Có lẽ chưa bao giờ trào lưu “chữa lành” lại phát triển phổ biến như hiện nay. Bất cứ điều gì khiến tâm hồn con người ta thư thái, an nhiên; những nỗi đau, sự tổn thương được xoa dịu; những cảm xúc suy nghĩ tiêu cực, bất an được vứt bỏ, họ thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, yêu đời hơn thì đều được gọi là “chữa lành”. “Chữa lành” trở thành nhu cầu thực sự của cả một thế hệ, thế nhưng không ít người đang lợi dụng các phương pháp “chữa lành” để trục lợi trên nỗi đau của người khác.
1. Chị Nguyễn Thu Hương (Kim Giang, Hà Nội) tìm được sự “chữa lành” tâm hồn cho mình sau hơn 10 năm ly hôn. Thời gian đầu chị sống khép kín một mình nuôi cậu con trai nhỏ, không muốn giao lưu tiếp xúc với ai. Nhưng sau khi tham gia các phong trào chạy bộ nâng cao sức khỏe, giảm stress, hay những cuộc đi “phượt” vùng cao, chị dần tìm lại được ý nghĩa của cuộc sống. Chị mở lòng mình hơn, vui vẻ, yêu đời hơn, và quan trọng là chị đã đón nhận một tình yêu mới sau những lần tham gia phong trào như thế. Người bạn đời mới của chị cũng là một người đam mê “phượt” và chạy bộ như chị.
Không phủ nhận vai trò của trào lưu “chữa lành” khi nhiều người tự thay đổi được bản thân, cảm xúc, tâm lý, thoát khỏi rối loạn, trầm cảm, lo âu. Nhất là sau đại dịch COVID-19 bủa vây, nhiều thông tin tiêu cực xuất hiện, áp lực về cơm áo gạo tiền đè nặng khiến người trẻ ngày càng quan tâm nhiều hơn tới vấn đề sức khỏe tinh thần, tâm lý.
Chỉ cần lên mạng gõ cụm từ “chữa lành” sẽ cho hơn 60 triệu kết quả tìm kiếm trong vòng 0,2 giây, đủ để thấy trào lưu “chữa lành” đang trở thành “trend” và được nhiều người tìm kiếm. Đi đâu cũng dễ dàng bắt gặp cụm từ “chữa lành”, từ “du lịch chữa lành”, “bộ phim chữa lành”, “đọc chữa lành”, “điện ảnh chữa lành”, “âm nhạc chữa lành”, đến “cách chữa lành tâm hồn”, “cách chữa lành vết thương tâm lý”… Thậm chí là cách “chữa lành cơ thể”, tức là thải độc cơ thể, ăn uống thực dưỡng để chữa các bệnh nan y, tránh rước họa vào người như các “thánh” thực dưỡng đang tuyên truyền.
Bản thân “chữa lành”, đúng như tên gọi của nó là sự xoa dịu, chuyển hóa cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực, bất an, cảm giác bị tổn thương để trở về trạng thái an yên, mãn nguyện, từ đó giúp mỗi người tiếp tục tìm được những niềm vui, ý nghĩa, sống lạc quan hơn. Trong xã hội hiện nay, người ta tìm đến “chữa lành” thông qua nhiều hình thức như thiền định, du lịch trải nghiệm, bỏ phố về quê, âm nhạc, phim ảnh, sách, các podcast, workshop, thể thao… Tuy nhiên, khái niệm “chữa lành” hiện đang gây ra nhiều tranh cãi khi đang là cơ hội kiếm tiền của nhiều người. Không ít cá nhân, tổ chức đang lợi dụng sự bất ổn về tâm lý, nỗi đau trong tâm hồn của nhiều người để lôi kéo, dụ dỗ bán những khóa học “chữa lành” với giá từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng.
