Tổng số lượt xem trang

Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”: Biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam

 

7 giờ ngày 30-12-1972 (giờ Hà Nội), Tổng thống Mỹ Richard Nixon ra lệnh ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra. Cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc nước ta kéo dài 12 ngày đêm của đế quốc Mỹ đã thất bại hoàn toàn…

Tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam

Một trong những nhân tố quan trọng làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 chính là dự báo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Trung ương Đảng-kết tinh trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam trong cuộc đụng độ không cân sức với đế quốc Mỹ xâm lược.

Tháng 3-1966, đến thăm Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Mỹ đã đưa B-52 vào chiến trường, liên tiếp gây tội ác với đồng bào ta ở miền Nam. Ngay từ bây giờ, các chú phải nghiên cứu, chuẩn bị đối phó với B-52, vì sớm muộn, Mỹ sẽ dùng loại máy bay này đánh phá miền Bắc… Chúng ta phải quyết tâm bắn rơi máy bay B-52, phải quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Thực hiện chỉ thị của Người, từ giữa năm 1966, Quân chủng PK-KQ đã đưa các đơn vị tên lửa, radar, không quân tiêm kích và nhiều cán bộ tham mưu, kỹ thuật vào Khu 4 nghiên cứu cách đánh máy bay B-52.

Xác máy bay B-52 ở hồ Hữu Tiệp (quận Ba Đình, TP Hà Nội) bị quân, dân ta bắn rơi cuối tháng 12-1972. Ảnh: SƠN BÌNH

Cuối năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Đại tá Phùng Thế Tài, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam: Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm càng tốt để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội.

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội ta đã chủ động nghiên cứu địch, sớm chuẩn bị lực lượng, tìm cách đánh sáng tạo, phù hợp, quan tâm xây dựng thế trận phòng không nhân dân rộng khắp trên cả nước, vừa chiến đấu, vừa chi viện đắc lực cho chiến trường miền Nam, sẵn sàng đánh thắng không quân Mỹ khi chúng tấn công trên quy mô lớn, quyết tâm bảo vệ vững chắc vùng trời miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Bộ đội Radar, Bộ đội Tên lửa đã vượt lên mọi khó khăn, ác liệt, vừa cơ động kịp thời, phòng tránh, đánh trả hiệu quả, vừa phát huy tinh thần thông minh, sáng tạo, tích cực phối hợp nghiên cứu “vạch nhiễu tìm thù”, “thử lửa” thành công, xây dựng nên cách đánh B-52.

Bộ đội Không quân tranh thủ ngày đêm huấn luyện bay, rèn luyện tinh thần và kỹ năng chiến đấu, thực hành thành thạo chiến thuật “bí mật tiếp cận, tấn công bất ngờ, thoát ly thật nhanh” nhằm tiêu diệt các loại máy bay tiêm kích, cường kích, máy bay chỉ huy, dẫn đường, gây nhiễu… Bộ đội Pháo cao xạ đã phối hợp với dân quân, tự vệ phòng không trên cả nước huấn luyện, sử dụng thành thạo đa dạng các loại súng, pháo phòng không, kể cả súng bộ binh, tinh thông chiến thuật… Qua mỗi việc làm, từng ngày chiến đấu, các đơn vị đã kịp thời đánh giá tình hình, rút kinh nghiệm về cách đánh và phòng tránh B-52 hiệu quả nhất để phổ biến cho toàn quân, toàn dân nhằm giảm tối đa tổn thất.

Ngày 24-11-1972, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng thông qua và phê chuẩn kế hoạch đánh B-52 bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng của Quân chủng PK-KQ; đồng thời căn dặn: “Trước ngày Nixon nhậm chức, Mỹ có thể mở đợt tập kích bằng không quân chiến lược ra Hà Nội, Hải Phòng. Các đồng chí phải nắm địch thật chắc, tuyệt đối không để bị bất ngờ… phải tập trung mọi khả năng nhằm đúng đối tượng B-52 mà tiêu diệt”. Đầu tháng 12-1972, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhận định: “Để gây sức ép với ta, trước sau Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ném bom Hà Nội. Quân dân ta, mà nòng cốt là Quân chủng PK-KQ, phải kiên quyết làm thất bại âm mưu này của chúng”.

