Sáng nay (19/10) theo giờ Việt Nam, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2023 và kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ, theo lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.
Với nhiều đề xuất chất lượng góp phần giải quyết các mâu thuẫn của nền kinh tế thế giới và kết quả hợp tác nhiều mặt giữa doanh nghiệp, địa phương Việt Nam-Hoa Kỳ, chuyến đi đã góp phần nâng tầm vị thế đối ngoại của Việt Nam.
Cần tư duy mới bao trùm, hài hòa, nhân văn
Tại các sự kiện của Tuần lễ cấp cao APEC 2023, 21 thành viên của APEC và các đối tác quốc tế đánh giá, sau 30 năm hoạt động, APEC đã và đang tiếp tục là động lực then chốt cho tăng tưởng kinh tế thế giới. APEC sẽ đẩy mạnh triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040 về một cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hoà bình vì thịnh vượng của người dân và thế hệ tương lai; thúc đẩy môi trường thương mại và đầu tư tự do, mở, minh bạch, bao trùm; xây dựng hệ sinh thái số không phân biệt đối xử đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng; thống nhất đẩy nhanh triển khai Lộ trình kinh tế internet/kinh tế số APEC. Các nhà lãnh đạo APEC nhất trí cắt giảm và tiến tới loại bỏ hoàn toàn trợ cấp nhiên liệu hoá thạch, đẩy nhanh chuyển đổi năng lượng sạch nhằm thực hiện mục tiêu toàn cầu về cắt giảm khí thải nhà kính về 0…
Trong Khuôn khổ hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF), các nhà lãnh đạo thống nhất thành lập Quỹ IPEF về khí hậu và Quỹ Tài chính xúc tác IPEF với số vốn ban đầu khoảng 30 triệu USD để hỗ trợ các dự án về chuyển đổi kinh tế sạch.
Với những đóng góp tích cực, trách nhiệm đối với APEC trong 25 năm qua, tại Tuần lễ cấp cao APEC lần này, Tổng thống Joe Biden mời Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự và phát biểu tại nhiều phiên họp quan trọng và các đề xuất, đóng góp được các thành viên đánh giá cao. Chủ tịch nước đã chỉ ra nhiều mâu thuẫn của kinh tế thế giới hiện nay cần giải quyết, đó là tăng trưởng kinh tế nhưng khoảng cách giàu nghèo gia tăng và tàn phá môi trường ngày càng nghiêm trọng; Trong quá trình toàn cầu hóa thì xu thế bảo hộ, phân tách lại gia tăng mạnh mẽ; Khoa học – công nghệ phát triển nhanh chóng tầm thế giới nhưng khung khổ thể chế vẫn cơ bản giới hạn ở tầm quốc gia; tăng trưởng khuyến khích tiêu dùng nhưng lại không thể huy động đủ nguồn lực cho các Mục tiêu phát triển bền vững. Để giải quyết căn bản những mâu thuẫn này, Chủ tịch nước nhấn mạnh, cần một tư duy mới bao trùm, hài hoà và nhân văn ở cả ba cấp độ.
Ở phạm vi quốc gia, các chính sách phát triển kinh tế không chỉ nhằm tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, mà còn nâng cao chất lượng việc làm, gia tăng thu nhập cho người lao động, góp phần bảo tồn môi trường sinh thái. Ở tầm khu vực và toàn cầu, hợp tác giữa các quốc gia không chỉ hướng đến cắt giảm khí thải, chuyển đổi năng lượng sạch, mà cần tạo điều kiện để các nước đang phát triển mở rộng quy mô nền kinh tế và thu hẹp khoảng cách phát triển. Và cuối cùng, tại mỗi doanh nghiệp, triết lý kinh doanh mới là gắn kết lợi nhuận của doanh nghiệp với lợi ích chung của xã hội.