Anh Hoàng Minh Anh (Hà Đông, Hà Nội) kể rằng, trước đây anh có một người đồng nghiệp rất giỏi kiến thức văn hóa, nghệ thuật. Người này có thể ngồi hàng giờ giảng giải về Phật pháp, về những chuyện liên quan đến thế giới tâm linh. Nhờ đó mà anh ta có rất nhiều người theo dõi trên các trang mạng xã hội, kênh YouTube cũng như đắt “show” trong các cuộc talk với người trẻ. Cái tên gọi “chuyên gia chữa lành” với anh ta cũng xuất phát từ đó. Thời gian sau, người này nghỉ hẳn việc ở cơ quan và bắt đầu hành trình làm “coach” của mình.
Các khóa học “chữa lành” được anh này mở ra khắp mọi miền đất nước, nhưng điều khiến anh Minh Anh khó chịu là mỗi lần bạn bè, đồng nghiệp hỏi thăm, hay tâm sự về vấn đề gì đó, là người này lập tức gửi… “báo giá” cho một khóa học “chữa lành” với giá cắt cổ. “Chẳng biết có thật sự “chữa lành” cho người khác không, nhưng tôi đã từng thử nghe mà không thể “thẩm” được, vì chỉ toàn giáo điều, sáo rỗng. Những điều ấy ai cũng biết, cũng nhìn nhận được, nhưng quan trọng tùy vào hoàn cảnh mỗi người mới áp dụng được. Còn chắc chắn là “chữa lành” cho người rao giảng rồi vì họ vừa kiếm được tiền vừa làm được công việc họ thích”.
2. Nếu như trước kia khi gặp vấn đề bất ổn về cảm xúc, tâm lý, không thể thổ lộ cho ai, nhiều người phải ôm trong lòng, lâu dần tích tụ, kìm nén dễ dẫn đến trầm cảm, rối loạn tâm thần. Nhưng thời buổi công nghệ 4.0, khắp các mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok, YouTube… dễ dàng bắt gặp các chuyên gia tâm lý với những lời khuyên nhủ, sẻ chia, trở thành cứu cánh cho người trẻ. Rất nhiều câu chuyện người trẻ vượt qua được những áp lực tâm lý, stress lo âu, trầm cảm, hoặc bệnh tật được chia sẻ trên mạng và dần dần câu chuyện của họ trở thành những bài học, kinh nghiệm giúp người khác vượt qua những giai đoạn khó khăn, bất ổn về tâm lý. Và lâu dài chính họ trở thành các chuyên gia tâm lý, thành “coach” để tiếp tục thực hiện “sứ mệnh” đi “chữa lành” cho người khác.
Trong khi các bác sĩ tâm lý thường phải mất 4-5 năm, thậm chí cả chục năm để có bằng cấp liên quan đến tư vấn tâm lý, nhưng với các “chuyên gia”, các “coach” “chữa lành” thì dường như người ta không thấy có một nơi nào đào tạo bài bản, bằng cấp, mà tất cả là tự nhận mà ra. Chỉ cần lên mạng rao giảng bài học đạo đức, đưa ra những lời khuyên nhủ, cảnh báo, được nhiều người ủng hộ, theo dõi, xin tư vấn, hoặc theo học vài khóa học trong vài tháng… là đã có thể trở thành “chuyên gia”. Chưa bao giờ, tư vấn tâm lý lại diễn ra nhanh chóng và dễ dàng đến vậy.
Theo TS. Nguyễn Ngọc Mai, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, khi đời sống vật chất quá dư thừa, thậm chí dư thừa đến mức khủng hoảng, cuộc sống hàm chứa nhiều nguy cơ với những căn bệnh về tinh thần hiển hiện rất rõ trong đời sống hiện đại ngày nay như stress, trầm cảm, thì sẽ nảy sinh nhu cầu cần được giải tỏa, “chữa lành”.
“Người Việt Nam thường không có thói quen trị liệu tâm lý, khi gặp vấn đề trục trặc trong đời sống tinh thần thì lại đi cầu cúng, tìm đến các dịch vụ “chữa lành”, nên hiện nay dịch vụ “chữa lành” do tư nhân tổ chức mọc lên rất nhiều. Đó là quy luật tất yếu. Các trung tâm thường có sự quảng bá rất lớn, ví dụ mời đến hội thảo, kết hợp du lịch tâm linh, bán sản phẩm thực dưỡng nên kích thích tâm lý tò mò muốn trải nghiệm của nhiều người vì đánh đúng vào tâm lý, nhu cầu thực của họ. Nhưng người đứng ra tư vấn thực sự có được đào tạo bài bản hay không, có chứng chỉ không và trung tâm có được cấp phép không thì không ai biết. Có người thấy có hiệu quả, nhưng có người thì không.
