Bộ Nội vụ đề xuất cán bộ được bổ nhiệm vị trí cao hơn cần kinh qua vị trí liền kề và có sản phẩm cụ thể, phù hợp với vị trí dự kiến bổ nhiệm để chống bổ nhiệm thần tốc và chạy chức chạy quyền.
Bộ Nội vụ vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan nhà nước. VnExpress phỏng vấn ông Nguyễn Tư Long, Vụ phó Công chức Viên chức về nội dung này.
– Tại sao Bộ Nội vụ xây dựng dự thảo Nghị định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính, trong khi đã có Luật Công chức Viên chức và các nghị định liên quan, thưa ông?
– Dự thảo Nghị định được xây dựng dựa trên căn cứ về chính trị, pháp lý và thực tiễn. Chúng ta có Nghị quyết 39/2015, Quy định số 89/2017 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 26/2018 hội nghị trung ương 7 khóa 12, Nghị quyết số 28/2022 hội nghị trung ương 6 khóa 13, xác định nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, chú trọng trình độ, năng lực, phẩm chất. Các văn bản đều giao Ban Cán sự đảng Chính phủ rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng.
Luật Cán bộ công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định việc bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện. Tại Nghị định 138/2020/NĐ-CP, Chính phủ giao Bộ Nội vụ xây dựng trình Chính phủ ban hành quy định tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước.
Nghị định cũng được xây dựng căn cứ vào yêu cầu thực tiễn quản lý Nhà nước. Trước đây tiêu chuẩn lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị thuộc bộ và của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (giám đốc, phó giám đốc sở) do bộ trưởng quản lý ngành quy định. Tuy nhiên, quá trình thực hiện phát sinh nhiều bất cập trong điều động, bổ nhiệm cán bộ ở bộ ngành, địa phương. Thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh, thời gian qua thẩm quyền này giao bộ, ngành địa phương căn cứ vào quy định của Đảng và đặc thù của mình để quy định cụ thể tiêu chuẩn chức vụ, chức danh trong phạm vi quản lý.
Để tránh tình trạng mỗi bộ, ngành, địa phương lại có quy định khác nhau, Chính phủ ban hành quy định về tiêu chuẩn chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý chung là rất cần thiết. Đây sẽ là mức tối thiểu phải đáp ứng, còn bộ, ngành, địa phương nào thấy cần tiêu chuẩn cao hơn thì có thể quy định riêng.
– Tiêu chí mang tính đổi mới nhất được quy định trong dự thảo nghị định là gì?
– Chúng tôi đã cố gắng lượng hóa tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm cán bộ lên chức danh cao hơn, trong đó họ bắt buộc phải có sản phẩm cụ thể ở chức vụ hoặc vị trí việc làm đang giữ. Cán bộ muốn được bổ nhiệm lên vị trí cao hơn phải đáp ứng điều kiện là có sản phẩm cụ thể tại vị trí đang công tác. Sản phẩm này phải phù hợp với vị trí dự kiến được bổ nhiệm. Tiêu chí này rất quan trọng nhằm lựa chọn được cán bộ lãnh đạo thật sự có năng lực, trình độ, thể hiện bằng sản phẩm cụ thể, lượng hóa được chứ không định tính.
Bên cạnh đó, người được bổ nhiệm bắt buộc phải giữ chức vụ, chức danh liền kề đủ 2 năm trở lên. Trong cơ quan, tổ chức, đơn vị có các cấp trực thuộc thì tuần tự phải kinh qua từng cấp mới lên được vị trí cao nhất. Quy định này tạo cơ chế chống bổ nhiệm thần tốc, lựa chọn được người có đủ kinh nghiệm trong ngành, lĩnh vực. Người có năng lực vượt trội thì cấp có thẩm quyền vẫn có thể bổ nhiệm mà không cần đáp ứng yêu cầu về thời gian tối thiểu 2 năm hoặc vị trí liền kề. Tuy nhiên, đây là những trường hợp hết sức đặc biệt, không phổ biến và cấp có thẩm quyền bổ nhiệm trong những trường hợp này phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Mỗi vị trí việc làm ở các cơ quan khác nhau thì “sản phẩm” đầu ra không thể giống nhau. Do đó, Nghị định giao bộ, ngành, địa phương căn cứ vào đặc thù của mình quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện về thành tích, kết quả và sản phẩm cụ thể tại vị trí đang đảm nhiệm phù hợp với vị trí lãnh đạo, quản lý dự kiến bổ nhiệm để bảo đảm lựa chọn đúng người có năng lực thực hiện nhiệm vụ được giao.
