Tổng số lượt xem trang

Bộ trưởng Bộ Nội vụ chỉ rõ dấu hiệu cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm

 

Bộ trưởng Bội Nội vụ cho biết, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức né tránh, đùn đẩy công việc, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh điều này trong báo cáo bổ sung, làm rõ một số vấn đề về thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn, thuộc lĩnh vực nội vụ.

Tình trạng đùn đẩy, né tránh xảy ra trong nhiều hoạt động KT-XH

Để xử lý tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ ban hành 4 công điện; thành lập các Tổ công tác về: Cải cách thủ tục hành chính; rà soát văn bản pháp luật; tháo gỡ khó khăn trong đầu tư công.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 48/2023/NĐ-CP, Nghị định số 69/2023/NĐ-CP, Nghị định số 71/2023/NĐ-CP, Nghị định số 73/2023/NĐ-CP, theo đó bổ sung quy định việc né tránh, đùn đẩy là căn cứ đánh giá, xếp loại, để xem xét, xử lý kỷ luật; đồng thời thể chế hóa chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Hiện nay, Bộ Nội vụ đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, Nghị định số 138/2020/NĐ-CP, trong đó sửa đổi, bổ sung quy định cho thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức đối với công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị.

bo truong bo noi vu chi ro dau hieu can bo ne tranh, dun day trach nhiem hinh anh 1
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Nữ bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ rõ, né tránh, đùn đẩy công việc, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ là thực trạng xảy ra ở một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Biểu hiện phổ biến là né tránh những việc khó, phức tạp, nhạy cảm trong thực thi công vụ và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; chậm trễ giải quyết, để tồn đọng công việc; trả lời, hướng dẫn không rõ quan điểm, chính kiến của tổ chức, đơn vị mình; đẩy việc; hỏi xin ý kiến những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình; lạm dụng việc lấy ý kiến phối hợp để né tránh trách nhiệm.

“Tình trạng này xảy ra trong nhiều hoạt động kinh tế – xã hội, thể hiện rõ trong: đầu tư công, đấu thầu, quản lý đất đai, y tế, xây dựng, giải quyết thủ tục đầu tư, sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ công cho người dân…, dẫn đến giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý, giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội”, theo bà Phạm Thị Thanh Trà

Nhận thức “không làm thì không sai” là “tự diễn biến”

Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức được Bộ trưởng Bộ Nội vụ xác định là giải pháp đầu tiên để khắc phục tình trạng trên. Cấp ủy, chính quyền cơ quan, đơn vị chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức công vụ.

Cạnh đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, người đứng đầu trong việc chủ động, tích cực thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn được giao; thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Đảng gắn với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị 26, 27 và các Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước và trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương.

“Xóa bỏ nhận thức trong một số cán bộ, công chức “không làm thì không sai”, “đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử” đang xuất hiện và là một loại “tự diễn biến” cản trở nghiêm trọng sự phát triển” – bà Phạm Thị Thanh Trà nói.

Cùng với đó là khơi dậy lòng tự trọng, bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức.

Nhóm giải pháp nữa là thực hiện nghiêm chỉ đạo của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các bộ, ngành đẩy mạnh việc rà soát, đề xuất bổ sung, hoàn thiện thể chế, chính sách, nhất là lĩnh vực quản lý kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn; trong đó, chú trọng tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm soát quyền lực.

Triển khai Nghị định số 73/2023/NĐ-CP về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đồng thời nghiên cứu để thể chế hóa chủ trương này vào Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Ngoài ra, thực hiện chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW; có biện pháp, chính sách khuyến khích, khen thưởng thực chất dựa trên hiệu suất và kết quả thực hiện công việc.

Về đẩy mạnh cải cách hành chính và đổi mới công vụ, công chức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ lưu ý tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến việc thực hiện chức trách công vụ của cán bộ, công chức; sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị bảo đảm xác định rõ chức năng, nhiệm vụ; phân công cụ thể, rành mạch trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị trực thuộc; trách nhiệm người đứng đầu và từng cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm.

Quy định cụ thể về đạo đức công vụ và siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ.

Kịp thời biểu dương cơ quan, tổ chức, cá nhân làm tốt và xử lý nghiêm cán bộ, công chức không làm tròn chức trách, nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ; kịp thời thay thế, điều chuyển cán bộ hạn chế năng lực lãnh đạo, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra.

Nghiên cứu công tác tuyển dụng, quản lý, nhất là đánh giá cán bộ, công chức theo tiêu chí, bằng sản phẩm cụ thể. Sử dụng hiệu quả kết quả đánh giá làm căn cứ bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức.

“Kịp thời miễn nhiệm, từ chức đối với những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ; xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu trong cơ quan, đơn vị, địa phương còn xảy ra tình trạng cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm” – báo cáo nêu rõ.

Bên cạnh đó, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực thi công vụ cũng được xem là giải pháp quan trọng. Bởi, sự nêu gương và vai trò lãnh đạo, dẫn dắt của người đứng đầu là quyết định kỷ luật, kỷ cương và thành công trong thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Quan tâm xây dựng môi trường chính trị, môi trường văn hóa công sở tạo động lực, niềm tin cho cán bộ, công chức làm việc.

Các cơ quan kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử tiếp tục nghiên cứu, phân loại vụ việc vi phạm sai phạm theo tính chất, mức độ, động cơ nếu không có vụ lợi cá nhân, không tham ô, tham nhũng thì khoan dung, khoan hồng, nhân văn hơn nữa nhằm tạo cơ chế đồng bộ, tinh thần khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vị lợi ích chung.

“Đồng bộ thực hiện các giải pháp với quyết tâm đẩy lùi tâm lý sợ sai, thiếu trách nhiệm, không dám làm khi thực thi công vụ” – bà Phạm Thị Thanh trà đề nghị.

Hiếu Minh/VOV.VN

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son