Để tránh tiền mất tật mang, mỗi một cá nhân phải tự nâng cao nhận thức, hiểu biết, phải có trí tuệ, có tri thức phân biệt được “chữa lành” thật, “chữa lành” giả, lựa chọn dịch vụ phù hợp với bản thân, túi tiền của mình và để biết bản thân mình có cần được “chữa lành” hay không. Bản thân chính mình có thể tự “chữa lành” được mà không cần phải tìm đến các dịch vụ. Giảm bớt hoạt động vô bổ, chọn công việc phù hợp với hoàn cảnh gia đình, thể trạng sức khỏe, làm việc hiệu quả, hưởng thụ hợp lý là chúng ta đã có thể tự “reset” lại cơ thể và tự “chữa lành”, TS. Nguyễn Ngọc Mai đưa ra quan điểm cá nhân.
Cùng quan điểm này, TS. Bùi Thị Phương Thảo, chuyên gia tâm lý, Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội, cho biết, “Chữa lành” là một quá trình điều trị và phục hồi tái tạo lại sự cân bằng, hài hòa trong tâm hồn và cơ thể của con người. “Chữa lành” là cần thiết trong cuộc sống nhưng hiện nay phương thức “chữa lành” đang có hiện tượng bị lợi dụng để kinh doanh và thương mại hóa quá mức. Những dịch vụ “chữa lành” đang có xu hướng tự phát, ai cũng có thể làm được, ai cũng có thể kinh doanh dù không có chuyên môn gì về y tế, tâm lý. Các cơ quan chức năng hiện nay chưa có quy định cụ thể cho loại hình chữa trị này. Tất nhiên hiện tượng nở rộ trào lưu chữa lành là do quy luật phát triển tất yếu của xã hội, có cung ắt có cầu. Trên thực tế không thể phủ nhận “chữa lành” có nhiều mặt tốt, nhưng hiện nay nhiều dịch vụ “chữa lành” đang biến mọi thứ trở nên cao siêu, huyễn hoặc với mục đích thu tiền. Kiếm tiền trên những người có đau khổ, tổn thương đôi khi lại dễ nhất.
“Chữa lành” thực chất là cơ chế tự nhiên của cơ thể con người, chúng ta cần hướng vào bên trong, lắng nghe cơ thể và tâm hồn mình, để luôn cảm thấy an yên, cân bằng dù bên ngoài xảy ra bất cứ điều gì. “Các cụ ngày xưa cũng thường nói, thời gian là phương thuốc hữu hiệu nhất để “chữa lành” mọi tổn thương. Chúng ta đôi khi chỉ cần sống một cuộc sống thường nhật an yên, nghỉ ngơi, ăn uống điều độ, hòa nhập với thiên nhiên, tĩnh dưỡng là đã có thể tự “chữa lành” mà không cần phải làm điều gì đó cao siêu”, TS. Bùi Thị Phương Thảo cho hay.
Sau thời gian ngắn, nhiều người bắt đầu ngán ngẩm khi các dịch vụ gắn mác “chữa lành” nở rộ. Vì vậy, từ một khái niệm mang ý nghĩa tích cực, “chữa lành” giờ đây mang cả hàm ý châm biếm, mỉa mai về sự bội thực những dịch vụ gắn mác sức khỏe tinh thần. Với những người có tiền, có điều kiện, họ dễ dàng tìm đến các phương pháp “chữa lành”, đi du lịch “chữa lành”, xem phim để “chữa lành”, làm những điều mình thích để “chữa lành” khi gặp vấn đề về tâm lý; còn với những người lao động nghèo đang vật lộn với mưu sinh, với cơm áo gạo tiền thì “chữa lành” dường như không có trong từ điển sống của họ.
Ngọc Trâm (cand.com.vn)
ConversionConversion EmoticonEmoticon