh lạc hướng, nhắm vào câu từ, thậm chí công kích nhau, mà cuối cùng không đưa đến được một kết luận rõ ràng nào.
Nói cho cùng, gốc rễ của những gì chúng ta đang thấy, là do có một số đại học vung tiền "mua bài" báo khoa học quốc tế, vì họ muốn "thăng hạng nghiên cứu khoa học". Họ không mua thì các nhà khoa học bán bài cho ai?
Những đại học… mua bài nghiên cứu xuất sắc nhất
Cách đây vài năm, tôi đọc thông tin trên báo là có trường đại học ở Việt Nam được vinh danh trong tốp đầu "đại học nghiên cứu xuất sắc" ở ASEAN và châu Á. Sau đó một thời gian, tôi lại thấy báo chí đưa tin là đại học ấy "mua" rất nhiều bài báo từ một vài cá nhân, trong số đó có cá nhân ở nước ngoài bị rút hàng loạt bài trên tạp chí quốc tế và bị một Viện nghiên cứu ở Pháp vạch trần nhiều chiêu trò, mánh khóe gian lận. Đại học này trả lời truyền thông rằng họ không còn liên hệ gì với tác giả đó nữa. Nhưng những bài báo đó thì đã được tính vào thành tích của năm trước rồi. Tôi tự hỏi nếu việc này không bị vạch trần, thậm chí tác giả nước ngoài kia được vinh danh giải thưởng gì đó, thì nhà trường có hành xử khác hay không?
Như vậy, một đại học đạt danh hiệu nghiên cứu xuất sắc nhất cũng có thể đồng thời là "đại học mua bài nghiên cứu xuất sắc nhất" hoặc "đại học mua danh xuất sắc nhất". Đây là một cách "chơi game xếp hạng" của các đại học. Hiểu nôm na, chính là mua thành tích ảo, điều mà người ta lên án với nhiều lĩnh vực khác, nhưng dường như lại đang chấp nhận như một điều bình thường cho một lĩnh vực cần sự trung thực nhất - đó là giáo dục.
Số lượng bài báo khoa học của một trường đại học là một trong nhiều thước đo năng lực nghiên cứu khoa học của trường đại học. Các đối tác bên ngoài của trường từ phụ huynh, sinh viên, đến doanh nghiệp, không có nhiều thời gian để tìm hiểu ngọn nguồn. Họ chỉ biết "trường đó hạng quốc tế cao lắm, nhiều bài báo khoa học" và thậm chí là đại học nghiên cứu xuất sắc như một số bài báo đã nêu lên, và là danh hiệu mà trường này cũng sử dụng trong một vài dịp sự kiện ở Việt Nam mà tôi có tham dự.
Chính một người bạn tôi làm lãnh đạo ở một ngân hàng, trong quá trình tuyển dụng vào năm 2022, cũng đặt câu hỏi là "Có phải trường đại học nọ đang phát triển rất tốt không? Chị thấy xếp hạng gì cao lắm". Ba tôi cũng có lần hỏi tôi như vậy. Ba tôi hay người chị đó làm gì có thời gian tìm hiểu thực chất việc mua bài, bán bài như thế nào. Và họ cũng không có thời gian đọc những bài báo phân tích sâu về các câu chuyện mua bán bài, vốn không hề dễ đọc với người ngoài nghề.
Họ chỉ biết: Trường này đang xếp hạng nghiên cứu cao, tivi, báo đài đăng, đang làm nghiên cứu "ngon lành" hơn cả một số trường công lâu đời. Họ không ngây thơ tin rằng trường đại học đó là hàng đầu Việt Nam, nhưng trong đầu họ nghĩ "trường này cũng tốt".
Đừng chạy theo thành tích ảo
Ban đầu nghe vậy, tôi chỉ biết cười, cũng lười giải thích, chỉ ngắn gọn "cũng nhiều chiêu trò ấy mà". Nhưng ngẫm lại thì nó nguy hiểm. Vì nó khiến sinh viên trường đó tưởng rằng thực lực nghiên cứu trường mình rất mạnh.
