Đó là kiến nghị được đưa ra tại Hội thảo “Phát hiện sớm, can thiệp giáo dục sớm trẻ rối loạn lan tỏa phổ tự kỷ ở tuổi mầm non” do Hiệp hội vì giáo dục cho mọi người Việt Nam (VAEFA) và Viện nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người (IPD) tổ chức tại Hà Nội ngày 9/11. Hội thảo có sự tham gia của đại diện Bộ LĐTB&XH, Bộ GD&ĐT và nhiều chuyên gia hỗ trợ, can thiệp trẻ tự kỷ trên cả nước.
Tự kỷ là khuyết tật có tỷ lệ cao nhất trong trường học
NGND, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người (IPD), Phó Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam cho biết: Đặc trưng của người có rối loạn phổ tự kỷ bao gồm khiếm khuyết về tương tác xã hội, khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ cùng với những hành vi, sở thích và hoạt động mang tính hạn hẹp và lặp đi lặp lại.
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu trên thế giới vẫn chưa tìm được nguyên nhân xác thực vì sao một đứa trẻ sinh ra hoàn toàn bình thường, tay chân lành lặn lại mắc rối loạn phổ tự kỷ. Rối loạn lan tỏa phổ tự kỷ đang có tỷ lệ mắc cao trên toàn thế giới. Những nghiên cứu ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ chỉ ra tỷ lệ người mắc rối loạn phổ tự kỷ có tỷ lệ trung bình là 1% dân số. Nghiên cứu ở Hàn Quốc báo cáo tỷ lệ này lên tới 2,6 dân số.
Tại Việt Nam, hiện chưa có số liệu thống kê chính xác về số lượng người mắc chứng tự kỷ ở trong nước. Theo thống kê của ngành giáo dục Hà Nội, tự kỷ là khuyết tật có tỷ lệ cao nhất ở trong trường học, chiếm 30% số trẻ mắc các khuyết tật học đường nhưng con số đó chưa nói lên hết thực trạng vì còn rất nhiều trẻ tự kỷ không được đến trường.
Thạc sĩ Bùi Thị Tuyết, Hiệu trưởng Trường Mầm non VSK Thăng Long, cơ sở thực hành giáo dục sớm của Viện nghiên cứu IPD cũng cho biết: Theo nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), chứng tự kỷ là một rối loạn tâm thần biểu hiện từ rất sớm, 75% xuất hiện từ trước 3 tuổi. Trung tâm phòng và kiểm dịch Hoa Kỳ (CDC) ước tính cứ 68 trẻ sẽ có 1 trẻ mắc rối loạn chứng tự kỷ. Còn theo dự án chăm sóc giáo dục trẻ khuyết tật của tổ chức NGo Plan: Tại 1 huyện của Hà Nội, trong tổng số 733 trẻ khuyết tật được phát hiện thì trẻ tự kỷ chiếm 10%. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi năm trẻ đến khám và điều trị chứng tự kỷ tăng từ 10-20%, ước tính có khoảng 22.000 lượt trẻ đến khám chuyên khoa tâm thần mỗi năm, trong đó có 1/3 lượt trẻ đến khám, đánh giá tự kỷ. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc phát hiện và can thiệp sớm sẽ giảm thiểu tổn thương về thể chất và tinh thần cho trẻ mắc chứng tự kỷ.
TS Nguyễn Thị Kim Hoa và nhóm nghiên cứu của Trung tâm giáo dục đặc biệt quốc gia, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cũng nhấn mạnh, việc hỗ trợ và can thiệp sớm một cách tích cực giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực giao tiếp, ngôn ngữ nói riêng đối với trẻ tự kỷ.
Tạo điều kiện để trẻ tự kỷ được học hòa nhập
Trong thời gian qua, một số cơ sở giáo dục mầm non đã đón nhận các trẻ tự kỷ vào học học hòa nhập và một số trung tâm hỗ trợ trẻ tự kỷ đã ra đời, trong đó có nhiều đơn vị là thành viên của Hiệp hội VAEFA và IPD. Trẻ em tự kỷ sau khi được phát hiện nếu được tiếp cận với phương pháp giáo dục sớm ở cơ sở mầm non ngay từ 2-3 tuổi, được học hòa nhập với trẻ bình thường sẽ giảm thiểu những tổn thương về tinh thần, trí tuệ cũng như thế chất.
Tuy vậy, báo cáo thực trạng và mô hình phối hợp giữa Trường mầm non và cơ sở can thiệp trẻ tự kỷ của nhóm nghiên cứu đến từ Trung tâm COHO- Tư vấn và hỗ trợ người khuyết tật TP Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, mặc dù trường mầm non thể hiện một vai trò đặc biệt trong việc phát hiện sớm trẻ tự kỷ nhưng việc phối hợp giữa hai bên vẫn chưa được đặt ra làm mục tiêu trọng tâm trong hoạt động của các cơ sở can thiệp cho trẻ tự kỷ.
Theo bà Trần Thị Ngọc Lan, thành viên nhóm nghiên cứu, khảo sát từ 21 cơ sở can thiệp ngoài công lập tại khu vực TP Hồ Chí Minh và các tỉnh giáp ranh, có 62% các cơ sở tham gia khảo sát chưa có kế hoạch phù hợp với trường mầm non và 38% cơ sở đã liên kết với trường mầm non. Trong số 38% cơ sở can thiệp đã có liên kết với trường mầm non, 100% các cơ sở này đều liên kết với mầm non ngoài công lập, không có trường mầm non công lập tham gia vào hoạt động liên kết với các cơ sở can thiệp. Trong số các trường mầm non ngoài công lập có liên kết với các cơ sở can thiệp, có đến 62,5% các trường chưa sẵn sàng cho việc phối hợp để hỗ trợ, thúc đẩy giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ.
Từ thực tiễn trên, nhóm nghiên cứu đề xuất cơ quan chức năng của Bộ LĐTB&XH, Bộ GD&ĐT cần bổ sung những điều khoản, quy định thể hiện rõ ràng vào các văn bản pháp quy hiện có liên quan đến giáo dục hòa nhập, việc thực hiện phối hợp giữa trường mầm non và các cơ sở can thiệp mang tính chỉ đạo chính thống, rộng rãi, toàn diện; ban hành các văn bản hướng dẫn việc phối hợp giữa các nhóm đa ngành trong giáo dục cho người khuyết tật nói chung và cụ thể với trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ nói riêng để việc phối hợp không dừng ở mức khuyến khích mà cần bắt buộc.
Nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương cũng đề nghị cần nâng cao nhận thức của giáo viên và cha mẹ trong việc phát hiện sớm, can thiệp giáo dục sớm cho trẻ tự kỷ ở độ tuổi mầm non nhằm giảm thiểu tổn thương về thể chất, tinh thần cho trẻ trong quá trình phát triển; tăng cường hợp tác giữa các trường mầm non với cơ sở can thiệp để phát hiện sớm, can thiệp giáo dục sớm trẻ tự kỷ có hiệu quả, đặc biệt là giáo dục hòa nhập nhằm hướng tới bình đẳng trong giáo dục đối với trẻ tự kỷ.
Nguồn: Cand.com
ConversionConversion EmoticonEmoticon