Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Nghị định tạo cơ sở pháp lý khuyến khích, động viên cán bộ dám nghĩ, dám làm, tuy nhiên còn nhiều vấn đề đặt ra để có thể thúc đẩy thành một xu hướng.
Nghị định ra đời trong bối cảnh đã, đang tồn tại điểm nghẽn trong hoạt động quản lý nhà nước và sản xuất, kinh doanh. Tình trạng "nằm yên nghe ngóng", sợ làm, sợ trách nhiệm, sợ liên lụy bản thân nên né tránh, đùn đẩy, không tham mưu, đề xuất hoặc chỉ làm chiếu lệ, đóng khung... đang lan ra nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương. Một số ý kiến nhân sự thể đó tìm cách quy lỗi cho "công cuộc củi lửa", cho rằng vì chúng ta bắt nhiều, xử lý nhiều cán bộ, đảng viên nên tạo "vệt dầu loang", gây tâm lý lo lắng, hoang mang, không dám làm, sợ trách nhiệm. Từ đó, số ý kiến này cho rằng, để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, gạt bỏ tư tưởng lo lắng thì cần dừng lại, hạn chế việc xử lý "củi khô, củi tươi"!
Quan điểm nêu trên không đúng với tinh thần phòng, chống tham nhũng mà chúng ta đang quyết tâm thực hiện lâu nay. Khẳng định những kết quả đạt được về phòng, chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian qua là rất quan trọng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý thời gian tới cần chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, làm cầm chừng, "phòng thủ, che chắn", giữ an toàn, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. "Tôi đã nhiều lần nói rồi, nay xin nhắc lại: Những ai có tư tưởng ấy thì hãy đứng sang một bên để người khác làm! Tất cả chúng ta, nhất là những người trực tiếp làm công tác tổ chức, cán bộ, phải có ý chí, quyết tâm cao, có tấm lòng trong sáng, có con mắt tinh đời, đừng "nhìn gà hóa cuốc"; "đừng thấy đỏ tưởng là chín", Tổng Bí thư nêu rõ.
Thực tiễn, với sự quyết tâm, quyết liệt chống tham nhũng, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm đã tạo ra sự cảnh tỉnh, răn đe và phòng ngừa chung. Do đó, cùng với việc làm rõ, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực thì việc khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung là rất quan trọng, tạo cơ sở để tháo gỡ những điểm nghẽn, tư tưởng cầm chừng hiện nay.
Theo Nghị định 73, cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý, viên chức quản lý, người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn nhằm tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung. Khuyến khích, bảo vệ cán bộ có đề xuất đổi mới, sáng tạo được cơ quan sử dụng cán bộ xem xét, quyết định cho thực hiện trong phạm vi thẩm quyền theo quy định của pháp luật, bảo đảm không trái quy định của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan nhà nước cấp trên và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên...
Nghị định cũng nêu rõ, cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung có thể không bị xử lý trách nhiệm, được loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm theo quy định. Không được lợi dụng chính sách, biện pháp khuyến khích, bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi tham nhũng, tiêu cực, trục lợi, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước hoặc làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong trình tự, thủ tục phê duyệt và triển khai thực hiện các đề xuất đổi mới, sáng tạo...
Trên thực tế, vấn đề này từng được đề cập trong Nghị quyết Đại hội IV và V nhưng đến Đại hội VI của Đảng thì dám nghĩ, dám làm hay chủ trương "những việc cần làm ngay" mới được thổi luồng sinh khí mới. Nghị quyết 05/1988 của Hội nghị Trung ương 5, khóa VI lần đầu tiên đưa "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm" trở thành một tiêu chuẩn đối với cán bộ lãnh đạo. Đến Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng khẳng định quan điểm xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đồng thời có cơ chế khuyến khích, bảo vệ họ... Quy định 22/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII nhấn mạnh "công tác kiểm tra, giám sát phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung". Từ đó, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 14/2021 về vấn đề này và tạo tác động tích cực đến tâm lý xã hội, tạo ý chí phấn đấu vượt khó, sáng tạo cho đội ngũ cán bộ.