Để thực hiện các tư duy mới này, theo Chủ tịch nước, các thành viên APEC cần cởi mở, chân thành, đối thoại có tính xây dựng; tập trung giúp các thành viên nâng cao khả năng tự chủ, sáng tạo và ứng dụng khoa học – công nghệ, khuyến khích đầu tư mới vào xây dựng kết cấu hạ tầng, thúc đẩy các mô hình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… Đặc biệt là khôi phục và củng cố niềm tin vào tự do hóa thương mại và đầu tư, bởi từ năm 2019 đến nay đã có hơn 3.000 rào cản thương mại được lập ra:
“Hơn bao giờ hết, APEC cần tái khẳng định cam kết duy trì mở cửa thị trường, đẩy mạnh liên kết kinh tế quốc tế, ủng hộ một nền kinh tế thế giới mở, bao trùm và bền vững. Bảo đảm lợi ích từ thương mại được phân phối rộng khắp và bình đẳng trong xã hội. Tự do thương mại và đầu tư sẽ giúp các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương nâng cao sức cạnh tranh, tiếp tục là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư”.
Tháp tùng Chủ tịch nước trong chuyến đi, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, đóng góp nổi bật của Việt Nam là những ý tưởng và đề xuất của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhằm ứng phó với các vấn đề cấp bách của kinh tế thế giới, đặc biệt là yêu cầu về một tư duy mới bao trùm, hài hoà và nhân văn. Chủ tịch nước cũng đã có những đề xuất cụ thể đối với sứ mệnh và nhiệm vụ của APEC trong giai đoạn mới: đó là duy trì và củng cố những thành tựu quan trọng về tự do hoá và tạo thuận lợi thương mại, đầu tư tại châu Á-Thái Bình Dương và toàn cầu; hợp tác xây dựng khu vực tự cường, từng nền kinh tế tự cường, sẵn sàng ứng phó với các thách thức; tạo khuôn khổ hợp tác hỗ trợ các nền kinh tế thành viên tận dụng cơ hội phát triển, thúc đẩy động lực tăng trưởng.
Các đề xuất của Chủ tịch nước gợi mở những hướng đi mới cho APEC và các thành viên nhất trí ủng hộ đề xuất của Việt Nam đăng cai năm APEC 2027, tin tưởng vào vai trò Chủ tịch APEC 2027 của Việt Nam.
Trước nguy cơ các nước sẽ khó hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ vào năm 2030, thậm chí chậm thêm 35 năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tháp tùng Chủ tịch nước trong chuyến đi cho biết, APEC đánh giá cao đề xuất của Chủ tịch nước về đẩy mạnh huy động nguồn lực tài chính công-tư để giải quyết vấn đề này. Điều này cũng thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong tham gia vào nền kinh tế toàn cầu, mục tiêu là phát triển bền vững. “Để đảm bảo phát triển bền vững thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như là kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và nền kinh tế trọng cung cũng như vấn đề chuyển đổi năng lượng cân bằng. Để đạt được điều đó, các nước cần chung tay huy động các nguồn lực công và nguồn lực tư”, Bộ trưởng Hồ Đức Phơc phân tích và cho rằng, nguồn lực tư nhân như là từ các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư trong nước; nguồn lực công ngoài ngân sách là ODA, vốn ưu đãi của nước ngoài.
Bên cạnh các hoạt động chính tại APEC, Chủ tịch nước có hàng loạt cuộc tiếp xúc song phương với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình; Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio; Quốc vương Brunei Hasanal Bolkiah, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, Tổng thống Peru Dia Boluarte, Thủ tướng Australia Anthony Albanese. Các cuộc gặp nhằm thúc đẩy hợp tác song phương giữa Việt Nam với các nước cũng như thúc đẩy hợp tác trong APEC.
Thúc đẩy Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ
Diễn ra đồng thời với các hoạt động tại APEC, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và đoàn cấp cao Việt Nam cũng đã có nhiều hoạt động song phương với đối tác Hoa Kỳ. Tháng 9/2023 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden đã ra Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Do đó các hoạt động thúc đẩy hợp tác song phương trong chuyến đi này nhằm cụ thể hóa và thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện hai nước.
