Những ngày cuối năm, có mặt tại xóm Khau Dề – một xóm còn nhiều khó khăn của xã Thái Sơn, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, chúng tôi thấy được sự đổi thay của bản làng, niềm vui, sự phấn khởi của bà con khi đời sống kinh tế, tinh thần đang ngày một tốt hơn. Vui nhất là một số điểm đã kéo được điện lưới, cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ cho sinh hoạt chung và điểm trường được cải thiện, đầu tư, người dân trong xóm được hưởng thụ.
Cùng ăn ở, sinh hoạt với đồng bào
Chia sẻ niềm vui này với chúng tôi, ông Ma A Tú, trưởng xóm Khau Dề cho biết, người dân trong xóm vui lắm, Khau Dề có được như ngày hôm nay có sự góp công, góp sức của các lực lượng, chính quyền địa phương, đặc biệt là Công an huyện Bảo Lâm đã quan tâm, đồng hành với người dân.
Đại úy Đặng Phú Hùng, Trưởng Công an xã Thái Sơn cho biết, Khau Dề là một trong những địa bàn phức tạp về hoạt động của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình (TCBHP DVM), xóm có gần 100 hộ dân tộc Mông thì có tới 47 hộ bị ảnh hưởng, tin theo TCBHP DVM. Thời gian qua, công an xã cùng Công an huyện Bảo Lâm, nhất là Đội An ninh đã gắn bó, đồng hành với người dân trong xóm, gây dựng được sự tin cậy với người dân nơi đây. Từ một điểm nóng về số hộ theo TCBHP DVM, đến nay, các hộ đã cam kết, đồng lòng từ bỏ, tích cực tham gia sản xuất, phát triển kinh tế. Đặc biệt, “cán bộ công an của Đội An ninh còn là “con nuôi” của trưởng xóm. Đây là minh chứng cho tình cảm, sự tin cậy, yêu quý của đồng bào dành cho cán bộ công an cơ sở”, Đại úy Đặng Phú Hùng cho hay.
Để có được sự tin cậy này, ông Ma A Tú cho biết, cuộc sống của người Mông ở xóm Khau Dề còn nhiều khó khăn, trong xóm nhiều hộ nghèo, ở vùng núi cao heo hút, không có điện, đường sá đi lại khó khăn. Trong xóm nhiều hộ lại theo TCBHP DVM, theo đó, cái đói, cái nghèo cứ đeo bám.
“Từ khi lực lượng Công an chính quy về xã và cán bộ của Đội An ninh Công an huyện xuống bản ở cùng dân, tuyên truyền cho người dân hiểu về những sai trái của tổ chức bất hợp pháp, giúp người dân phát triển kinh tế, làm đường, kéo điện về xóm đã thực sự tạo nên một diện mạo mới cho xóm vùng cao chúng tôi. Với những việc làm của lực lượng Công an đối với dân bản, các đồng chí công an đã trở thành người con của xóm. Tôi đã nhận những đồng chí ấy là “con nuôi”, trong đó có Đại úy Nông Tuấn Anh, Đội trưởng Đội An ninh, Công an huyện Bảo Lâm”, ông Ma A Tú nói.
Trong câu chuyện với chúng tôi, Đại úy Nông Tuấn Anh cho biết, Khau Dề là địa bàn đầu tiên đồng chí được phân công phụ trách từ khi nhận công tác năm 2014. Đây cũng là một trong những địa bàn “nóng” về hoạt động của TCBHP DVM. Chia sẻ về những ngày đầu tiếp cận địa bàn, Đại úy Nông Tuấn Anh cho biết, là một cán bộ trẻ từ công an tỉnh được phân công, công tác vào địa bàn, đi xuống bản với nhiều bỡ ngỡ. “Khi xuống bản, người dân ban đầu còn không tiếp cán bộ, gặp ai cũng nói “chư pâu” (không biết – PV), họ không hợp tác thì rất khó để nói chuyện”, Tuấn Anh nói.
Ở nơi vùng cao heo hút gió ngàn, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, cùng với đó, nhận thức về các tổ chức bất hợp pháp còn hạn chế, do vậy để làm quen với họ, Nông Tuấn Anh cùng các đồng chí trong Đội An ninh đã từng bước làm quen địa bàn, quen nếp sống và quen với từng hộ. Từng bước cần mẫn như vậy, lực lượng Công an đã chứng minh cho người dân trong xóm thấy được tình cảm chân thành của cán bộ đối với họ. Sự chân thành thể hiện ở hành động cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân. Trong xóm có việc to việc nhỏ, cán bộ công an đều có mặt hỗ trợ, từ làm nông, lên nương, đi mua trâu, bò giống cho tới “làm bác sĩ thú y” khi trong xóm có hộ chăn nuôi lợn, gà, trâu bò bị làm sao cũng gọi tới. Khi dân gọi là cán bộ có mặt, không quản ngày đêm, chính vì sự nhiệt tình, năng động và quan tâm đó, người dân trong xóm đã bắt đầu cởi mở với cán bộ công an.
