Thời gian qua, hàng loạt luật sư bị đối tượng xấu mạo danh, lập tài khoản giả mạo để lừa đảo. Đối tượng nhắm tới chủ yếu là những người bị lừa tiền, có nhu cầu hỗ trợ lấy lại tài sản.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Lưu Thị Kiều Trang (Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều tài khoản mạo danh bản thân chị cũng như luật sư của các công ty khác để lừa đảo.
Các đối tượng thường lập tài khoản giả mạo, tạo ra số lượt tương tác "ảo" lớn nhằm tạo niềm tin cho người khác. Thậm chí, có trường hợp còn sử dụng hình ảnh luật sư để cắt ghép, tạo thẻ luật sư giả rồi đăng tải lên mạng xã hội.
"Thực hiện tội ác trên nỗi đau của người khác"
Khi có người liên hệ, kẻ xấu sẽ sử dụng các phương thức, thủ đoạn tinh vi để chiếm đoạt tài sản như huy động họ đầu tư vào các sàn chứng khoán, tiền ảo hay cam kết giúp họ lấy lại tiền khi bị lừa tiền trên mạng và yêu cầu phải chuyển khoản trước. "Ma trận" tài khoản ảo khiến nhiều người mắc bẫy và cũng làm ảnh hưởng không nhỏ tới danh dự, uy tín của luật sư.
"Đối tượng bị nhắm tới nhiều nhất là những người bị lừa tiền qua mạng. Do thiếu hiểu biết về pháp luật nên khi bị mất tiền, họ thường tìm đến luật sư như cứu cánh để giúp đòi lại tài sản. Tuy nhiên, những kẻ xấu đã lợi dụng điều này để thực hiện tội ác trên nỗi đau của người khác.
Số tiền lừa đảo mỗi cá nhân không quá lớn, song tổng hợp lại nhiều người, số tiền kẻ xấu tư lợi bất chính rõ ràng không nhỏ. Điều này không chỉ gây tổn hại tài sản người dân, làm ảnh hưởng tới tình hình an ninh trật tự xã hội mà còn tác động nghiêm trọng tới danh dự, nhân phẩm, uy tín của luật sư và các công ty luật. Bởi vậy, hy vọng cơ quan điều tra sớm có động thái phù hợp nhằm giải quyết tình trạng này", luật sư Trang chia sẻ.
Trước tình trạng tài khoản giả mạo luật sư xuất hiện ngày càng nhiều, Công ty Luật Khải Hoàn Tâm đã có công văn gửi Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đề nghị phối kết hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết dứt điểm vấn đề trên.
Tương tự, luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng bị kẻ xấu lập các Fanpage giả mạo có tên Văn phòng Luật Quách Thành Lực và Văn phòng Luật sư Quách Thành Lực, sử dụng hình ảnh luật sư Lực cùng logo Công ty Luật Pháp trị đính kèm bài đăng với nội dung cam kết sẽ lấy lại tiền chuyển nhầm tài khoản, tiền kẹt trong các app lừa đảo, thu hồi các loại tiền đã giao dịch trên không gian mạng.
Đăng tải trên trang cá nhân, luật sư khẳng định đây là các nội dung lừa đảo để lừa gạt người dân. "Luật sư không hứa hẹn, không chạy quảng cáo để lấy khách hàng. Tôi sử dụng kiến thức, trải nghiệm thực tế để hành nghề, hướng tới đạt mong muốn của khách hàng. Tôi xin thông báo để mọi người tỉnh táo, không bị mắc bẫy bọn lừa đảo", ông Lực viết.
Còn với luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam), ông cho biết kẻ xấu thậm chí còn sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để cắt ghép hình ảnh của ông, dựng thành video giả mạo, quảng bá về dịch vụ không có thật tại công ty.
"Các đối tượng lừa đảo sử dụng thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt, nạn nhân ít kinh nghiệm rất dễ bị nhầm tưởng và bị lừa thêm một lần nữa. Luật sư Trương Thanh Đức và ANVI chỉ cung cấp dịch vụ pháp lý trên cơ sở hợp đồng, hóa đơn VAT, không bao giờ thu tiền và cam kết, hứa hẹn cung cấp bất cứ dịch vụ pháp lý nào trên mạng xã hội", ông Đức khẳng định.