Sự kiện mang tính điểm nhấn là Chủ tịch nước đã đối thoại với Hội đồng Quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ, tổ chức được thành lập từ năm 1921 và có khoảng 5.000 thành viên bao gồm nhiều cựu chính trị gia cấp cao và các chính trị gia, có ảnh hưởng nhiều đến chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Thông điệp Chủ tịch nước nêu ra là Việt Nam xác định và nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại: Độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Việt Nam thực hiện đường lối quốc phòng “bốn không” là: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và cứu trợ nhân đạo quốc tế…
Về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, Chủ tịch nước khẳng định rằng, chưa bao giờ quan hệ giữa Việt Nam – Hoa Kỳ phát triển tốt đẹp như ngày nay; từ cựu thù trở thành Đối tác chiến lược toàn diện. Đây thực sự là hình mẫu trong lịch sử quan hệ quốc tế về hàn gắn và xây dựng quan hệ sau chiến tranh. Lãnh đạo Hoa Kỳ đã khẳng định ủng hộ một nước Việt Nam “mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng”. Việt Nam xác định Hoa Kỳ là đối tác có tầm quan trọng chiến lược trong chính sách đối ngoại. “Chúng tôi cũng tin tưởng vào triển vọng tươi sáng của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ”, Chủ tịch nước nêu rõ.
Tham gia buổi đối thoại của Chủ tịch nước với Hội đồng Quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ, Giáo sư Larry Bermang, tác giả của nhiều cuốn sách viết về Việt Nam, đánh giá, chuyến đi này của Chủ tịch nước khẳng định vị thế đặc biệt của Việt Nam trên trường quốc tế và sự cấp thiết của việc triển khai các cam kết của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Vai trò của Việt Nam ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương thời gian qua đã được nâng lên rõ rệt. Tuần lễ cấp cao APEC là nơi khẳng định vị thế, tầm quan trọng của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề toàn cầu. Cùng với đó là quảng bá sự phát triển, thành công của Việt Nam về mọi mặt.
Tại San Francisco, Chủ tịch nước cũng đã tiếp Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về khí hậu John Kerry; tiếp Thống đốc Bang Califonia; tiếp Phó Thị trưởng Phó Thị trưởng thành phố Los Angeles; tiếp Đoàn Liên minh doanh nghiệp Hoa Kỳ-APEC và tiếp lãnh đạo các tập đoàn Apple, Boeing; thăm Trung tâm y tế thuộc Đại học Stanford. Trong các cuộc gặp, Chủ tịch nước nhấn mạnh, các thỏa thuận cấp cao hai nước chỉ thành công khi có sự vào cuộc, hợp tác giữa địa phương hai nước và đề nghị thúc đẩy hoạt động hợp tác, kết nghĩa địa phương; kêu gọi các nhà đầu tư Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam. Chủ tịch nước khẳng định, những vấn đề mà nhà đầu tư Hoa Kỳ chưa hài lòng cũng chính là những vấn đề Việt Nam ưu tiên giải quyết.
Hưởng ứng thông điệp của Chủ tịch nước, Tọa đàm kết nối doanh nghiệp và địa phương Việt Nam-Hoa Kỳ, đã có hơn 10 biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp, địa phương hai nước được ký kết, về giáo dục và đào tạo; giảm phát thải khí nhà kính; phát triển các khu công nghiệp; phát triển đô thị và du lịch sinh thái; tiêu thụ nông sản; ươm tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch; cơ sở hạ tầng cảng biển; trí tuệ nhân tạo; phát triển năng lượng tái tạo…
Tháp tùng Chủ tịch nước trong chuyến đi, Bí thư tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, đây là chuyến đi thành công của Hưng Yên khi đã ký kết 4 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực như xuất khẩu nông sản vào hệ thống siêu thị Hoa Kỳ, phát triển khu khu công nghiệp bán dẫn tại Hưng Yên… Ông cho biết, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh nhiều lần trong chuyến đi, đó là hợp tác về kinh tế phải có sự tham ra chặt chẽ của các địa phương vì tất cả các dự án đều triển khai trên một địa phương cụ thể. Do đó, các địa phương phải tích cực ngay từ khâu đầu, đó là tiếp xúc, xúc tiến gặp gỡ các nhà đầu tư tiềm năng.