Nghị định 73 về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung ra đời được kỳ vọng sẽ mang lại luồng sinh khí mới, gỡ vướng và tạo bước chuyển biến tích cực trong bối cảnh nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đang có tâm lý làm việc cầm chừng, nghe ngóng, sợ liên lụy trách nhiệm. Tuy nhiên, để nghị định đi vào cuộc sống và trở thành xu hướng, tạo tâm thế với những việc làm cụ thể, con người cụ thể thì còn nhiều điều cần bàn và tháo gỡ. Đó là, khi một cán bộ có ý tưởng đổi mới, sáng tạo thì phải lên kế hoạch và gửi đến người đứng đầu cơ quan sử dụng cán bộ xem xét và các đề xuất này phải trải qua hai tầng phê duyệt, chấp thuận là phê duyệt của tập thể lãnh đạo hoặc của hội đồng đánh giá đề xuất và sự chấp thuận của cấp ủy, tổ chức đảng cùng cấp. Việc phải qua các cấp thẩm định, phê duyệt nhằm đảm bảo tính thận trọng, chặt chẽ và tính khả thi, hiệu quả khi thực hiện. Song, cũng có ý kiến cho rằng, nếu một ý tưởng sáng tạo đưa ra mà phải qua nhiều khâu thẩm định, phê duyệt thì các "cửa ải" này đã làm giảm đi tính thời sự, tính sáng tạo, đột phá cần có.
Thực tiễn cho thấy, có nhiều ý tưởng mới, sáng tạo nhưng vì chưa có tiền lệ nên khi đưa ra tập thể xem xét thì ý tưởng đó dễ bị bác đi bởi tâm lý chung là quan ngại "mới thì dễ sai", "hậu quả ai chịu"... Điểm nữa, việc dám nghĩ, dám làm là phải vì lợi ích chung. Tuy nhiên, thực tiễn, có những lợi ích đan xen chung - riêng, trong đó người đề xuất ý tưởng lại khéo léo "gài" lợi ích riêng phía sau lợi ích chung nên nhìn qua thì tưởng vì cái chung, lợi ích tập thể nhưng thực chất lại mang dụng ý, lợi ích cá nhân là chính. Điều này cũng đòi hỏi sự tinh tế trong đánh giá, nhìn nhận của tập thể, nhất là cấp ủy của cán bộ để phân định rõ lợi ích chung - riêng, tránh để việc đã rồi, gây hậu quả mới vỡ lẽ thì quá muộn. Và, điều quan trọng nữa là nếu ý tưởng, đề xuất sáng tạo đó không đem lại hiệu quả như mong muốn, thậm chí gây hậu quả thì cũng cần có sự đánh giá, xem xét công tâm, khách quan để người dám nghĩ, dám làm không rơi vào trạng thái cô độc khi xác định trách nhiệm.
Dù có những vấn đề khó khăn đặt ra, song quan điểm là không vì khó mà chùn, vì vướng mà thoái thác, né tránh. Trong tiến trình cách mạng, Đảng, Nhà nước ta đã nhiều lần đề cập và đưa ra các chủ trương, giải pháp để khuyến khích, thúc đẩy cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Năm 1962, giữa lúc miền Bắc dồn sức cho kiến thiết và xây dựng CNXH, Bác Hồ đã cổ vũ tinh thần đổi mới, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm trong phát triển sản xuất và xây dựng hợp tác xã. Bác yêu cầu mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên phải nêu gương cho quần chúng trong việc chủ động, kiên quyết khắc phục tư tưởng bảo thủ, trì trệ, đường mòn lối cũ, chậm đổi mới. Trong thư gửi đồng bào và cán bộ xã Nam Liên (xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An ngày nay), ngày 13/2/1962, Bác viết: "Tư tưởng bảo thủ là như những sợi dây cột chân cột tay người ta, phải vất nó đi. Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ dám làm".
Nhìn lại các giai đoạn cách mạng, đặc biệt trong công cuộc đổi mới, có nhiều cán bộ, đảng viên tâm huyết, tiên phong, dám nghĩ, dám làm, kiên định đổi mới và sáng tạo nhằm đạt được mục tiêu vì lợi ích chung. Tổng Bí thư Trường Chinh với đổi mới tư duy kinh tế, khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước. Thủ tướng Võ Văn Kiệt mạnh dạn vượt qua tư duy cũ với nhiều ý tưởng, đề xuất đã được đưa vào văn kiện đại hội, góp phần hình thành đường lối đổi mới toàn diện của Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh chủ trương động viên, khuyến khích mọi người lao động, mọi năng lực sản xuất, mọi thành phần kinh tế để thúc đẩy sản xuất, lưu thông, phân phối với "những việc cần làm ngay".
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc - người đề ra nhiều chủ trương, chính sách đổi mới, sáng tạo, "phá rào" trong đổi mới nông nghiệp để về sau, tên tuổi luôn được nhắc đến... Những tấm gương tiêu biểu ấy đã được tôn vinh, là động lực mà cán bộ hôm nay nhìn vào để có thể vượt lên những rào cản, biết dấn thân vì lợi ích chung của tập thể, xã hội.
Nguồn: Cand.com
ConversionConversion EmoticonEmoticon