Không chỉ ở Hà Nội, tình trạng này còn xảy ra với luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM. Luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình) cho biết, ông đã nhận nhiều tin báo của người quen về việc có tài khoản mạo danh, cắt ghép, tạo hình ảnh giấy tờ giả mang tên "Trần Minh Hùng" để lừa đảo người dân.
Tương tự các trường hợp nêu trên, kẻ mạo danh luật sư Hùng cũng hứa hẹn sẽ đòi lại tiền cho những người bị lừa đảo qua mạng, yêu cầu người dân chuyển tiền trước và chỉ chấp nhận tư vấn qua mạng, không gặp gỡ khách hàng ngoài đời. Việc này gây nhiễu loạn thông tin, gây ảnh hưởng xấu tới hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư.
Người dân cần làm gì?
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, không chỉ những trường hợp nêu trên mà rất nhiều luật sư, công ty luật khác cũng bị kẻ xấu mạo danh để lừa đảo người dân. Có một điểm chung là các luật sư, công ty luật bị giả mạo đều là những cá nhân, tổ chức hoạt động tích cực trên truyền thông hay các phương tiện mạng xã hội.
Việc tìm kiếm thông tin, hình ảnh của các luật sư này không quá khó khăn. Kết hợp với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) cùng các công nghệ cắt ghép, kẻ xấu tạo ra nhiều sản phẩm tinh vi, dễ gây hiểu lầm, nhầm lẫn cho người có nhu cầu gặp luật sư thực sự.
Về đối tượng, những người được nhắm tới chủ yếu là người dân bị mất tiền vì lừa đảo qua mạng, có nhu cầu tìm đến luật sư để tư vấn pháp lý, hỗ trợ lấy lại tài sản. Khi tiếp xúc những người này, kẻ xấu thường cam kết sẽ giúp họ lấy lại tiền, song yêu cầu phải chuyển khoản trước tiền "dịch vụ pháp lý" và chỉ tư vấn qua mạng, không chấp nhận gặp gỡ ngoài đời vì lý do "bận nhiều công việc".
Theo quy định của Luật Luật sư 2006 và Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam, luật sư chỉ thực hiện dịch vụ pháp lý theo hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký với khách hàng, có xuất hóa đơn đầy đủ, trừ trường hợp tham gia tố tụng chỉ định theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và hành nghề với tư cách cá nhân, làm việc theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức.
Bên cạnh đó, luật sư cũng phải tôn trọng, đảm bảo sự thật khách quan của vụ việc và không được hứa hẹn, cam kết đảm bảo kết quả vụ việc về những nội dung nằm ngoài khả năng, điều kiện thực hiện của luật sư.
Như vậy, có thể thấy luật sư thuộc các công ty luật sẽ chỉ thực hiện các công việc dựa trên nội dung hợp đồng dịch vụ đã ký và không được hứa hẹn, cam kết về kết quả công việc. Mọi hoạt động của luật sư đều được diễn ra trên thực tế, tuân thủ nghiêm ngặt quy định của pháp luật cũng như thỏa thuận với phía khách hàng, tuyệt đối không yêu cầu chuyển tiền trước khi chưa có hợp đồng dịch vụ pháp lý hay cam kết sẽ thực hiện công việc theo yêu cầu của khách hàng mà nằm ngoài khả năng của luật sư.
Bởi vậy, người dân khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý cần tỉnh táo, lựa chọn các luật sư uy tín. Trong trường hợp tìm kiếm thông qua mạng xã hội, cần kiểm tra chính xác thông tin luật sư, số điện thoại, thông tin, trụ sở, tình hình hoạt động của công ty luật.
Sau đó, người dân có thể trực tiếp liên hệ luật sư hoặc các trợ lý để đặt lịch hẹn làm việc, trực tiếp giao kết hợp đồng dịch vụ pháp lý với công ty để thực hiện công việc mình yêu cầu, trong phạm vi của luật sư và tuân thủ quy định của pháp luật.
Hoàng Diệu (Theo báo điện tử dân trí)
ConversionConversion EmoticonEmoticon