– Bộ Nội vụ dựa trên cơ sở nào để đề xuất hai tiêu chí nói trên?
– Nghị quyết 26/2018 đã xác định rất rõ là Phát hiện, lựa chọn từ nguồn quy hoạch những cán bộ tiêu biểu, xuất sắc đã được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện theo chức danh, nhất là những người đã được thử thách qua thực tiễn, có thành tích nổi trội, có “sản phẩm” cụ thể, có triển vọng phát triển. Nghị quyết cũng yêu cầu đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương. Đây chỉ là một khía cạnh, còn các tiêu chí khác đương nhiên phải đáp ứng như về đạo đức, tư tưởng chính trị, năng lực quản lý…
Quy định 2 năm giữ chức vụ cấp dưới cũng là chủ trương lớn đã được nêu trong Quy định số 80/2022 của Bộ Chính trị. Công chức muốn được bổ nhiệm lên vị trí cao hơn phải đáp ứng điều kiện về thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương liền kề với chức vụ dự kiến bổ nhiệm tối thiểu hai năm. Trường hợp nếu không liên tục sẽ được cộng dồn với thời gian giữ chức vụ tương đương.
Nếu công chức trước khi giữ chức vụ đang đảm nhiệm đã có thời gian giữ chức vụ cao hơn, bằng hoặc liền kề với chức vụ dự kiến bổ nhiệm thì được tính là thời gian giữ chức vụ tương đương để cộng dồn. Trường hợp bị cách chức, giáng chức sẽ không được cộng dồn. Nghị định cũng quy định với trường hợp đặc biệt về kinh nghiệm công tác (hoặc bổ nhiệm vượt cấp) sẽ do cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Các nội dung này Bộ Nội vụ đã lấy ý kiến của Ban Tổ chức Trung ương trong quá trình soạn thảo và được đồng tình cao.
– Theo quy định thì phạm vi Nghị định áp dụng đối với công chức giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo quản lý trong các cơ quan hành chính nhà nước, vậy các cơ quan thuộc khối lập pháp, tư pháp, khối đảng, đoàn thể áp dụng như thế nào?
– Theo quy định của Hiến pháp thì Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thống nhất quản lý nền hành chính quốc gia và thực hiện quản lý về cán bộ, công chức, viên chức. Đội ngũ công chức thì không chỉ có ở các cơ quan thuộc khối hành pháp mà còn phục vụ ở các cơ quan lập pháp và tư pháp, nghĩa là có cơ quan hành chính phục vụ hoạt động của cơ quan lập pháp là Quốc hội, cơ quan hành chính phục vụ cơ quan tư pháp là Tòa, Viện và trong cả các cơ quan khác, chẳng hạn như Kiểm toán Nhà nước. Do đó, phạm vi của Nghị định áp dụng đối với tất cả các cơ quan hành chính nhà nước nêu trên.
Với cơ quan hành chính phục vụ các cơ quan Đảng, đoàn thể thì Nghị định quy định việc áp dụng tiêu chuẩn quy định tại Nghị định đối với các chức vụ, chức danh tương đương. Thẩm quyền này thuộc về cơ quan có thẩm quyền của Đảng, đoàn thể.
Viết Tuân (https://huongsenviet.com)
ConversionConversion EmoticonEmoticon