Bí thư Thành phố Hải Phòng Lê Tiến Châu thì cho biết, Hải Phòng đã đàm phán kết nghĩa với Thành phố Winston của Hoa Kỳ; ký kết với 3 cảng thuộc dạng lớn nhất của Hoa Kỳ là Oakland; Los Angeles cảng ở New York. Tuy nhiên, muốn hiện thực hóa các cam kết thì Chính phủ và các địa phương cần nhanh chóng chuẩn bị các điều kiện để đón các nhà đầu tư Hoa Kỳ. Ví dụ muốn sản xuất các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ lõi, sản xuất chip thì phải có nguồn điện đầy đủ, liên tục và trữ lượng rất tốt, hoặc các nguồn nước đáp ứng các yêu cầu.
Một điểm đáng chú ý là trong chuyến đi, Chủ tịch nước nhiều lần đề cập cũng như tiếp các doanh nghiệp công nghệ cao hàng đầu của Hoa Kỳ. Về điều này, Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp bán dẫn John Neuffer đánh giá cao lãnh đạo Việt Nam rất quan tâm tới lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là công nghiệp bán dẫn và các nhà đầu tư Hoa Kỳ rất quan tâm. Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đánh giá cao năng lực và các hoạt động hoạch định chính sách hiện nay của Việt Nam và hy vọng sẽ thấy tầm nhìn lớn của Việt Nam chuyển thành những bước đi cụ thể để có thể khuyến khích đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam.
Với khoảng 2,4 triệu kiều bào cùng 30 nghìn học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tập tại Hoa Kỳ, trong các buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc, đồng thời khẳng định, người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc.
Trong thời gian tại San Francisco, Chủ tịch nước đã thăm gia đình Việt kiều Phạm Văn Tịch và gặp mặt một số kiều bào tại nhà riêng của ông. Ông Phạm Văn Tịch sinh năm 1952 tại Quảng Nam trong một gia đình yêu nước. Xung phong hỗ trợ bộ đội nên năm 1967, trong một trận bom, ông bị thương nặng và phải cưa hai chân. Sau đó ông may mắn gặp một nhóm bác sỹ và nhà thiện tâm yêu chuộng hoà bình đưa sang Hoa Kỳ điều trị và được nhận nuôi tại Hoa Kỳ.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước trân trọng đánh giá cao những tình cảm của ông dành cho Tổ quốc, dù thương tật nhưng ý chí vươn lên mạnh mẽ, tình yêu nước bao la, sự chia sẻ với cộng đồng người Việt, nhất là với các bạn trẻ. Cho biết đất nước đã đạt nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng tăng, Chủ tịch nước khẳng định, kết quả đó có sự đóng góp của người Việt Nam yêu nước ở trong nước cũng như toàn thế giới. Chủ tịch nước mong rằng các thế hệ kiều bào tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, chủ động thông tin để cộng đồng bà con ta tại Hoa Kỳ, nhất là kiều bào trẻ thế hệ thứ hai, ba, hiểu rõ hơn về tình hình đất nước và chủ trương đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.
Có thể nói chuyến tham dự Tuần lễ cấp cao APEC và kết hợp các hoạt động song phương của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Phu nhân và đoàn cấp cao Việt Nam đã thành công tốt đẹp, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam ở cả hợp tác đa phương APEC và song phương với Hoa Kỳ.
Vũ Dũng-Phạm Huân-Vũ Hợp/VOV
ConversionConversion EmoticonEmoticon