Có thể thấy, về mặt chiến lược, Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã hoàn toàn chủ động, không hề bị bất ngờ trước “mưu thâm”, “kế hiểm” của đế quốc Mỹ. Nói cách khác, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam đã được phát huy cao độ trong quá trình chuẩn bị đánh bại cuộc tập kích chiến lược của không lực Hoa Kỳ trên bầu trời miền Bắc.

Lúc 19 giờ 10 phút ngày 18-12-1972, hệ thống radar của ta bắt được tín hiệu chiếc B-52 đầu tiên hướng về Hà Nội, mở đầu đòn tập kích chiến lược của địch. Sau đó 5 phút, Bộ Tổng Tư lệnh phát lệnh báo động toàn miền Bắc. Cuộc chiến đấu chính thức bắt đầu. Do đánh giá chính xác âm mưu, hành động của địch, có sự chuẩn bị sớm từ trước, lúc 20 giờ 13 phút, Bộ đội Tên lửa bắn hạ chiếc B-52 đầu tiên (rơi tại Phù Lỗ, Sóc Sơn, Hà Nội). Giáo sư Sử học người Mỹ Weldon A.Brown mô tả: “Trong 12 ngày đêm liên tục, Mỹ đã tiến hành một cuộc ném bom rải thảm mà sự tàn phá đã lớn hơn sự tàn phá của các cuộc ném bom suốt trong cả cuộc chiến tranh từ trước đó cho tới lúc bấy giờ”. Tuy nhiên, bằng bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, trải qua 12 ngày đêm chiến đấu, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi tổng cộng 81 máy bay Mỹ các loại, trong đó có 34 chiếc B-52, bắt sống nhiều giặc lái, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến lược.

Trong lịch sử nước Mỹ, có lẽ nhiều đời sau sẽ vẫn phải khắc khoải bởi đọc những trang viết buồn vì cha ông của họ đã gây nên cuộc chiến tranh xâm lược đẫm máu, phi nhân tính ở Việt Nam và sẽ còn tốn nhiều thời gian, công sức, giấy mực để tìm lời giải đáp: Vì sao một siêu cường lại thất bại cay đắng ở Việt Nam? Tại sao siêu pháo đài bay B-52-vũ khí tối tân hiện đại nhất, niềm kiêu hãnh, tự hào của nền khoa học-công nghệ quân sự Mỹ, lại tan xác trên bầu trời Hà Nội? Tại sao cha ông của họ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán ký kết Hiệp định Paris vào ngày 27-1-1973?… Những câu hỏi về sự thất bại đó và chiến thắng vang dội của nhân dân Việt Nam trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 chỉ có thể được lý giải bởi dự báo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Lao động Việt Nam về sự kết hợp hài hòa giữa cách mạng và khoa học, giữa dám đánh và biết đánh, giữa ý chí kiên định, bản lĩnh vững vàng với năng lực chỉ huy, lãnh đạo tài giỏi; giữa khí phách của chủ nghĩa anh hùng và tài trí tuyệt vời của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Việt Nam.

Sự hội tụ của truyền thống đoàn kết, yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng 

Trên thực tế, để đánh bại âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ, vấn đề dựa chắc vào dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của “thế trận lòng dân” là một tất yếu khách quan. Sức mạnh tổng hợp của toàn dân được biểu hiện rất sinh động. Đó là sự thông minh, sáng tạo kết hợp với “thế trận lòng dân” vững chắc, với bản lĩnh, trí tuệ, nghệ thuật tác chiến, nghệ thuật quân sự trong xây dựng thế trận và sử dụng phòng không hợp lý với nhiều tầng, nhiều nấc, sử dụng và phát huy lực lượng không quân khoa học, sáng tạo, linh hoạt, cơ động, bí mật hơn cả các tính năng của vũ khí hiện đại để đánh thắng giặc Mỹ ngay trên bầu trời Hà Nội. Ở đó, con người và vũ khí, trang bị kỹ thuật được phát huy cao độ nhất trong điều kiện khốc liệt nhất.

