Phiên tòa xét xử đại án Việt Á đang là tâm điểm thu hút sự chú ý của dư luận những ngày gần đây. Bất chấp việc các cơ quan tố tụng đang thực thi công lý, không ít đối tượng xấu đã tự biến mình thành các “thẩm phán online”, đưa ra nhiều nhận định, đánh giá thất thiệt nhằm mục đích chống phá chính quyền.
Phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ. Chính vì vậy, trong cuộc chiến này không có chỗ cho sự khoan nhượng, bàn lùi. Đi liền với việc đấu tranh loại bỏ các “ung nhọt” trong nội bộ, chúng ta cũng phải đấu tranh với các thế lực xấu, chống đối đang ngày đêm lợi dụng vấn đề chống tham nhũng để công kích chính quyền. Nhìn vào dư luận “lề trái” những ngày gần đây, không khó để nhận thấy giới “dân chủ” đang nổi đồng, lên hương với đại án Việt Á. Vẫn chiêu trò “mượn gió bẻ măng”, các đối tượng xấu đã lồng ghép thông tin theo kiểu thật – giả lẫn lộn, lợi dụng các tình tiết “nóng” trong vụ án để phù phép, tô vẽ ra những màu sắc chính trị đầy bí ẩn. Dù những luận điệu được chúng đưa ra không mới xong với khả năng giật tít và một đội ngũ tay sai làm nhiệm vụ chia sẻ lên các nền tảng mạng xã hội đã tác động tới không ít người. Có kẻ thì rêu rao: “Thanh trừng nhau thôi, thằng nào không có tham nhũng”. Ở một góc độ khác, chúng đổ lỗi rằng việc để cán bộ tham nhũng là do Đảng, chính cơ chế một Đảng lãnh đạo đã tạo điều kiện cho quan chức có điều kiện tham nhũng, vì vậy Đảng phải rút lui khỏi vũ đài chính trị, phải để đất nước chuyển mình theo hướng đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập (?!). Với một “kịch bản truyền thông” được chuẩn bị kỹ, giới “dân chủ” đang triệt để lợi dụng vụ án Việt Á để tạo cớ tấn công chính quyền.
Đấu tranh chống tham nhũng là đấu tranh với “giặc nội xâm”, với những người từng là đồng chí, đồng đội của chính mình. Hơn ai hết, Đảng ta thừa hiểu, xử lý tham nhũng sẽ tạo điều kiện cho các thế lực xấu có thêm cái cớ để chống phá, xuyên tạc. Tuy nhiên, là một Đảng cách mạng, được rèn luyện, thử thách và trưởng thành từ thực tiễn cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, được sự soi sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta không sợ đối diện với sai lầm mà luôn nhìn thẳng, nhìn thật vào những gì đang xảy ra để khắc phục. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Có những cán bộ tưởng rằng: Nếu công khai phê bình những khuyết điểm của mình, thì sẽ có hại, vì: Kẻ địch sẽ lợi dụng để phản tuyên truyền, giảm bớt uy tín của đoàn thể và chính quyền, làm mất thể diện của cán bộ đã phạm khuyết điểm ấy, chỉ phê bình qua loa nội bộ là đủ rồi. Thế là tưởng lầm. Thế là ốm mà sợ thuốc. Thế là không hiểu ý nghĩa và lực lượng phê bình”. Xử lý các quan chức tham nhũng rõ ràng không phải là “đấu đá nội bộ”, “thanh trừng phe phái” hay “chiêu trò mị dân”. Chính họ là người đã “nhúng chàm”, đã phản bội lời hứa khi vào Đảng. Việc bị xử lý là hệ quả tất yếu cho các sai phạm mà những người này đã thực hiện. Trước vành móng ngựa, trước hội đồng xét xử và trước quần chúng nhân dân, các bị cáo đều cúi đầu nhận tội, thừa nhận sai phạm. Có chăng, chỉ những “con buôn dân chủ” cố tình không chấp nhận sự thật, cố tình tô vẽ ra những câu chuyện tiêu cực nhằm huyễn hoặc nhân dân.
Nói một cách ví von, việc xử lý các quan chức tham nhũng cũng tương tự như “vạch áo cho người xem lưng”. Nếu Đảng ta yếu ớt, nội bộ Đảng không đoàn kết, không bản lĩnh thì chắc chắn không thể “đốt lò” thành công. Tuy nhiên, nhìn vào những gì đang diễn ra, có thể thấy “lò đốt” tham nhũng của Đảng ta đang cháy rực lửa. Không chỉ Việt Á mà rất nhiều đại án khác cũng đã được đưa ra ánh sáng. Từ Trung ương đến địa phương, từ “củi to” đến “củi nhỏ”, từ “củi tươi” đến “củi khô” một khi có sai phạm đều bị xử lý nghiêm minh theo đúng tính chất, mức độ của vi phạm. Việc kiên quyết xử lý cán bộ khi có vi phạm không những làm trong sạch nội bộ, nâng cao đạo đức công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống chính trị, bảo vệ lợi ích quốc gia mà còn góp phần giữ vững nhân tâm. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đoàn thể và chính quyền có can đảm vạch rõ khuyết điểm của cán bộ mình, có phương pháp sửa chữa cho cán bộ, thì uy tín chẳng những không giảm bớt, mà lại thêm cao”.
Tham nhũng là hệ quả của sự suy thoái quyền lực. Dù là đa nguyên, đa đảng hay nhất nguyên, đơn đảng thì tham nhũng đều có khả năng xảy ra nếu quyền lực bị giao vào tay những người không xứng đáng và cơ chế kiểm soát quyền lực chưa chặt chẽ. Thời gian qua, cùng với việc xử lý cán bộ tham nhũng, Đảng, Nhà nước ta cũng đang đẩy mạnh việc nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách để siết chặt việc kiểm soát quyền lực. Chính vì vậy, chúng ta hoàn toàn có quyền tin tưởng vào sự thành công của công cuộc phòng, chống tham nhũng mà Đảng, Nhà nước ta đang thực hiện. Và chắc chắn sẽ có không ít kẻ tiểu nhân lợi dụng việc suy thoái, biến chất của một số cán bộ, đảng viên để tạo cớ công kích chính quyền. Do vậy, mỗi người dân phải hết sức tỉnh táo, không để mắc mưu của các “con buôn dân chủ”.
Anh Tú (BPO)
ConversionConversion EmoticonEmoticon