BPO – Phá bĩnh là hành động cố tình gây rối làm hỏng công việc của người khác nhằm đạt được mục đích có lợi cho mình. Chu Mộng Long (thành viên của tổ chức khủng bố Việt Tân) vẫn thường xuyên có những chiêu trò phá bĩnh như vậy. Các nội dung, chủ đề phá bĩnh của Chu Mộng Long rất đa dạng, phong phú, từ vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền đến đất đai, y tế… Thời gian vừa qua, khi các trường đồng loạt khai giảng năm học mới thì vấn đề GD&ĐT lại được Chu Mộng Long đưa ra phân tích, mổ xẻ với mục đích phá bĩnh.
Cụ thể, ngày 29-10-2023, Long đã đăng bài viết “Báo động cải cách giáo dục bị phá sản” trên trang facebook Tiếng dân News, qua đó cho thấy rõ bộ mặt phá bĩnh đạt tới trình độ thượng thừa của mình. Trong bài viết, Long tỏ ra đồng cảm với Bộ GD&ĐT, ủng hộ cải cách. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cải cách, Long đã lấy sự bất cập, yếu kém ở một số nơi để rồi quy chụp, cho rằng việc cải cách giáo dục đã bị phá sản. Tình trạng sách giáo khoa, chạy theo thành tích, lạm thu trong một số nhà trường được Long lấy ra làm dẫn chứng minh họa, xuyên tạc về một nền GD&ĐT đi xuống.
Chu Mộng Long cùng với Tiếng dân News chỉ là một trong số ít cá nhân, tổ chức điên cuồng chống phá sự nghiệp GD&ĐT của Việt Nam hiện nay. Ngoài ra, trên nhiều trang mạng xã hội do các cá nhân, tổ chức chống đối, thù hằn với Việt Nam cũng đang lan truyền những luận điệu xuyên tạc, thiếu khách quan nhằm bôi lem, vấy bẩn nền giáo dục nước ta. Lợi dụng một số khó khăn, bất cập của nền giáo dục, chúng đã chụp mũ, đổ lỗi cho chế độ, cho Đảng, chính quyền. Những kẻ này rêu rao rằng nền giáo dục hiện nay biến phụ huynh và học trò thành chỗ đào tiền, lạm thu giáo dục. Phụ huynh phải chạy trường, chạy lớp, chạy điểm cho con. Chúng còn tổ chức các diễn đàn online trên facebook để dạy về cách làm giáo dục. Không những vậy, chúng gieo rắc tư tưởng sùng ngoại, bài nội trong vấn đề giáo dục bằng cách ra sức quảng bá, tô vẽ, khuếch trương nền giáo dục phương Tây. Chúng coi đó là điểm đến lý tưởng, con đường duy nhất để thế hệ trẻ Việt Nam có điều kiện làm rạng rỡ tương lai, mở mang tiền đồ của đất nước. Mục tiêu mà các đối tượng này hướng đến là làm suy giảm uy tín, phủ nhận thành tựu giáo dục dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đồng thời kích động tư tưởng bất mãn, chống đối với chính quyền.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của giáo dục đất nước. Theo quan điểm của Người, một dân tộc dốt thì dân tộc đó sẽ yếu. Cuộc đời của Người luôn có ham muốn tột bậc là ai cũng được học hành. Thấm nhuần lời dạy của Người, cho đến tận hôm nay, Đảng, Nhà nước luôn coi GD&ĐT là quốc sách hàng đầu. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền giáo dục của Việt Nam có sự cải cách, đổi mới và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới, tự hào sánh vai với các cường quốc năm châu.
Trong những năm gần đây, giáo dục Việt Nam liên tiếp được đánh giá cao trên trường quốc tế. Tính tới thời điểm hiện nay, tất cả 63 tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học ở mức độ 2 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS cấp độ 1. Nhiều địa phương đã đạt tỷ lệ 100% học sinh học 2 buổi/ngày, tạo tiền đề thuận lợi để chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Việt Nam xếp hạng 59 trên thế giới về giáo dục theo Bảng xếp hạng quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 được US News & World Report công bố vào cuối tháng 4-2022. Còn theo dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, học sinh Việt Nam không chỉ vượt trội so với các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan mà còn vượt qua học sinh ở Anh, Canada (những quốc gia có nền kinh tế lớn hơn nhiều) xét về tổng điểm học tập. Đáng nói là điểm số của các em học sinh phân bổ đồng đều và không có sự chênh lệch giới tính hay vùng miền ở những nơi khác. Cuối năm 2021, Việt Nam đã trúng cử, là thành viên Hội đồng chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) nhiệm kỳ 2021-2025. Trong kết quả xếp hạng các nhà khoa học thế giới có thành tích xuất sắc về công bố khoa học thuộc 24 lĩnh vực, Việt Nam có tên 10 nhà khoa học trên bảng xếp hạng trong 6 lĩnh vực. Việc các nhà khoa học Việt Nam được ghi danh trên bản đồ khoa học thế giới đã khẳng định sự tiến bộ, nỗ lực và hội nhập không ngừng của nền GD&ĐT nước ta. Sẽ là không tương đồng nếu so sánh nền giáo dục Việt Nam với các nước phát triển hiện đại. Việt Nam là nước đang phát triển có thu nhập trung bình nhưng so với nhiều nước trong khu vực, chúng ta vẫn có tỷ lệ đi học rất cao, thậm chí cao hơn những nước có thu nhập lớn như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ. Đồng thời, hệ thống, chất lượng giáo dục Việt Nam luôn được chú trọng và nâng cao.
Hiếu học là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay. Ngay từ đầu năm học mới, sự nghiệp “trồng người” luôn được các bậc phụ huynh, các cấp, ban, ngành đặc biệt quan tâm. Có thể thấy, tình trạng lạm thu nhìn chung đã được chấn chỉnh khi năm nào các cơ quan chức năng cũng liên tục đưa ra nhiều văn bản yêu cầu minh bạch trong thu, chi tại các trường học. Sở GD&ĐT các địa phương đều có hướng dẫn liên quan đến quản lý thu, chi đầu năm học để các trường thực hiện và phụ huynh có cơ sở giám sát. Trên cơ sở thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh và sự thống nhất của nhà trường cùng cơ quan quản lý giáo dục, tất cả mức thu, chi đều được tính toán hợp lý, phù hợp trước khi ban hành.
Đảng, Nhà nước ta luôn xác định GD&ĐT là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng để phát triển đất nước. GD&ĐT đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Những thành tựu đáng kể đạt được trong lĩnh vực GD&ĐT là minh chứng cho sự thành công của nền giáo dục Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Việc sử dụng các vấn đề nóng để xuyên tạc nền giáo dục Việt Nam và kích động người dân chống đối chính quyền là những hành động không mới. Đó chỉ là những giọng điệu phá bĩnh và cũ rích của các đối tượng phản động. Vì vậy, mỗi người dân cần tin tưởng vào chủ trương, đường lối đổi mới giáo dục của Đảng, Nhà nước; tích cực lên án, đấu tranh với những kẻ cố tình vu khống, bôi nhọ, phủ nhận những thành tựu quan trọng của nền giáo dục Việt Nam.
Đỗ Thành (BPO)
ConversionConversion EmoticonEmoticon