“Khi họ thấy được những việc lực lượng Công an làm, tư tưởng thông thì mới vận động thành công được. Từ sự kiên trì và “3 cùng” với dân, nên những người theo TCBHP DVM khi tiếp cận và nghe cán bộ tuyên truyền đã hiểu rõ bản chất và cam kết từ bỏ”, Nông Tuấn Anh nói.
Gây dựng được niềm tin của người dân là phần thưởng lớn nhất đối với lực lượng Công an cắm bản. Đại úy Nông Tuấn Anh cho biết, khi tiếp cận địa bàn, mỗi cán bộ đều chủ động học tiếng Mông để có thể giao tiếp, sinh hoạt với đồng bào. Với những việc làm thường nhật và sự chân thành của cán bộ công an đã giúp người dân bắt đầu tin tưởng vào cán bộ. Lực lượng Công an đã phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tăng cường tuyền truyền vận động người dân thực hiện tang ma văn minh, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện của từng gia đình”, Đại úy Nông Tuấn Anh nói.
Trong quá trình tiếp xúc với người dân, lắng nghe ý kiến của họ thì mong muốn lớn nhất của người dân trong xóm là có điện, xóm vẫn chưa có điện lưới quốc gia, chủ yếu sử dụng máy phát điện mini. Ở vùng sâu, vùng xa, việc kéo điện về xóm là vấn đề nan giải. Bởi, ở đây, đường đi đến xóm còn khó khăn, xã Thái Sơn cách trung tâm huyện 23km, từ trung tâm xã đến xóm Khau Dề chỉ khoảng 9km, tuy nhiên chủ yếu là đường mòn, dốc đứng, xe máy có thể đi được nhưng cũng rất khó khăn, nhất là khi trời mưa. Do vậy, trước mong muốn của người dân, lực lượng Công an đã tham mưu cho các cấp chính quyền để xây dựng việc kéo dây điện và cấp điện cho người dân. Theo đó, đầu năm 2022, đường điện đầu tiên được kéo đến Trường Tiểu học Bản Là, bước đầu ưu tiên phục vụ trường học. Đến nay, đã kéo được 3 đường điện lên xóm, ai cũng vui và phấn khởi”, Nông Tuấn Anh nói.
Khi có điện về xóm, ông Ma A Páo, một người dân ở xóm Khau Dề vui mừng chia sẻ với chúng tôi: Dân trong xóm vui lắm, ai cũng phấn khởi, từ trẻ em tới người già. Từ khi có lực lượng Công an về xóm, quan tâm tới đời sống của người dân, ai cũng quý mến. “Các chú không chỉ kéo điện mà còn hỗ trợ những hộ khó khăn trong xóm dựng lại nhà cửa, lên rẫy trồng ngô, thu hoạch ngô sắn. Ma chay, hiếu hỉ đều có mặt giúp đỡ gia đình. Người dân trong xóm cảm ơn cán bộ công an”, ông Ma A Páo nói.
Ông Ma A Tú cho biết, có điện là mong ước mà lực lượng Công an đã hiện thực hóa giúp người dân Khau Dề. Vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, kéo được điện đến xóm là cả một hành trình gian nan, bà con trong xóm rất trân trọng. Mặc dù đến nay đã có 3 đường điện và một số hộ có điện nhưng cũng đã minh chứng cho những nỗ lực của lực lượng Công an với dân bản. Không chỉ có điện, xóm còn được đầu tư nhà văn hóa, cải tạo sửa chữa đầu tư thiết bị dạy học cho trường mẫu giáo và trường tiểu học. Một số hộ khó khăn còn được ưu tiên hỗ trợ về vốn, vật nuôi, bò giống; hỗ trợ làm nhà như hộ gia đình Vừ A Thè, Vừ A Thành, Vừ A Tú.
“Những việc làm cho người dân Khau Dề của lực lượng Công an được người dân ghi nhận. Qua thời gian, hiểu được các cán bộ, tình cảm của cán bộ dành cho người dân là thật lòng, đáng quý” ông Ma A Tú nói.
Xóa bỏ mê tín, từ bỏ đường mê
Bí thư Chi bộ xóm Khau Dề Hứa Văn Thủy cho biết, sự chuyển biến rõ nét nhất ở Khau Dề cho tới thời điểm này là người dân đã thay đổi được nhận thức, biết đúng – sai, không nghe theo kể xấu, cam kết từ bỏ TCBHP DVM. Khi cán bộ, công an lên xóm, người dân đã niềm nở, cởi mở, trao đổi rất hợp tác. Người uy tín trong xóm và trưởng xóm đã phối hợp với lực lượng Công an tuyên truyền, vận động người dân trở lại cuộc sống bình thường, an tâm sản xuất, thực hiện các mô hình ANTT.