Theo thống kê, tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương trên miền Bắc, đế quốc Mỹ đã huy động lực lượng lớn nhất máy bay chiến đấu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai với 193 máy bay ném bom chiến lược B-52, được mệnh danh là “siêu pháo đài bay”, “thần tượng bất khả chiến bại”, cùng hơn 1.000 máy bay chiến thuật và nhiều tàu sân bay, tàu chiến đấu hiện đại. Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã ở miền Bắc phải hứng chịu hơn 80.000 tấn bom đạn tàn phá của đế quốc Mỹ. Riêng Thủ đô Hà Nội, địch sử dụng 444 lượt máy bay B-52 cùng hàng nghìn lượt máy bay chiến thuật, ném hơn 10.000 tấn bom hủy diệt nhiều khu phố, làng mạc, nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga…

Tuy nhiên, tiến công vào Hà Nội-Thủ đô “ngàn năm văn hiến”, đế quốc Mỹ đã xâm phạm vào “hồn thiêng sông núi”-biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân Việt Nam, biểu tượng của nền hòa bình, công lý, lương tri và phẩm giá của con người trong thời đại Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, quân và dân Hà Nội đã biến đau thương thành hành động cách mạng, giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi cuối cùng; phát huy sức mạnh tổng hợp của thế trận phòng không nhân dân vững chắc, hiệp đồng tác chiến chặt chẽ giữa các lực lượng, quyết đánh, quyết thắng và biết đánh, biết thắng.

Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” một lần nữa cho thấy sức mạnh to lớn của truyền thống đoàn kết, yêu nước của nhân dân Việt Nam. Viết về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, Rober Ghilanh, học giả người Mỹ khẳng định: “Chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa yêu nước đã nhân lên gấp bội ý chí hy sinh quên mình của người chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Họ vẫn tiếp tục chiến đấu dưới làn bom đạn khủng khiếp của Mỹ… Thực chất là người Mỹ đã không biết tý gì về đất nước mà họ đã tiến công… Người Mỹ có thể tàn phá đất nước này bằng bom đạn, nhưng đất nước này thậm chí kể cả khi bị tổn thương vẫn không chịu cúi đầu, vẫn không chịu khuất phục”.

Trong Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam được nhân lên tầm cao mới, thể hiện ở lòng can trường, đức chiến đấu hy sinh của quân và dân Thủ đô, quân và dân cả nước vì một lý tưởng cao đẹp “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, đã làm lay động biết bao trái tim nhân hậu, yêu chuộng hòa bình. Trong những tháng ngày lịch sử đó, Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung đã trở thành tiêu điểm, trung tâm tập hợp, đoàn kết mọi lực lượng đấu tranh cho hòa bình, công lý của nhân loại trên toàn cầu. Nhiều phong trào tuần hành, biểu tình phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ diễn ra liên tục và rộng khắp trên mọi châu lục; đặc biệt là châu Âu, châu Mỹ, ngay cả ở những nước là đồng minh của Mỹ và giữa lòng nước Mỹ. Nhiều tiếng nói, khẩu hiệu phản đối chiến tranh, lập lại hòa bình, “không được đụng đến Việt Nam”, “quân Mỹ phải cút khỏi Việt Nam” từ các phong trào phản đối cuộc ném bom man rợ vào Thủ đô Hà Nội, hay sự cổ vũ và ủng hộ tinh thần chiến đấu của nhân dân Việt Nam từ học sinh, sinh viên, trí thức, cựu chiến binh Mỹ, báo chí và phương tiện truyền thông đại chúng đã tác động sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân Mỹ và các nước trên thế giới, đặc biệt là giới chính trị gia, đã làm rung chuyển, xáo trộn chính trường Mỹ, đẩy cuộc “chiến tranh giữa lòng nước Mỹ” đến cực điểm, góp phần buộc Mỹ phải xuống thang, trở lại bàn đàm phán ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” là một trong những chiến thắng vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20, là chiến thắng của sức mạnh chính trị, tinh thần của toàn thể dân tộc Việt Nam, là chiến thắng của niềm tin và ý chí, của quyết tâm dám đánh, biết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, được sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của các nước và nhân dân tiến bộ trên thế giới…

GS, TS LÊ VĂN LỢI, Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son