Ở đây tôi không đề cập đến một trường đại học cụ thể nào. Nhưng cần thấy rằng chiêu trò mua bán bài để nâng xếp hạng đại học, bên cạnh hàng tá chiêu trò qua mặt kiểm định các chương trình đào tạo để đạt "chất lượng quốc tế", sẽ khiến xã hội không còn biết cái gì là thật, cái gì là ảo nữa. Cuối cùng, nó khuyến khích đại bộ phận trong xã hội tin vào các thành tích ảo, vinh danh những tổ chức và cá nhân "biết cách mua bán thành tích".
Nếu công chúng chấp nhận những chuyện này như là "bình thường", thì ai đầu tư khoa học nghiêm túc, đầu tư vào nội lực nữa? Vì đầu tư vào một dự án nghiên cứu là mạo hiểm. Tôi biết có những dự án nhận tài trợ cả gần nửa triệu USD nhưng rồi thất bại, vì hướng nghiên cứu bị lỗi thời do thay đổi của công nghệ và xu thế mới. Các trường đại học và quỹ khoa học phải chấp nhận rủi ro đó. Trong quá trình này, đội ngũ nghiên cứu, cơ sở vật chất sẽ được bồi dưỡng, để cứng cáp hơn, sẵn sàng cho các cơ hội khác trong tương lai. Nhưng rõ ràng, rủi ro tốn tiền không được gì luôn tồn tại trong đầu tư nghiên cứu khoa học.
Do đó, đối với nhiều trường đại học, đi mua bài đã làm xong rồi, ra kết quả khả quan thì sẽ nhanh, dễ và chắc ăn hơn nhiều. Nhưng họ cũng không có bồi dưỡng nội lực mà tập trung đi mua bài thăng hạng. Thành tích họ đạt được sẽ là thành tích ảo. Chuyện một trường đại học ở Việt Nam có số bài công bố trong một năm giảm từ trên 2.000 xuống còn trên 500 bài là một sự cảnh báo về các thành tích ảo.
Đại học mà toàn thành tích ảo thì sẽ nâng tầm toàn những người biết chiêu trò hoàn thành các mục tiêu ảo đó và giảng viên, sinh viên có năng lực thật sự, làm đàng hoàng sẽ bị điểm không cao, không thành tích, không được đầu tư và hỗ trợ đúng cách.
Cái nguy hiểm nó ở đó, và đây không đơn giản chỉ là chuyện cơm áo gạo tiền của người làm đại học, mà còn là một cái nguy với cả một hệ thống. Khi mà cả hệ thống đại học tin và lao theo các giá trị ảo, chơi chiêu trò thì vận mệnh của nhiều thế hệ người học sẽ ra sao? Đại học chiêu trò, chạy theo thành tích ảo, thì người được đào tạo ra sẽ thế nào?
Mà đại học đã có thể áp dụng chiêu trò trong thành tích nghiên cứu khoa học, thì ai đảm bảo họ lại không áp dụng chiêu trò trong giảng dạy và những chuyện khác như hợp tác đào tạo quốc tế?
Đó là vấn đề lớn nên được chú ý ở đây, thay vì chỉ riêng một trường hợp cá nhân của thầy Hướng. Nếu chúng ta ủng hộ đại học nên được "mua bài" của thầy Hướng, thì chúng ta cũng đồng thời ủng hộ đại học được phép chơi chiêu trò để mua thành tích ảo, và rồi chúng ta sẽ đẩy cái lằn ranh đỏ đi xa hơn nữa, cho phép họ chơi chiêu trò với chất lượng đào tạo, hợp tác quốc tế, cấp bằng, v.v. Sau một thời gian, sẽ không ai còn biết cái gì là thật nữa.
Tác giả: Ông Hồ Quốc Tuấn, tiến sĩ chuyên ngành Kế toán, hiện là Giảng viên cao cấp, Đại học Bristol, Anh. Trước đó ông là Kinh tế trưởng và chuyên viên phân tích cao cấp của Công ty Chứng khoán Rồng Việt từ 2008 đến 2012. Ông Tuấn cũng từng công tác ở Khối Kinh doanh tiền tệ của Ngân hàng Eximbank Việt Nam và là giảng viên của Đại học Kinh Tế TPHCM.
ConversionConversion EmoticonEmoticon