Ngày 5-11-2023, fanpage Việt Tân trên mạng xã hội Facebook đăng tải bài viết “Vì sao Việt Nam chậm phát triển”, nội dung bài viết không có gì mới, vẫn là những lời lẽ đả kích Đảng, chế độ, quy chụp, đổ lỗi cho các lãnh đạo Đảng, Nhà nước về những hạn chế, khuyết điểm, tiêu cực trong quá trình đổi mới đất nước. Từ đó, chúng lên mặt dạy đời, khuyên răn chúng ta phải thế này, thế kia mới có thể phát triển.
Chúng cho rằng: “Khi nói đến sự phát triển của một quốc gia, các yếu tố như nguồn nhân lực, tài nguyên thiên nhiên, chính sách quản lý và đặc biệt là văn hóa doanh nghiệp, đều giữ những vai trò không thể phủ nhận. Trong số đó, TRANSPARENCY, hay sự minh bạch, được xem là chất xúc tác thiết yếu để thúc đẩy tập thể tiến lên. Vậy đâu là nguyên nhân khiến Việt Nam, một đất nước với bề dày lịch sử và văn hóa, lại chậm chạp trên con đường phát triển?”. Cần khẳng định: Đây là những luận điệu xuyên tạc, thể hiện sự ấu trĩ về mặt tư duy nhận thức, cố tình đưa ra các thông tin mập mờ, thật – giả lẫn lộn; những nhận định, đánh giá mang tính cảm tính chủ quan cá nhân để quy chụp, đổ lỗi cho Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Sở dĩ có thể khẳng định như vậy vì về mặt lý luận, theo từ điển Kinh tế học của tác giả Nguyễn Văn Ngọc thì nước chậm phát triển là nước có tổng sản phẩm trong nước và thu nhập đầu người hiện tại không đủ để tạo ra mức tiết kiệm cần thiết cho các chương trình đầu tư lớn vào công nghiệp và nông nghiệp. Những nước như thế nhìn chung có khu vực khai thác sơ chế lớn, chủ yếu là nông nghiệp, trong đó phần lớn dân cư có mức sống thấp, sản xuất tự cấp, tự túc, chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu trực tiếp và không có khả năng tạo ra mức thặng dư lương thực, thực phẩm cần thiết cho số lượng dân cư nông nghiệp lớn ở thành thị. Còn theo cách phân loại của Liên hợp quốc, được một số tổ chức kinh tế quốc tế như Tổ chức Thương mại thế giới – WTO – chấp nhận thì có 3 tiêu chí để xác định một quốc gia kém phát triển nhất, đó là: mức thu nhập thấp (giá trị bình quân của chỉ số tổng thu nhập quốc gia trên đầu người hằng năm trong vòng 3 năm dưới 750 đô la Mỹ); nguồn lực con người nghèo nàn (chỉ số tài sản con người thấp hơn một mức nhất định); nền kinh tế dễ bị tổn thương (chỉ số mức độ dễ tổn thương về mặt kinh tế thấp hơn một mức nhất định). Và điều kiện để một quốc gia thoát khỏi nhóm những nước chậm phát triển nhất là quốc gia đó phải có ít nhất 2 trong 3 chỉ tiêu nêu trên cao hơn một mức nhất định trong vòng 2 năm liên tục. Tuy nhiên, nếu chỉ số tổng thu nhập quốc dân trên đầu người vượt 900 USD thì quốc gia đó cũng có thể không bị coi là nước nghèo nhất. Cũng trong danh sách các quốc gia kém phát triển nhất của Liên hợp quốc không hề có Việt Nam.
Còn theo trình độ phát triển, Liên hợp quốc xếp các nước trên thế giới thành 3 nhóm nước khác nhau dựa vào 2 tiêu chí, đó là mức thu nhập bình quân đầu người và trình độ phát triển xã hội. Cụ thể: nhóm các nước chậm phát triển là những nước thu nhập bình quân đầu người dưới 400 USD; nhóm các nước đang phát triển, chia thành: nước đang phát triển có thu nhập thấp (với thu nhập bình quân đầu người dưới 900 USD), nước đang phát triển có thu nhập trung bình (với thu nhập bình quân đầu người từ 900 đến 9.385 USD) và nước đang phát triển có thu nhập cao (trên 9.385 USD); nhóm các nước phát triển, ngoài thu nhập bình quân đầu người trên 9.385 USD, còn phải đạt các tiêu chí về phát triển công nghệ, kinh tế – xã hội và có khả năng viện trợ nước ngoài.
Kể từ Đại hội Đảng lần thứ XI năm 2011, Đảng ta đã khẳng định: Nhìn một cách tổng quát, 5 năm qua (2006-2010), trong nhiều khó khăn, thách thức, toàn Ðảng, toàn dân ta đã ứng phó có kết quả với những diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới và trong nước, cơ bản giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, quy mô nền kinh tế tăng lên. 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội (2001-2010) là giai đoạn đất nước đạt những thành tựu to lớn và rất quan trọng. Những thành tựu đạt được trong 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 là to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Ðất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Tuy nhiên, để có được dòng nhận định ngắn gọn đó trong văn kiện của Đảng không hề đơn giản, không phải cứ thích là đưa vào, nhận xét, đánh giá bừa bãi, vô trách nhiệm kiểu “mèo khen mèo dài đuôi”. Đánh giá, nhận định đó ngắn nhưng trên cơ sở sự thừa nhận, công nhận của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế có uy tín như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế.
Để đạt được thành tựu to lớn đó, chúng ta đã phát huy trí tuệ của biết bao thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân, các nhà khoa học, nhân sĩ trí thức; sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và khu vực; sự đồng cam cộng khổ, chung lưng đấu cật của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Đó là một quá trình vừa nghiên cứu, tìm tòi, vận dụng lý luận Mác-Lênin, tư duy kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vừa phát huy tối đa các nguồn nội – ngoại lực, huy động sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Không thể chỉ bằng lời nói suông, vô thưởng vô phạt mà thành công được. Vậy, Việt Nam ngày nay có chậm phát triển không? Rõ ràng là không. Theo Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP năm 2022 tăng 8,02%, bình quân đầu người ước đạt 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021. Quy mô GDP năm 2022 ước đạt 9,513 triệu tỷ đồng, tương đương 409 tỷ USD. Như vậy, có thể thấy, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã tăng hơn 10 lần so với năm 2000, Việt Nam đã chính thức có tên trong “câu lạc bộ” 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ đứng sau Indonesia, Thái Lan và Malaysia về quy mô kinh tế. Nếu tính theo sức mua tương đương, Việt Nam chỉ thua Thái Lan và Indonesia về GDP.
Vậy thì vì sao chúng lại cố tình khẳng định Việt Nam chậm phát triển? Vì âm mưu kích động, dẫn dắt nhân dân, phủ định sạch trơn những thành tựu 37 năm đổi mới đất nước. Từ đó, chúng cho rằng đường lối đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo là sai lầm, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang đi là quái thai. Đây là âm mưu, hành động cố tình dắt mũi dư luận cần vạch trần, đấu tranh loại bỏ để nó không còn mầm mống gây hại trong nhân dân.
Thanh Quang (BPO)
ConversionConversion EmoticonEmoticon