Trong đó đã xây dựng thành công mô hình “Phát huy vai trò của Ban phát triển xóm trong bảo đảm ANTT”. Từ khi mô hình đi vào hoạt động đến nay đã góp phần xóa bỏ ảnh hưởng của TCBHP DVM. Các thành viên chính của mô hình (Ban phát triển xóm) đã phối hợp với tổ công tác các cấp tuyên truyền, vận động các hộ tự giác ký cam kết từ bỏ, không tin, không nghe theo TCBHP DVM, trong đó có hộ Vừ A Quả là trưởng điểm nhóm TCBHP DVM tại xóm Khau Dề. Mô hình góp phần giữ vững địa bàn Khau Dề không tiếp tục bị ảnh hưởng bởi TCBHP DVM. Trong công tác bảo đảm ANTT và hỗ trợ quần chúng nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Các thành viên chủ chốt trong mô hình tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc xây dựng xóm Khau Dề trở thành địa bàn đoàn kết, ổn định về ANTT, cùng giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, ổn định cuộc sống, sớm thoát nghèo.
Ông Vừ A Chính ở Khau Dề cho biết, gia đình trước đây theo TCBHP DVM. Khi được cán bộ công an đến tuyên truyền, giải thích đã hiểu rõ bản chất sai trái của TCBHP DVM, cả nhà đã ký cam kết từ bỏ. Khi từ bỏ, gia đình nhận được sự hỗ trợ về phát triển kinh tế hộ gia đình, nhà có điện, chúng tôi phấn khởi lắm.
Chị Thào Thị Đâu, dân tộc Mông, xóm Khau Dề cho biết, từ bỏ TCBHP DVM, cán bộ công an đã hỗ trợ gia đình tôi rất nhiều, giúp đỡ gia đình trong sản xuất, đặc biệt, đã kéo đường điện. Từ khi có điện, ánh sáng được thắp lên trong ngôi nhà ở lưng chừng núi, con cái học hành được thuận lợi, nhà tôi ai cũng vui. “Chúng tôi, những người dân trong xóm đã thay đổi nhận thức, tập trung phát triển kinh tế để gia tăng thu nhập, không nghe theo kẻ xấu. Khi có sự việc bất thường trong xóm đều báo cho thầy giáo Hứa Văn Thủy, Trường Tiểu học Bản Là (Thái Sơn), Bí thư Chi bộ xóm Khau Dề, tổ tương trợ xã Thái Sơn. Khi có tổ tương trợ xã Thái Sơn, người dân yên tâm sản xuất, tham gia bảo đảm ANTT trên địa bàn”, chị Thào Thị Đâu cho hay.
Đồng chí Thượng úy Nông Văn Thuần, Đội phó Đội An ninh cho biết, qua công tác dân vận, tích cực tuyên truyền, vận động sâu sát tại cơ sở, đồng bào Mông và các dân tộc thiểu số khác hiểu rõ hơn bản chất của TCBHP DVM, các hộ đã cam kết từ bỏ không tin theo TCBHP DVM, trong đó có nhiều người Mông tích cực phấn đấu trở thành đảng viên, bí thư chi bộ, trưởng xóm, công an viên…
Trung tá Phương Hải Truyền, Trưởng Công an huyện Bảo Lâm cho biết, tại những xã đã xóa bỏ TCBHP DVM, trong đó có Thái Sơn, bà con phấn khởi nói về tinh thần đoàn kết, yên tâm làm ăn khi xóa bỏ tổ chức trái phép. Để giữ vững ANTT trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Công an huyện chủ động nắm tình hình, tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Công an huyện chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch công tác bảo đảm ANTT trên địa bàn. Phát huy vai trò nòng cốt giữ gìn ANTT, cấp ủy, lãnh đạo Công an huyện chủ động phân công cán bộ, chiến sĩ bám sát địa bàn, đến từng hộ dân, nhất là những địa bàn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về ANTT để tuyên truyền cho người dân hiểu về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự nguy hiểm của các loại tội phạm. Qua đó, ý thức của người dân được nâng lên, không nghe và đi theo kẻ xấu xúi giục tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp. Mỗi cán bộ, chiến sĩ nêu cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao hiệu quả các mặt công tác, tăng cường đến cơ sở, vì nhân dân phục vụ, không quản ngại khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tranh thủ những người có uy tín trong đồng bào tuyên truyền, vận động người dân nêu cao tinh thần trách nhiệm trong tham gia bảo vệ ANTT, đây chính là cầu nối, vừa là người trực tiếp đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân.
Lưu hiệp (https://huongsenviet.com)
ConversionConversion EmoticonEmoticon